Lại đánh học sinh
Báo chí mới đây lại đưa tin về việc một nữ sinh lớp 8 ở Khánh Hòa đòi nghỉ học, buộc gia đình phải chuyển trường vì nhiều lần bị cô giáo dạy Văn đánh, cho học sinh khác chế giễu trước lớp.
Theo phụ huynh của em thì sau mỗi giờ học môn Văn từ trường về con gái có tâm lý bất ổn, sợ đến lớp. Gia đình tìm hiểu, phát hiện cô bé nhiều lần bị nữ giáo viên đánh. “Con tôi nhiều lần bị cô giáo dạy Văn bạt tai, còn cho các học sinh khác chế giễu trước lớp, lẫn trong giờ học thêm bên ngoài”, người mẹ cho biết. Chiều 21-8 vừa qua, gia đình nữ sinh lớp 8 đã rút hồ sơ khỏi trường THCS Trần Quốc Toản tại Nha Trang, Khánh Hòa, chuyển đến một trường khác ngoài tỉnh để tiếp tục chương trình học…
Trước những hành động phản giáo dục như vậy, nhiều giáo viên đã bị lên án, thậm chí bị kỷ luật nặng. Song hậu quả tâm lý lâu dài ảnh hưởng tới học sinh dường như lại chưa được quan tâm.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em rất nhạy cảm nên chỉ cần thầy cô giáo la mắng cũng đã hoảng loạn chưa kể đến chuyện đánh đập, sỉ vả và chế giễu trước lớp nhiều lần... Thời gian gặp gỡ, tiếp xúc giữa thầy cô và học sinh gần như diễn ra thường xuyên nên khi quá sợ thầy cô giáo, các em sẽ bị stress âm ỉ kéo dài.
Ngày nào trẻ cũng căng thẳng, lo lắng sẽ gây ảnh hưởng đến việc học tập. Tình trạng tâm lý này kéo dài còn ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ, một là trở nên nhút nhát, tự ti, hay làm hỏng hoặc bỏ dở công việc. Ngược lại, trẻ cũng có thể phát triển theo chiều hướng bướng bỉnh, bất cần, thậm chí chống đối lại giáo viên và gia đình.
Vì vậy, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội, các thầy giáo ở bất cứ bậc học nào cũng luôn được học sinh tôn trọng, thậm chí là thần tượng hóa vì thế tư cách giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển về trí tuệ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Với những phương pháp dạy học thích hợp, cùng với sự khích lệ, động viên kịp thời, giáo viên có thể giúp trẻ vượt qua những trở ngại của mình để có những kết quả tốt nhất.
Ngược lại, khi giáo viên dùng những biện pháp không tế nhị như đánh đòn, tát tai, xé vở, dọa nạt, bỏ mặc hoặc khi để trẻ thấy sự không công bằng trong việc dạy học hay ứng xử thì các em sẽ cảm thấy hoang mang. Ở trường hợp cụ thể này, ấm ức và quá sợ cô giáo đã khiến em học sinh này bị rối nhiễu tâm lý, đòi chuyển trường, nếu không sẽ bỏ học. Nếu không may em có hành động tiêu cực hơn thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Trước ngưỡng cửa năm học mới, cùng với những đổi mới rầm rộ về chương trình, phương pháp dạy học,… có lẽ ngành giáo dục nên xem việc đổi mới tư duy, thái độ của giáo viên đối với học sinh là một trong những việc cần phải làm ngay.