Những năm tháng hào hùng
Thành công của Cách mạng Tháng Tám chính là kết tinh của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của niềm tin dân với Đảng, Đảng với dân “tuy hai mà một” đã huy động được sức dân, kêu gọi nhân dân đứng dậy. Cho đến nay bài học đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn vẹn nguyên giá trị qua hồi ức của các nhân chứng tham gia cuộc khởi nghĩa 19-8.
Ảnh minh họa.
1. Là người phụ trách thanh vận Việt Minh thành Hoàng Diệu, ông Lê Đức Vân còn nhớ như in những năm tháng của Cách mạng Tháng Tám. Điều đọng lại trong tâm trí ông chính là ngày 17/8 định mệnh; bởi đối với ông “có ngày 17 mới có ngày 19”. Bởi lẽ trước ngày 17/8 phong trào Việt Minh đã lớn mạnh, rất nhiều cuộc đấu tranh trực diện với quân thù đã diễn ra ở khắp Hà Nội.
Ngoài việc giải truyền đơn, áp phích, phá kho thóc thì tiến hành nhiều hoạt động công khai, diễn thuyết xung phong “ủng hộ Việt Minh đả đảo bù nhìn”, ủng hộ độc lập khởi nghĩa diễn ra ở nơi đông người như: chợ, trường học, rạp chiếu bóng, rạp hát.
Ông kể, cứ ở nơi đông người thì chúng ta lại trực tiếp diễn thuyết công khai cho nên ảnh hưởng của Việt Minh là rất rộng, gần như mọi người ở Hà Nội đều ngả sang ủng hộ Việt Minh. Thế nhưng đến những ngày đó thì địch sục xạo khủng bố. Song đội danh dự của Mặt trận, tức là đội danh dự trừ gian trong những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 đã bắn luôn bọn mật thám ở phố Ngã Tư Sở.
Ông Lê Đức Vân.
“Sau khi Chánh thanh tra Bắc Kỳ bị bắn, lực lượng phản động run hết, nhân dân nội ngoại thành biết tin đó bảo Việt Minh giỏi quá, và tất cả cùng hoạt động công khai, lúc đó ảnh hưởng của Việt Minh rất lớn. Lúc đó Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thấy tình hình bất lợi mới tổ chức một cuộc mít tinh để lên dây cót lấy lại tinh thần. Cuộc mít tinh tổ chức vào ngày 17/8 ở Nhà hát Lớn”-ông Vân nói.
Ông Vân nhớ lại: “Chúng tôi được lệnh của Thành ủy là tất cả các hội viên cứu quốc tham gia mít tinh hết. Tham gia cuộc mít tinh không phải là để dự mà đi phá cuộc mít tính đó, và biến nó thành cuộc mít tinh của mình. Cho nên chúng tôi huy động tất cả các đoàn viên, thanh niên cứu quốc, phụ nữ, mỗi người mang theo một lá cờ đỏ con, sao vàng bằng giấy và giao cho một tổ có nhiệm vụ lên chiếm diễn đàn.
Khi cuộc mít tinh vừa bắt đầu xong thì anh Lê Phan (sau này là chiến sĩ Trường Sơn công tác tại Cục Công binh Trường Sơn) tiến lên cướp miro trao cho chị Kiều Trang Anh (thành viên của Đội cứu quốc thành Hoàng Diệu) lúc đó mới 17 tuổi nói vo rất nhanh khoảng 5-10 phút rằng: Chính quyền bù nhìn đã tan rã, bây giờ mọi người hãy ủng hộ Việt Minh, tổng khởi nghĩa giành độc lập. Cùng lúc đó có một lá cờ đỏ sao vàng rất to do anh Trần Lâm (nhà báo lão thành cách mạng lúc đó đang là đội viên Đội tuyên truyền xung phong nội thành Hà Nội thuộc Mặt trận Việt Minh) buông xuống”.
Trong không khí ấy, ông Vân còn nhớ như in, ở dưới tất cả anh em Việt Minh đều giơ lá cờ đỏ phất lên cho nên cuộc mít tinh của Chính phủ bù nhìn hoàn toàn bị vỡ, mọi người nhớn nhác khi thấy cờ Việt Minh và hô ủng hộ Việt Minh. Cuối cuộc mít tinh có một đội danh dự đứng cuối cùng đầu phố Tràng Thi mang lá cờ bằng vải sao vàng lên nói “đồng bào theo tôi” và mọi người lúc đó đi theo lá cờ đỏ sao vàng. Lúc đó nhân dân theo hết đi lên Bờ Hồ, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy và Phan Đình Phùng.
Đi đến đâu thì đồng bào hai bên phố xuống đường đi theo kể cả lính Bảo An và cảnh sát vừa đi vừa hò hét: Việt Nam độc lập, ủng hộ Việt Minh, đả đảo bù nhìn. Từ cuộc mít tinh đó tỏa ra thành các cuộc mít tinh nhỏ, cứ 100 người tỏa vào các khu phố hò reo cho đến tối. Toàn bộ Hà Nội trừ cụ già và em nhỏ thì xuống đường hết và hoàn toàn theo Việt Minh.
“Nhận thấy giờ khởi nghĩa đã đến nên ngay tối hôm đó, Ủy ban Quân sự cách mạng và Thành ủy Hà Nội đã họp mở rộng và quyết định tổng khởi nghĩa là ngày 19-8, không thể làm sớm ngay ngày hôm sau nhưng không thể chậm hơn được nữa vì nếu chậm nhiều chuyện rắc rối, cho nên sự nhạy bén của các đồng chí lãnh đạo Hà Nội và Ủy ban quân sự cách mạng thời ấy là ở chỗ đó”-ông Vân cho hay.
2. Việc phá cuộc mít tinh của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim chính là “cánh cửa đầu tiên” đưa Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (người có mặt tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 17 và 19/8/1945) đi theo cách mạng. Lúc đó ông mới 13 tuổi, vừa thi vào trường Bưởi và đang chờ tin của trường.
Theo ông Thoại, đó là cuộc trinh sát chiến lược hạ quyết tâm trong điều kiện chưa nhận được lệnh Trung ương. Nếu khởi nghĩa luôn mà thất bại thì tổn hại ghê gớm, rút kinh nghiệm từ Nam Kỳ khởi nghĩa cho nên ngày 17/8 tưởng là nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn, quan trọng nhưng do lịch sử viết không đầy đủ nên nhiều người đánh giá không đúng, lớp trẻ không biết về ngày đó. Lúc đó ông Trần Tử Bình 38 tuổi (lúc đó là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ), còn ông Nguyễn Khang 23 tuổi mà dám khởi nghĩa.
Ông Nguyễn Đồng Thoại.
Ông Thoại cho biết, nếu khởi nghĩa non hay muộn đều sẽ không thành công. Lúc đó tình hình Hà Nội “căng như sợi dây đàn”, người dân đã không còn hy vọng gì vào Chính phủ bù nhìn của Trần Trọng Kim. Lúc đó nhà tôi ở phố Hòa Mã, là trung tâm của Việt Minh, mọi người thấy Chính phủ Trần Trọng Kim hỏng rồi, bây giờ phải theo Việt Minh cướp chính quyền.
Ông nói: “Sau việc phá cuộc mít tinh chúng tôi về lúc ấy khoảng 10 giờ đêm, người chúng tôi ướt cả nhưng gặp hiện tượng lạ đó là gặp một ông già râu dài, ướt như chuột. Lúc đó chúng tôi 13 tuổi mà thấy rét lắm rồi, quấn chăn nhưng ông cụ già thì cởi trần đi từ phía Bờ Hồ xuống. Cứ đi được 10 bước, ông cụ lại quay mặt sang về phía Nhà hát Lớn miệng lại hô “ủng hộ Việt Minh”, đả đảo Chính phủ bù nhìn. Đi đến phố Hàm Long thì ông cụ rẽ về nhà. Ở cái tuổi ấy cụ già như thế còn như vậy, chứ mình có rét cũng không là vấn đề gì. Lúc đó dám khởi nghĩa cướp chính quyền sáng tạo lắm. Vì nước vì dân nhưng phải có trí tuệ”.
Trong khi đó, ở tuổi ngoài 90 ông Vũ Oanh- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào vẫn còn nhớ không khí của hơn 70 năm về trước.
Ông kể, khi đó mới chỉ có 5.000 đảng viên thông qua Mặt trận Việt Minh đã tập hợp trên 20 triệu đồng bào làm cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử. Chỉ 2 ngày trước khi tổng khởi nghĩa, “Quốc dân Đại hội” đã nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và cử ra Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bác Hồ làm Chủ tịch. Đại hội Quốc dân Tân Trào là Đại hội của đoàn kết, đại đoàn kết cả dân tộc. Ngoài Hà Nội các địa phương chỗ nào có phong trào cử đại biểu đến dự trong đó có cả đại biểu nước ngoài. Bác Hồ quy tụ, đặt vấn đề đại đoàn kết để giành thắng lợi. Khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” và phải dựa vào dân, phát huy sức dân để giành thắng lợi và có dân là có tất cả. Dân làm chủ cách mạng và dân đẩy cách mạng đi tới thắng lợi.
Ông Vũ Oanh.
3. Là người trực tiếp phá kho thóc của Nhật ở làng Quan Nhân phường Nhân Chính, năm nay đã 90 tuổi nhưng ông Trần Văn Nội vẫn còn nhớ đó là ngày 21/7/1945. Theo ông Nội, thời gian ấy phe phát xít ở châu Âu đang thua, và phát xít ở châu Á đã bị đánh tan ở Mãn Châu.
Lúc đấy kho thóc Nhật cướp của nhiều làng xung quanh. Lúc đó hơn 20 thanh niên đều là học sinh bắt liên lạc với nhau tuyên truyền thanh niên họp với nhau, và tham gia cách mạng. “Đang là học sinh nên không biết gì, cứ nghe tuyên truyền theo Việt Minh để đánh Pháp, đuổi Nhật, ủng hộ Việt Minh thì cũng đi theo cung cấp truyền đơn in ra đi dán khắp nơi. Đến khi biết chủ trương phá kho thóc chúng tôi phấn khởi lắm”-ông Nội nói.
Ông Nội kể: Lúc đó tôi ở vòng ngoài canh gác Lý trưởng không cho đi báo với Nhật, và từ phố Pháo Đài Láng quan sát xem quân Nhật xuất hiện không. Nhiệm vụ lúc ấy chỉ quan sát và báo cáo ngay cho đồng chí phụ trách để giải quyết. Việc chính ở vòng ngoài là thông tin cho dân biết Việt Minh về phá kho thóc chia cho dân nghèo nên bà con nhiệt tình mang thúng đi ngay lập tức. Dân lấy thóc về rất phấn khởi và đó là cái động viên tôi rất nhiều. Sau này tôi mới biết tổ chức phá kho thóc rất chu đáo, không xảy ra sự kiện gì. Nếu không có cuộc phá kho thóc đó thì cuộc khởi nghĩa ngày 19/8 e cũng sẽ gặp khó khăn. Nhưng qua đợt tập dượt từ việc phá kho thóc nên sáng ngày 19 chúng tôi tập hợp nhau lại chiếm đại lý Hòa Long không mất viên đạn nào.
“Khí thế của cách mạng tháng Tám chính là tư tưởng chỉ đạo từ Trung ương, theo tư tưởng của Bác Hồ trong bài thơ “Hòn đá”. Hòn đá to, hòn đá nặng. Chỉ một người, nhắc không đặng. Hòn đá to, hòn đá nặng. Nhiều người nhắc, nhắc lên đặng. Quả thật như thế cho nên vấn đề vận động quần chúng để quần chúng hưởng ứng sẽ làm ra một sức mạnh vĩ đại. Cách mạng tháng Tám tôi đang còn là học sinh đến khi trưởng thành từ cách mạng tháng Tám sau này trong công tác kháng chiến xây dựng tôi đã được trưởng thành lên và được Đảng tin yêu”-ông Nội cho hay.