Nóng vụ phá rừng Pơ mu
Chiều 30/8, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ thông báo tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2016. Vụ phá rừng Pơ mu là chủ đề nóng nhất tại buổi họp này.
Quang cảnh buổi họp báo chiều ngày 30/8/2016.
Chủ trì cuộc họp có ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cở, ngành liên quan và đông đảo các nhà báo, phóng viên tham dự.
Tại buổi họp báo, vụ phá rừng Pơ mu là chủ đề rất nóng. Tại đây phóng viên báo Đại Đoàn Kết mở đầu cho hai câu hỏi:
Một là, ngay sau khi khởi tố vụ án phá rừng Pơ mu, đã đình chỉ 3 cán bộ Bộ đội biên phòng (BĐBP) và Chi cục trưởng chi Cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang. Vậy “số phận” của các cán bộ này hiện nay như thế nào?
Hai là, cho biết kết quả điều tra đến nay có cá nhân lãnh đạo, cơ quan quản lý Nhà nước, hoặc chính quyền cơ sở trên địa bàn liên quan đến vụ án hay không?
Đại tá Nguyễn Đăng Chung, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP
tỉnh Quảng Nam trả lời câu hỏi của phóng viên Đại Đoàn Kết.
Trả lời câu hỏi này, Đại tá Nguyễn Đăng Chung, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam, cho hay: “Liên quan đến vụ việc này trước đó Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc, triệu hồi một số lãnh đạo ra Hà Nội để giải trình vụ việc. Riêng 3 cán bộ bị tạm đình chỉ công tác trước đó hiện vẫn tiếp tục đang bị tạm đình chỉ, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm túc, cá nhân đồng chí nào nếu có vi phạm thì sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Trả lời cho câu hỏi thứ 2, ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết, cuối tháng 9 này, Ban chuyên án Công an tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn tất điều tra để báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy và báo cáo Chính phủ. Đây là vụ việc phức tạp, có liên quan cơ quan chức năng hay không thì hiện vụ án đang trong quá trình điều tra nên chưa thể trả lời được. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Tỉnh ủy rất quan tâm đến vụ việc nên liên tục chỉ đạo điều tra làm rõ”.
Nhiều phóng viên đặt câu hỏi là vụ phá rừng pơ mu, trách nhiệm của lực lượng BĐBP thế nào, vì sao khu vực biên giới được xem là khu vực cấm nhưng các đối tượng có thể ra vào để phá rừng, lực lượng biên phòng có biết không?
Ông Trung cho rằng, vụ phá rừng pơ mu diễn ra trong thời gian ngắn, việc nắm bắt chưa kịp thời nên Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam đã kiểm điểm nghiêm túc. Sau khi có kết quả điều tra sẽ có thông báo chính thức.
Cũng trong ngày, Đại tá Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế & quản lý chức vụ (PC46), Công an tỉnh Quảng Nam, cho Đại Đoàn Kết biết, sáng cùng ngày tiếp tục có 5 đối tượng trong vụ tàn phá rừng Pơ mu ra đầu thú.
Các đối tượng phá rừng Pơ mu ra đầu thú sáng nay.
Các đối tượng gồm: Hoàng Văn Sử 24/11/1981, trú ở thôn Hà Lời, Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình; 4 đối tượng còn lại cùng trú thôn Na, Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình gồm: Nguyễn Văn Thu 13/5/1990, Nguyễn Văn Phường 20/5/1984, Nguyễn Văn Ngự 29/11/1980, Nguyễn Văn Tiến 12/9/1982. Đây là những đối tượng nằm trong nhóm vận chuyển gỗ Pơ mu bị tàn phá.
Như vậy trong chuyên án này tính đến ngày hôm nay (30/8/2016) đã bắt 6 đối tượng, trong đó có 5 đối tượng cầm đầu, 1 đối tượng tham gia vận chuyển gỗ và 13 đối tượng vận chuyển gỗ ra đầu thú.
Đại tá Hồng cho biết: “Kết quả ban đầu cũng đã nói lên được sự quyết tâm phá án cao độ của lực lượng CSĐT. Bởi chỉ trong thời gian rất ngắn chúng tôi đã bắt hầu hết các đối tượng cầm đầu và vận chuyển gỗ. Hiện nay chỉ còn 1 đối tượng trong nhóm vận chuyển gỗ, cán bộ phòng PC46 tiếp tục vận động gia đình kêu đối tượng này ra đầu thú để hưởng được sự khoan hồng của Pháp luật”.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đánh giá rất cao về sự thành công bước đầu của chuyên án này. “Đây là chuyên án lớn, nhưng với bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm cao và với sự chỉ đạo kịp thời, nên chỉ trong thời gian ngắn bước đầu đã đem lại thành công tốt. Những đối tượng cầm đầu đã bị bắt. Tôi đánh giá cao chiến công này và biểu dương các đồng chí!”
Gỗ Pơ mu bị tàn phá gần cột mốc biên giới 717,
nơi giáp ranh huyện Nam Giang, Quảng Nam.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết đã có tin, bài liên tục thông tin về vụ tàn phá xảy ra tại tiểu khu 351, gần cột mốc biên giới 717, nơi giáp ranh huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông - Lào. Đây là vụ phá rừng rất nóng trong suốt thời gian qua tại Quảng Nam mà dự luận hết sức chú ý.