Xét tuyển ĐH, CĐ 2016: Những câu hỏi mở
Còn 3 ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung nhưng nhiều trường cho biết số lượng hồ sơ nộp về trường rất thưa thớt. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi, thí sinh đang ở đâu cũng như chất lượng đào tạo sẽ ra sao khi trong một ngành, một lớp học lại song song tồn tại hai nhóm sinh viên có điểm đầu vào cách biệt đến 2-3 điểm?
Ảnh minh họa.
Ít hay nhiều hồ sơ đều lo
Đó là tâm trạng của nhiều Hội đồng tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ trong những ngày cuối cùng chờ thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển.
Theo ông Nguyễn Phong Điền (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), tính đến hết ngày 28/8, trường đã thu được gần 600 trong tổng số 820 chỉ tiêu tuyển bổ sung.
Trường ĐH Thủy lợi tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu, nhưng hiện số thí sinh đến nộp vẫn chưa đủ so với chỉ tiêu tuyển thêm.
Trường ĐH Công nghệ TP HCM đã nhận được hơn 1.400 hồ sơ đăng ký xét bổ sung trên tổng số 1.600 chỉ tiêu.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho biết đã có trên 800 thí sinh đăng ký xét bổ sung trong khi chỉ tiêu là 600 sinh viên. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ đợt 1, các trường đều cho rằng ít ra lượng hồ sơ phải gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển bổ sung mới tránh được việc phải tuyển sinh lần 3 do lo lắng về mức độ ảo.
“Nếu như ở đợt tuyển sinh đầu tiên, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng, vào 2 trường, hầu hết những em có điểm trên 20 đều trúng tuyển cả hai ĐH, và tất nhiên chỉ học được một, dẫn đến tỷ lệ thí sinh ảo của các trường lên đến 50%. Ở đợt tuyển bổ sung lần 2 này, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh được đăng ký cùng lúc tối đa 6 nguyện vọng, vào 3 trường nên mức độ ảo không những giảm mà có nguy cơ cao hơn lần 1” - một chuyên gia phân tích.
Theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục- Đào tạo, tâm lý thí sinh từ xưa đến nay đều cho rằng xét tuyển bổ sung chỉ dành cho các trường “top dưới” và điểm chuẩn thường cao hơn nguyện vọng 1. Tuy nhiên, diễn biến của kỳ tuyển sinh năm nay lại đi ngược lại so với mọi năm nên nhiều thí sinh cảm thấy hụt hẫng.
Sắp tới đây, nếu tuyển không đủ đợt 2 sẽ có đợt 3. Liệu lịch sử có lặp lại nếu các trường vẫn cố “vét” thí sinh bằng mọi giá mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo? Bởi qua đợt tuyển bổ sung lần này cho thấy, nhiều trường đã hạ điểm chuẩn thấp hơn từ 1-5 điểm so với điểm nguyện vọng 1 – một sự chênh lệch không hề nhỏ khi kết quả đỗ, trượt ĐH nhiều khi chỉ tính bằng 0,25 điểm.
Lấp đầy chỉ tiêu?
Trong khi các trường đều than không tuyển đủ chỉ tiêu và đặt câu hỏi Bộ GD-ĐT liệu có tính toán nhầm về số lượng nguồn tuyển thì theo số liệu công bố mới nhất của Bộ, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH 15 điểm là 404.282, trong khi tổng chỉ tiêu ĐH là 317.639. Tuy nhiên, không phải tất cả số thí sinh này đều có nguyện vọng đăng ký học ĐH, CĐ.
Cụ thể, có hơn 870 nghìn thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016, giảm khoảng 12% so với năm 2015. Trong đó có 519.000 em thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ (chiếm 70%), số còn lại chỉ để xét tốt nghiệp.
Nguồn tuyển giảm, nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh lại tăng lên theo từng năm do việc mở trường ĐH tràn lan. Năm 2014, cả nước chỉ có 214 trường ĐH, 2015 là 219 trường thì năm 2016, số trường đã tăng lên là 223 trường. Tương tự, số trường CĐ 3 năm qua tăng lần lượt từ 214 trường lên 217 trường và đến nay là 219 trường.
Trường mới mở ra, thêm cơ hội vào ĐH, CĐ cho người học nhưng lại đặt thêm gánh nặng cho thị trường sử dụng nhân lực vốn đang thừa thầy, thiếu thợ hiện nay.