Nông nghiệp ĐBSCL: Ì ạch cơ giới hóa
Chậm cơ giới hóa nông nghiệp không tạo tiền đề tốt để ĐBSCL phát triển mạnh. Ì ạch cơ giới hóa nông nghiệp vẫn đang là thực trạng tại vựa lương thực lớn nhất của cả nước.
Hàng năm ĐBSCL sản xuất 25 triệu tấn lúa (chiếm 56% cả nước), sản lượng nuôi trồng chế biến thủy hải sản 3,6 triệu tấn (chiếm 57%),… Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây chưa phải là con số ấn tượng nhất cho toàn vùng, bởi vì ngành nông nghiệp của vùng chưa phát triển đúng tầm. Nhìn chung nông nghiệp phát triển chủ yếu theo hướng canh tác truyền thống, thay vì áp dụng cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng.
“Phần lớn nông dân vùng ĐBBSCL sản xuất theo phương thức thủ công, chưa vận dụng công nghệ. Đây là điểm yếu cần sớm khắc phục cho toàn vùng”, ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Cần Thơ khẳng định. Theo ông Tùng, trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp thì ngành lúa gạo ấn tượng hơn cả. Trong đó, cứ 62 hộ sản xuất nghiệp thì có một máy, sản lượng lúa được sấy khô bằng máy móc hiện đại chỉ khoảng 40 - 50%,…
Quan ngại về khả năng phát triển nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho rằng: “Thiếu và yếu về công nghệ sản xuất nên nông nghiệp ĐBSCL không thể tạo sức bật cho tăng trưởng và phát triển mạnh. Tỷ lệ cơ giới khóa trong khâu thu hoạch lúa đạt 65%, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất yếu đến nỗi gạo chủ yếu là xay xát rồi xuất khẩu. Đối với mặt hàng cá xuất khẩu cũng chỉ dừng lại ở mức độ phi lê và chưa thể sử dụng trực tiếp… Thiếu tiềm lực phát triển dây chuyền sản xuất theo hướng công nghệ hiện đại, vì vậy đa phần nông thủy sản xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp”.
Dựa trên thực tế phát triển nông nghiệp của toàn vùng, ông Nam cho rằng, thời gian cơ giới hóa nông nghiệp ĐBSCL có nhích nhẹ nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo VCCI Cần Thơ, nếu như năm 2005 – 2014, vốn FDI của vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm bình quân 5% tổng số vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ vốn FDI đầu tư cho ngành nông nghiệp gia tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2014 cả vùng chỉ có 184 dự án FDI với tổng vốn 900 triệu USD. Đến năm 2015 vốn FDI tăng mạnh với 3,6 tỷ USD từ 371 quốc gia, đạt 13%. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, cả vùng thu hút thêm 79 dự án, số lượng vốn đầu tư lên đến 1,4 tỷ USD, chiếm 12% tổng vốn FDI của cả nước. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, New Zealand,… đã, đang và tiếp tục tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp máy cày, máy kéo, máy gặt đập liên hợp…
Một vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước với diện tích đất canh tác nông nghiệp là 2,6 triệu ha, chiếm 64% diện tích đất toàn vùng, điều vô hình trung tạo “hấp lực” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp các nước mong muốn Chính phủ và địa phương phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng cũng như có chính sách hỗ trợ phù hợp. Kỳ vọng nguồn vốn FDI vào nông nghiệp sẽ gia tăng trong thời gian tới.