Kinh doanh điện ảnh: Không thể áp đặt tỷ lệ ăn chia
Liên quan đến câu chuyện phát hành bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của Công ty VAA và BHD cùng với hệ thống rạp chiếu bóng CGV tại Việt Nam, ngày 30/8, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam khẳng định: CGV chèn ép các doanh nghiệp nói chung và nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội về tỷ lệ ăn chia trong thời gian gần đây là chuyện có thực.
“Tấm Cám – Chuyện chưa kể” chỉ là giọt nước tràn ly về sự chèn ép tỷ lệ ăn chia của CGV trong thời gian gần đây.
Sự độc quyền của CGV
Theo đó, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho rằng tỷ lệ chia sẻ doanh thu tại cụm rạp CGV áp dụng cho các nhà sản xuất Việt Nam trong thời gian gần đây càng ngày càng đi xuống. Cụ thể từ khoảng năm 2008 trở về sau, hầu như tất cả các rạp chuẩn như Lotte, CGV, Galaxy, BHD, Platinum... đều có mức tỷ lệ ăn chia bằng nhau. Nhưng trong khoảng hơn một năm qua, tỷ lệ này riêng tại cụm rạp CGV ngày càng bị ép giảm dần.
Đến năm 2015, doanh thu ăn chia cho phim Việt của các nhà sản xuất/ nhà phát hành khác không phải CGV tại hệ thống rạp của CGV bị giảm bình quân khoảng từ 15% đến gần 25%.
Cũng chính vì vấn đề này nên không chỉ “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” mà trước đó một số bộ phim khác của một số doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam khác cũng không thể chiếu được tại CGV vì tỷ lệ ăn chia dành cho nhà sản xuất phim quá thấp so với phần chủ rạp được hưởng. “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” chỉ là giọt nước tràn ly.
Bà Ngô Bích Hạnh- Giám đốc Công ty BHD chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, công ty BHD và các doanh nghiệp trong nước khác luôn giữ thái độ ôn hòa và cố gắng xây quan hệ lành mạnh với CGV, đã nhiều lần đàm phán để có thể được nhận tỷ lệ hợp lý và công bằng trong sân chơi chung của việc phát hành phim ở nước mình. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác CGV đã không hợp tác.
Bên cạnh đó, trong khi nhà sản xuất đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian, tâm huyết và chịu toàn bộ chi phí sản xuất, quảng bá cho bộ phim cũng như rủi ro rất cao và chủ phim chỉ được nhận phần chia sẻ doanh thu bán vé thì chủ rạp ngoài doanh thu bán vé còn có các doanh thu quảng cáo, và các dịch vụ đi kèm khác...
Tỷ lệ cho nhà sản xuất phim bị ép quá thấp trong thời gian gần đây, và đến mức thấp hơn nhiều so với rạp chiếu CGV không hề có tiền lệ tại các quốc gia khác trên thế giới và sẽ đẩy các nhà sản xuất phim Việt nói chung vào hoàn cảnh rất khó khăn.
Còn theo bà Vũ Thị Bích Liên- Tổng giám đốc Hãng phim Sóng Vàng: Việc CGV lấy tỷ lệ ăn chia lớn hơn cả nhà sản xuất là vô lý, cá lớn nuốt cá bé. Là nhà sản xuất, chúng tôi mong CGV có thể ngồi lại với các đơn vị để cùng nhau vạch ra một tỷ lệ ăn chia làm sao cho nhà sản xuất nhận được phần hợp lý và công bằng.
Đặc biệt trước đây, CGV đã nhiều lần vi phạm và bị xử phạt trong các hoạt động chèn ép các nhà sản xuất khác tại chính Hàn Quốc và Việt Nam. Hiệp hội đã nhận được thông tin cụ thể rằng không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Hàn Quốc, công ty CGV đã có nhiều hoạt động lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chèn ép các nhà sản xuất và các đơn vị hoạt động điện ảnh nhỏ khác tại Hàn Quốc và đã bị cơ quan cạnh tranh của Hàn Quốc là Uỷ ban Thương mại công bằng (KFTC) điều tra, xử phạt ít nhất 5 lần.
Ngay thời điểm này, trong khi đang bị các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam xem xét khiếu nại, thì tại Hàn Quốc vào tháng 8-2016, CGV đang phải đối mặt với việc KFTC chuẩn bị ra quyết định xử phạt, trong đó không loại trừ xem xét trách nhiệm hình sự, đối với các giao dịch nội bộ, ưu đãi quá mức mà CGV dành cho công ty liên kết của mình…
Hãy hành xử như một doanh nghiệp lớn
Theo Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam, khi đã là một doanh nghiệp lớn, cần phải hành xử có trách nhiệm và văn hoá chứ không nên “cậy lớn” để chèn ép hay chặn đường phát triển của các doanh nghiệp khác trong ngành. Đặc biệt lại là các doanh nghiệp địa phương nơi CGV đang kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Nhiêm- Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho biết, mong muốn của các thành viên trong Hiệp hội là được hoạt động điện ảnh trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng và tuân thủ pháp luật.
Trước các kiến nghị của nhiều doanh nghiệp điện ảnh về việc CGV tự thay đổi và áp đặt những tỷ lệ ăn chia dành cho mình cao hơn nhiều so với trước đây, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam đã gửi các thông tin này lên các cơ quan chức năng để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định.
Theo đó, CGV hay bất kỳ doanh nghiệp điện ảnh có vị trí lớn nào cũng cần hoạt động theo tinh thần tôn trọng luật pháp trong việc phát hành phim, chiếu phim theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh và các quy định khác mà nhà nước đã đưa ra và phù hợp với các công ước quốc tế. Hiệp hội cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng để xin hướng dẫn và tìm phương hướng cùng chung sức xây dựng thị trường sản xuất, phát hành, rạp chiếu phim điện ảnh và các Trung tâm phát hành và phổ biến phim toàn quốc có một sân chơi công bằng.
Các biện pháp pháp lý cần thiết sẽ được cân nhắc sử dụng để có thể đảm bảo các doanh nghiệp điện ảnh tại Việt Nam không bị chèn ép trái pháp luật, đảm bảo cuộc sống cho hàng chục ngàn cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp chiếu bóng, sản xuất, phát hành khác ngoài CGV. Quan trọng hơn cả để góp phần bảo vệ và phát triển nền điện ảnh Việt Nam, tương tự như cách Hàn Quốc đã từng phải gắng sức bảo vệ nền điện ảnh của mình trong những thập kỷ trước đây.