Sức sống của mo Mường
Hòa Bình là vùng đất sinh sống của dân tộc Mường, đồng thời đây cũng là nơi có nhiều địa danh lịch sử văn hóa nổi tiếng của nền Văn hóa Hòa Bình. Theo thời gian, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng với nhiều hình thức và thể loại, trong đó nổi bật là Mo Mường. Đến nay, mo Mường vẫn dồi dào sức sống, và là một di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn.
Đường vào bản Mường.
1. Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ với tộc người Mường. Theo các nhà nghiên cứu, mo Mường đã góp phần hình thành dưỡng nuôi cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ nhân dân giàu truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và vùng đất Hòa Bình. Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu quê hương xứ sở, thể hiện khí phách, cốt cách của con người và vùng đất miền núi bản Mường ở Hòa Bình. Mo Mường chính là tính cách, là tâm hồn và đạo nghĩa của dân Mường.
Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững những giá trị của mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của di sản phi vật thể vô cùng quý giá này. Năm 2015, di sản văn hóa Mo Mường - Hòa Bình đã đón nhận Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
Vậy mo Mường là gì? Về mặt động từ, “mo” có nghĩa là xướng lên theo những làn điệu nhất định những bài cúng, những khúc mo nhòm (tả cảnh), những “cát” mo (một trường đoạn) kể trong các nghi lễ phục vụ đời sống của từng gia đình và cộng đồng.
Còn về mặt danh từ, là để chỉ những người làm nghề mo (Ông Mo) và những bài mo, những áng mo. Người làm nghề mo được dân gian gọi là Ông Mo hoặc Trượng. Tuy nhiên, có sự phân biệt giữa người mới làm mo và những người có dòng dõi làm mo. Những người có dòng dõi làm mo được dân chúng coi trọng hơn và gọi là “mo có nổ”. Những người thế hệ trước đã từng làm mo của nhà Ông Mo được gọi chung là “nổ”.
Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, ở các vùng Mường hiện nay có 5 làn điệu mo được dân gian đặt tên: “Ò hoi”, “Dà dê”, “Hâm mo”, “Dà đôông” và “Hệu kệu”. Những làn điệu mo này, về mặt âm nhạc có giai điệu khác nhau. Cách gọi tên như vậy vì đó là đặc điểm dễ phân biệt giữa các điệu mo, là câu hô xướng đầu tiên của các điệu mo.
Ông mo luôn đóng vai trò quan trọng trong các phần lễ hội của người Mường.
2. Mặc dù hiện nay mo Mường cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự du nhập đáng kể của văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, nhưng thống kê của ngành văn hóa tỉnh Hòa Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện vẫn có gần 300 nghệ nhân mo là người dân tộc Mường còn hành nghề. Điều đó cho thấy sức sống của mo Mường vẫn còn rất bền bỉ.
Theo các nhà nghiên cứu, mo có một số thể loại:
Thể loại mo nghi lễ: Loại mo này bao gồm những bài mo gắn với các lễ nghi trong đời sống tín ngưỡng của người Mường. Xét về chức năng thì thể loại mo này có chức năng dẫn dắt thần linh hay linh hồn, vía con người thực hiện một lễ thức nào đó, vì vậy nó mang tính chất nghi thức. Về nội dung thông thường gồm 4 phần chính: Thứ nhất là nêu lý do của lễ thức; thứ hai là mời các nhân vật thờ trong lễ nghi đó về tại nơi tổ chức nghi lễ; thứ ba là dâng mời ăn uống và cầu xin; thứ tư là đưa các nhân vật thờ về chỗ ngự.
Thể loại mo kể chuyện: Thể loại mo này bao gồm những bài mo có chức năng kể chuyện. Mỗi một trường đoạn trong mo kể gọi là “cát”. Thể loại mo này không cố định về mặt nội dung mà phụ thuộc vào không gian, thời gian, hoàn cảnh hành lễ, sự sáng tạo và tâm lý của Ông Mo. Tuy nhiên nó bắt buộc phải có ở một số nghi lễ và có thể giản lược hay tạm vắng ở một số nghi lễ. Cụ thể như trong nhóm nghi lễ gọi linh hồn con người (nhóm lễ vía) bắt buộc phải có phần “đẻ gạo” trước khi dâng ăn uống cho vía. Chuyện “Đẻ gạo” có sự khác nhau ít nhiều giữa các Ông Mo, đó đơn thuần là tính dị bản thường thấy trong các loại hình văn hóa dân gian. Thể loại mo kể chuyện xuất hiện rất nhiều trong mo tang lễ cổ truyền.
Thể loại mo nhòm: Về nội dung và tính chất, mo nhòm là loại mo tả cảnh. “Nhòm” trong tiếng Mường có nghĩa là ngắm nhìn ra phía xa. Nội dung những bài mo nhòm hầu hết là miêu tả về phong cảnh, đất nước, con người. Thể loại mo này được mo xen kẽ trong mo nghi lễ và mo kể chuyện, nội dung cũng không cố định. Đây là loại mo rất dễ bị giản lược hoặc có thể bỏ để đảm bảo thời gian và điều kiện cho mo nghi lễ và mo kể chuyện. Mo nhòm được coi như một “thứ gia giảm” cho mo nghi lễ.
3. Mo Mường là nét văn hóa đặc sắc có từ lâu đời trong đời sống người Mường ở Hòa Bình. Từ thời Pháp thuộc, việc nghiên cứu mo Mường đã được bắt đầu tiến hành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với thời gian, nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về mo Mường đã mang lại cái nhìn ngày càng đầy đủ, khoa học về giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa của mo Mường.
Trên thực tế, mo Mường được coi là di sản văn hóa phi vật thể “đang sống” và là biểu đạt sống do tổ tiên ông cha truyền lại cho con cháu. Vì thế, đây được coi là một giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc Mường nói chung.
Người Mường sử dụng mo để thực hành nghi lễ trong đời sống là rất phổ biến, được giới nghiên cứu chia thành từng nhóm: Nhóm nghi lễ cầu phúc lộc, gồm các nghi lễ: Lễ Tết nguyên đán, Lễ thanh minh tảo mộ, Lễ cưới, Lễ tế thành hoàng, khuống mùa, Lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới, lễ cầu quàng; Nhóm nghi lễ gọi linh hồn con người, gồm các lễ: Lễ mụ sinh, lễ vía hộp, lễ vía mạnh, lễ vía khang, lễ vía gầy, lễ mụ thố, lễ mụ thảy; Nhóm nghi lễ trừ tà ma, cầu yên, cầu sức, gồm các nghi lễ: cúng ma nhà, cúng ma rừng, cúng ma trài, cúng ma đống, cúng khồng trăm, cúng qua đêm ngoài đồng, cúng khồng tập; Nghi lễ đặc biệt: Tang lễ.
Nội dung mo Mường với hàng chục nghìn câu thơ, câu văn vần qua các bài mo, cát mo, roóng mo được sáng tác theo vần điệu, nghệ thuật và tuân thủ theo một nguyên tắc diễn xướng nhất định được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, là một sự độc đáo mà ít dân tộc nào bảo tồn được.
Nội dung các áng mo Mường gắn liền với đời sống tâm linh và thể hiện quan niệm nhân sinh quan, vũ trụ quan và lịch sử phát triển của một dân tộc về sự sống và cái chết, sự tồn tại vĩnh cửu của linh hồn con người, thể hiện sự cố kết cộng đồng, yêu hòa bình, hướng thiện, luôn ước mong hướng tới một tương lai tốt đẹp... Ngoài ra, các áng mo còn được thể hiện qua tài ứng khẩu tài tình của các thầy mo căn cứ theo hiện tại, hoàn cảnh và điều kiện của từng gia đình, dòng họ, đối tượng...
Bây giờ có dịp về Hòa Bình, đi qua 4 vùng Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) ta dễ dàng bắt gặp những ông mo đang ngày đêm bền bỉ “thắp lửa” giữ mo Mường. Nếu may mắn tham gia một buổi mo Mường, ngoài yếu tố thiêng liêng có chút huyền bí, ta còn được nghe những áng mo Mường với khúc thức và ngôn ngữ cổ với sự hồn nhiên, chân thật của những cư dân của nền “văn hóa Hòa Bình”.