Nâng cao giá trị chè Việt Nam: Cần liên kết chặt chẽ
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ năm 2011 đến nay, ngành sản xuất chè đã có nhiều bước phát triển. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và chế biến chè phát triển khá đa dạng như các công ty chè 100% vốn nước ngoài ở miền núi phía bắc (Phú Bền-Phú Thọ; Phú Tài-Yên Bái; Ken Green Farm-Sơn La) và một số công ty liên doanh (Phú Đa-Phú Thọ, Cờ Đỏ-Sơn La)...
Chè Việt Nam nổi tiếng thơm ngon.
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Các giải pháp sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng” được Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây tại Thái Nguyên, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã nhấn mạnh những diện tích chè trồng tự phát không còn cho hiệu quả kinh tế cao. Người trồng chè muốn “đổi đời” thì cần phát triển việc trồng chè an toàn. Tuy nhiên, chè an toàn đang rơi vào thế bí khi các cơ sở chế biến chất lượng thấp mọc như nấm sau mưa.
Việc gia tăng doanh nghiệp trong lĩnh vực chè đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển một số trang trại trồng chè quy mô hàng chục ha, sử dụng chè giống mới, áp dụng cơ giới hoá, thâm canh và sản xuất chè an toàn, có công nghệ và dây truyền chế biến chè phù hợp, tạo sản phẩm chè chất lượng cao, chủ động tiêu thụ như ở Lâm Đồng, Thái Nguyên, Cao Bằng, Phú Thọ…
Tuy nhiên theo đánh giá của lãnh đạo Cục Trồng trọt, việc liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người trồng chè còn chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp, đặc biệt là quy hoạch các nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu, vẫn còn hiện tượng tranh mua, tranh bán và ép giá người trồng chè.
Bên cạnh đó, tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều trung gian không những làm tăng giá nguyên liệu đầu vào mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu. Chất lượng nguyên liệu đầu vào thấp là nguyên nhân chính làm chất lượng chè thành phẩm thấp, giá cả và sức cạnh tranh của chè Việt Nam trên thị trường thế giới giảm sút.
Đáng chú ý theo nhận định của TS Phan Huy Thông, tình trạng phát triển các cơ sở chế biến tự phát không theo quy hoạch, nhất là các cơ sở chế biến nhỏ với công nghệ thấp, không những gây căng thẳng về nguồn nguyên liệu, mà còn dẫn đến không chú trọng chất lượng nguyên liệu đầu vào. Việc kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với chè, kể cả đầu vào và đầu ra chưa được thường xuyên và chặt chẽ, chất lượng chè thành phẩm chưa ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng.
Trong định hướng quy hoạch sản xuất chè an toàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, việc sản xuất, chế biến chè phải gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn. Theo đó, vùng có độ cao dưới 500 mét so với mặt biển, định hướng chè năng suất cao, an toàn phục vụ cho chế biến chè đen, với diện tích khoảng 80.000 ha, tập trung ở vùng du và núi thấp của các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp, định hướng diện tích chè cả nước ổn định khoảng 140.000 ha, trồng mới và trồng thay thế hằng năm chủ yếu bằng các giống chè năng suất, chất lượng cao, trong đó cơ cấu giống chè chất lượng khá và chất lượng cao chiếm trên 50% diện tích, sản xuất chè theo hướng an toàn.
Theo TS. Phan Huy Thông, đã đến lúc phải thay đổi tư duy và hành động trong sản xuất chè an toàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, cần kiểm soát nguyên liệu đầu vào trong tất cả các khâu, từ tổ chức sản xuất, thu mua chế biến và xuất khẩu.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất và tiêu thụ chè an toàn, tăng cường đào tạo tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ khuyến nông viên và cán bộ quản lý nông nghiệp của các địa phương về các văn bản quản lý nhà nước về sản xuất, chế biến chè an toàn.