Khích lệ nghệ nhân dân gian
Cuối tuần qua, lần đầu tiên Bộ Công thương phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nhằm tôn vinh nghệ nhân có nhiều cống hiến từ hơn 20 tỉnh thành trên cả nước. Hoạt động này nhằm biểu dương, khích lệ các nghệ nhân, thợ giỏi, những người đã có công bảo tồn, phát huy nghề truyền thống.
Theo đó, danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân đã được phong tặng cho 16 cá nhân với nghề thêu, gốm, thêu phục chế, hoa lụa, đậu bạc, chạm đồng, hoa khô, điêu khắc gỗ, chạm bạc, đồng, đúc đồng, điêu khắc đá. 84 cá nhân được xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú thuộc các nghề mộc mỹ nghệ, gốm, tranh dân gian Đông Hồ, điêu khắc, thêu ren, mây tre đan…
Đây là lần đầu tiên Bộ Công thương tổ chức lễ phong tặng và trao tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian ở lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trước đó, những nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ chỉ được nhận danh hiệu Nghệ nhân làng nghề, vì thế lần đầu tiên được nhận danh hiệu nghệ nhân nhân dân hoặc nghệ nhân ưu tú, họ thực sự xúc động.
Theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương), đây là những người giữ lửa di sản có công bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống; tham gia truyền nghề cho các thế hệ sau và sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Không chỉ vậy, những nghệ nhân này còn có công lớn trong việc đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trở thành sản phẩm mang tầm vóc, thương hiệu Việt Nam đến với các nước trên thế giới.
Đặc biệt, nhân dịp này Lễ phong tặng “Bảng vàng gia tộc truyền thống Việt Nam” cũng đã được tổ chức vào tối ngày 27/8. Ông Lưu Duy Dần- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay, đây là lễ tôn vinh các gia đình, dòng họ đã gìn giữ, phát huy và lưu truyền các tác phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam; tôn vinh các làng nghề thủ công truyền thống…
Đây cũng là hoạt động tri ân các tổ nghề ngành thủ công mỹ nghệ đã có công khai sáng, truyền dạy nghề và khơi dậy niềm tự hào về các làng nghề, ngành nghề tuyền thống; đồng thời khích lệ tinh thần học hỏi, nâng cao phát triển nghề thủ công mỹ nghệ cho các thế hệ tiếp theo.
Mừng vì đây là lần đầu tiên danh hiệu nghệ nhân dân gian ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ được trao cho các nghệ nhân. Nhưng các chuyên gia văn hóa vẫn không khỏi băn khoăn. Theo TS Đinh Thị Vân Chi- Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, hiện vẫn còn nhiều bất cập và chậm trễ trong việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề truyền thống.
Nghệ nhân làng nghề truyền thống là những “báu vật nhân văn sống”, bởi họ là người phát minh ra những công nghệ độc đáo, tạo nên hồn cốt của sản phẩm thủ công mỹ nghệ; là người giữ bí quyết của nghề, gắn bó lâu năm và hết lòng sống chết vì nghề. Song lâu nay nghệ nhân làng nghề chưa được đối xử đúng mức, chưa được tôn vinh kịp thời và chưa nhận được sự đãi ngộ tương xứng với công sức đóng góp của họ.
Để bảo đảm quyền lợi và tận dụng được hết tài năng của nghệ nhân làng nghề, rất cần phải luật hoá các chế độ, chính sách dành cho họ; đa dạng hoá các danh hiệu và kịp thời tôn vinh họ; khuyến khích và tạo điều kiện để họ đào tạo đội ngũ kế cận cho các làng nghề truyền thống.
Trong khi các nghệ nhân lưu giữ nghề truyền thống tuổi ngày càng cao, sức càng yếu nếu phải chờ đợi việc xét tặng theo qui định của Bộ Công thương (ban hành ngày 5-3-2015): Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” được xét và công bố 3 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2-9 bắt đầu từ năm 2015, e có người sẽ có những nghệ nhân không còn đủ thời gian….