Quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn Độ thắt chặt sau thỏa thuận bước ngoặt

Khánh Duy 31/08/2016 09:40

Sau gần một thập kỷ thảo luận đầy vướng mắc, Ấn Độ và Mỹ cuối cùng đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt trong hôm 30/8, trong đó sẽ giúp tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar (phải) và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter trong buổi họp báo chung hôm 29/8. (Nguồn: EPA).

Thỏa thuận trên được hoàn tất nhân một chuyến thăm đang diễn ra của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tới Washington D.C, và là tín hiệu cho thấy một mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động căng thẳng.

Trong một tuyên bố chung, ông Parrikar và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter cho hay các cuộc thảo luận giữa họ đã bàn về hàng loạt vấn đề như “tăng cường hợp tác khu vực và chiến lược, tăng cường trao đổi quân sự, mở rộng phối hợp trong cải tiến công nghệ quốc phòng”.

Bất chấp thực tế rằng hai quốc gia này ngày càng có thêm nhiều điểm tương đồng về chiến lược, nhưng New Delhi tỏ ra dè dặt về nội dung của bản thỏa thuận này trong suốt một thập kỷ qua.

Nhiều quan chức an ninh và giới chính trị gia trong nhiệm kỳ trước của chính phủ ở Ấn Độ đã từng cảnh báo rằng thỏa thuận này sẽ khóa chân Ấn Độ trong một khối liên minh quân sự chính thức không thể đảo ngược, và khiến họ tự đẩy mình vào chỗ buộc phải ủng hộ Mỹ trong các cuộc xung đột, một động thái có thể khiến các nước như Nga, Trung Quốc cùng một số quốc gia thân hữu ở Trung Đông không hài lòng.

“Chúng tôi đã phản đối thỏa thuận này trong một thời gian dài vì không muốn tạo cảm giác rằng chúng tôi đang lập nhóm với người Mỹ để chống lại bên nào khác, đặc biệt là Trung Quốc” - Pallam Raju, cựu Quốc vụ khanh Quốc phòng Ấn Độ, cho hay.

Sau một vài thập kỷ nghi kỵ và lạnh nhạt trong Chiến tranh Lạnh, mối quan giữa Ấn Độ và Mỹ đã biến đổi trong những năm gần đây, với quan hệ thương mại được tăng cường và bằng việc nâng tầm đối tác chiến lược sau khi cả hai bên ký kết một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự hồi năm 2008.

Tiến trình này càng được đẩy nhanh dưới thời của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi, mà chỉ trong vòng có 2 năm qua đã biến đổi một mối quan hệ mua-bán quốc phòng đơn giản thành một quan hệ đồng minh chiến lược chặt chẽ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

New Delhi từng nhấn mạnh về sự cần thiết phải tăng cường nghiên cứu chung, sản xuất chung các trang thiết bị quốc phòng với Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ hiện là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng lớn thứ hai của Ấn Độ với các thương vụ có tổng giá trị lên tới 4,4 tỷ USD trong vòng 3 năm qua. Họ cũng là đối tác thường xuyên nhất của Ấn Độ trong các cuộc tập trận quân sự. Cách đây 6 năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng gọi mối quan hệ với Ấn Độ là “đối tác điển hình của Mỹ trong thế kỷ 21”.

Thỏa thuận hợp tác về Hậu cần quân sự mà Mỹ-Ấn mới ký kết cho phép hai bên trao đổi hỗ trợ hậu cần, và hỗ trợ nhau trong các hoạt động chung giữa lực lượng vũ trang hai nước. Các hoạt động cung cấp hậu cần này bao gồm thực phẩm, nước, nhiên liệu, thiết bị thay thế, sửa chữa, vận chuyển, thông tin liên lạc và y tế.

Washington, bên đã từng ký kết trên 100 thỏa thuận tương tự với các quốc gia đối tác trên thế giới, đã mô tả thỏa thuận này như một cách để xây dựng sự tương tác giữa quân đội hai nước.

Có thể nói, để đạt được thỏa thuận trên là điều không hề dễ dàng, bởi trước đây mỗi lần Mỹ đề cập tới vấn đề hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn, là một lần New Delhi lại thoái lui một cách lúng túng.

Hồi đầu năm nay, một quan chức quân sự kỳ cựu của Mỹ, Đô đốc Harry Haris, từng nói tại một sự kiện ở New Delhi rằng viễn cảnh các tàu hải quân của hai quốc gia hoạt động chung “sẽ sớm trở thành điều bình thường và là một viễn cảnh được chào đón trên các vùng biển Ấn Độ-châu Á-Thái Bình Dương”.

Tuyên bố được đưa trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động quân sự trong khu vực và cũng thể hiện rõ sự trông chờ của Washington rằng Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh ở khu vực châu Á.

Thỏa thuận ký kết hôm thứ Ba “không tạo nên bất kỳ cam kết nào đối với mỗi bên về việc phải thực hiện các hoạt động chung. Nó cũng không liên quan tới việc thiết lập bất kỳ căn cứ nào”, tuyên bố của chính phủ Ấn Độ nêu rõ.

Theo phân tích của giới chuyên gia, thỏa thuận này cho phép lực lượng quân sự hai bên thực hiện các chuyến cập cảng, tập trận chung, huấn luyện chung, nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo và khắc phục thảm họa thiên nhiên. Thỏa thuận cũng góp phần tăng cường quan hệ giữa quân đội hai nước, như việc cho phép tiếp nhiên liệu mà không cần phải có một thỏa thuận riêng cho mỗi lần như trước kia.

Khánh Duy