Ý thức có 'ngủ đông'?

Hoàng Mai 29/08/2016 00:05

Cuối tuần qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu tổ công tác của Thủ tướng đã tới kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Cùng đó, đoàn công tác của Thủ tướng làm việc với một số bộ, ngành cho thấy sự quyết liệt pha lẫn sốt ruột của Chính phủ trong việc đốc thúc sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Sẽ khó có thể thong dong, chậm chạp một khi sự hối thúc từ phía Chính phủ ngày càng mạnh mẽ.

Ý thức có 'ngủ đông'?

Toàn cảnh buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/8.

Ở một góc nhìn khác, có thể thấy, qua hai cuộc làm việc của Tổ công tác mới thấy khá nhiều vấn đề đặt ra từ cuộc kiểm tra. Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã qua gần 2/3 thời gian của năm nhưng Bộ này mới chỉ hoàn thành được 74/241 nhiệm vụ được giao- tức là chưa được 1/3. Đó là 58 nhiệm vụ trong số đó ở tình trạng hoàn thành quá hạn định. Còn, với Bộ Tài chính thì chuyện thủ tục rườm rà, gây phiền hà vẫn là một vấn đề nhức nhối; rồi chuyện đã siết chặt hay chưa kỷ luật ngân sách cũng là một vấn đề được đặt ra.

Từ cuộc làm việc của Tổ công tác do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu tới hai ngành kế hoạch đầu tư và tài chính, người ta nhận thấy có khá nhiều vấn đề đặt ra. Và, cũng thấy, “căn bệnh” của các cơ quan công quyền đã khá nặng. Có lẽ, thuốc đặc trị trước kia nay đã nhờn nên cần phải cấp thuốc mạnh hơn.

Một trong những căn bệnh ấy vẫn là ngồi phòng điều hòa làm chính sách- điều mà ĐBQH Lê Thanh Vân đã từng cảnh báo từ nhiệm kỳ khóa XIII đến nay xem ra chưa thuyên giảm. Nếu không, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chả phải nói, đại ý: Không thể chúng ta ngồi trên mây gió rồi phân giao, việc.

Phải khẳng định vẫn còn những tư tưởng chưa đổi mới. Cần làm quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho người dân doanh nghiệp, không để người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng (trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Hay là, “làm rõ việc khi xây dựng dự toán giao địa phương thì Bộ Tài chính chưa siết chặt. Bí thư, Chủ tịch tỉnh/thành phố vẫn lên Bộ Tài chính để lo việc xin được giao thấp nhiệm vụ vượt thu, tăng thu, chi thì được chi nhiều, rồi xin được giữ lại 5% nguồn vượt thu để chi cho cải cách tiền lương” (trong cuộc làm việc với Bộ Tài chính)…

Nói tóm lại, bệnh thì nhiều quá mà toàn bệnh cần phải cấp cứu và cứu chữa cấp tập nhưng giờ nó có vẻ như thành bệnh chung của nhiều nơi nên có tính hệ thống.

Một trong những căn bệnh ấy mà cần tìm cách tháo gỡ, đó là bệnh sính họp. Ai lại một tuần làm việc có 40 giờ thì cũng có chừng ấy cuộc họp (tính bình quân, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng).

Họp như vậy, lấy thời gian đâu mà điều hành công việc. Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, có rất nhiều cuộc họp lãnh đạo cấp Bộ có thể điều phối về thành phần tham dự vậy tại sao lại đổ tội họp nhiều, mệt mỏi!? Mà đã là công bộc của dân thì đương nhiên phải chấp nhận sự mệt mỏi đó; không có lẽ tìm “người đóng thế”.

Chính vì lý do này mà ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã bác đi những ý kiến có tính chất bao biện và nhấn mạnh, cần rõ trách nhiệm và cải thiện tình hình. “Cần thực sự có sự chuyển động mạnh mẽ về tư tưởng, quyết liệt phân cấp thay vì cơ chế xin - cho vì nếu phân cấp tốt, với cơ chế kiểm tra tốt sẽ giúp loại bỏ được rào cản giấy phép con hiện nay.”

Nhưng có lẽ, thông điệp rất rõ ràng, mạch lạc được Tổ công tác mà cụ thể là Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến từ chỉ đạo của Thủ tướng, đó là: Hãy coi việc của dân là việc quan trọng! Tiếc rằng, việc của dân xưa nay ít được để ý quá. Đến mức, cứ tới cửa cơ quan công quyền là dân than nhiêu khê, phiền hà và cải cách xem ra vẫn còn nửa vời lắm. Ví như lĩnh vực thuế, hải quan dù đã khá hơn rất nhiều nhưng dân vẫn kêu.

Cũng tại các cuộc làm việc, thông điệp về việc quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ, thống nhất giữa nói và làm, chuyển từ quản lý hành chính cứng nhắc sang cơ chế phục vụ người dân và doanh nghiệp để thu hút nguồn lực phát triển đất nước cũng được nhắc lại lần nữa.

Nó chứng tỏ, Chính phủ đang hành động và giờ là lúc, cần các bộ, ngành, địa phương vào cuộc cùng hành động. Nếu không, một mình Chính phủ cũng không thể giải quyết được căn cơ mọi gốc rễ của vấn đề.

Và nếu Chính phủ có quyết liệt đến đâu nhưng bộ ngành vẫn đủng đỉnh, bình chân như vại thì mọi nỗ lực sẽ có thể tan thành mây khói. Và, nếu Chính phủ thực sự hành động, nói đi đôi với làm thì sẽ tạo được đột phá trong bối cảnh ý thức của cơ quan công quyền cũng như công bộc đã “ngủ đông” quá lâu. Đương nhiên, ý thức ở đây là nói tới ý thức trách nhiệm; là quá trình vì công việc chung, vì sự phát triển chung.

Có lẽ, cùng là muốn đánh thức tinh trách nhiệm đang ẩn đâu đó trong mỗi công bộc nên Thủ tướng mới quyết định lập tổ kiểm tra để đôn đốc công việc; và cũng để các bộ, ngành, địa phương thấy rõ kết quả làm việc đến đâu, cần nỗ lực gì.

Tinh thần kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, rà soát mọi nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ ngành cũng như những việc Bộ Chính trị đã quyết định. Tổ công tác cũng như cơ quan được kiểm tra phải cùng nghiêm túc đánh giá những nhiệm vụ đã làm được, những nhiệm vụ chưa hoàn thành để tìm nguyên nhân, để tháo gỡ những việc khó khăn vướng mắc chưa thực hiện được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nói tại các cuộc làm việc.

Tinh thần ấy rồi đây cần được thấm vào các ngành, các cấp, tạo nên một không khí mới trong làm việc. Quan trọng là làm sao để tiến tới một tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm và hết lòng với việc công. Nếu được thế, Chính phủ sẽ thực sự là Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo.

Hoàng Mai