Đợi ngày khai trường ý nghĩa

Thanh Thảo 31/08/2016 09:00

Ngày 18/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã có văn bản thông báo tổ chức thống nhất trên toàn quốc lễ khai giảng vào sáng 5/9, ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ GD&ĐT, phải chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước và các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ - thể thao và các trò chơi dân gian…), bảo đảm thực sự trở thành ngày hội khai trường. Dự luận cho rằng có được yêu cầu này chứng tỏ Bộ GD&ĐT đã ý thức rất sâu sắc việc tổ chức một lễ khai giảng thực sự có ý nghĩa đối với các em học sinh cũng như thầy cô giáo.

Thực ra lâu nay nhiều thế hệ học sinh vẫn mơ về lễ khai giảng với những cảm xúc tươi mới khác hẳn ngày thường để chờ đón. Thế nhưng, thực tế lễ khai giảng ở hầu hết các trường, luôn có quy tắc chung gồm lễ diễu hành đón chào học sinh mới, báo cáo năm học, phát biểu của lãnh đạo cấp trên, phát biểu của hiệu trưởng, lời hứa khuôn sáo của đại diện học sinh... phần nào cũng dài dòng, đơn điệu dễ gây nhàm chán.

Theo phân tích của ThS Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT TP HCM thì ngày khai giảng hiện nay không còn cảm xúc trong lòng học sinh là lỗi ở các nhà quản lý giáo dục. Tổ chức lễ khai giảng nhiều khi là để khuếch trương thanh thế nhà trường chứ chưa vì học sinh…

Chưa kể việc phải phơi mình quá lâu dưới cái nắng tháng 9 còn khá gay gắt nên nhiều học sinh rơi vào trạng thái mệt mỏi. Đặc biệt là nữ sinh mặc áo dài, đẹp thì có đẹp nhưng ngồi lâu cũng vướng víu và bức bối. Có học sinh mạnh dạn phản ánh: Sao lại bắt chúng em đến thật sớm để ngồi đợi quan khách.

Lễ khai giảng là của học sinh nhưng có cảm giác tổ chức cho đại biểu, từ cách bài trí chỗ ngồi, phương án đón tiếp đến bài phát biểu... Học sinh chỉ biết ngồi nghe, vỗ tay giữa nắng nóng oi ả, mồ hôi mướt mát mà chẳng có vai trò gì cả. Nhiều em còn tỏ ra khát khao được trở thành một phần của lễ khai giảng chứ không phải ngồi nghe và vỗ tay.

Vậy nên năm nay TP HCM yêu cầu các trường học không mời lãnh đạo phát biểu trong lễ khai giảng thực sự là một thông tin thực sự đáng mừng cho học sinh. Ngày khai giảng sắp đến, con gái tôi mở cửa, ào vào nhà như cơn gió mát: Khai giảng sẽ vui lắm mẹ ạ, cô giáo bảo sẽ như ngày hội, có múa hát, biểu diễn thời trang, thi dance sport, kể chuyện, kéo co và đội võ karatedo của con cũng biểu diễn một tiết mục…

Thế mới thấy, để có một lễ khai giảng ấn tượng, để các em vẹn nguyên cảm xúc ngày khai trường không phải là điều quá khó. Nó sẽ là niềm vui, là ấn tượng không bao giờ phai mờ nếu chương trình được xây dựng trên cơ sở lấy học sinh làm trung tâm, thấm đẫm sự sáng tạo và thông điệp giáo dục. Kể cả sự hiện diện của các quan chức cũng tốt, nếu nó bắt nguồn từ sự quan tâm chứ không phải là hình thức xã giao.

Thanh Thảo