Băn khoăn bữa ăn học đường

Minh Phúc 03/09/2016 09:50

Bước vào năm học mới, cùng với lo toan cho bao khoản chi tiêu là nỗi băn khoăn về bữa ăn của con ở trường giữa “cơn lốc” thực phẩm bẩn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn học đường chưa hợp lý, thực phẩm không đa dạng sẽ khiến trẻ thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến kết quả học tập.

An toàn thực phẩm trong bữa ăn học đường vẫn là nỗi lo của các bậc phụ huynh.

Lo thực phẩm mất an toàn

Theo Viện dinh dưỡng, điều tra khẩu phần ăn của học sinh từ 6-11 tuổi tại 6 tỉnh thành cho thấy, khẩu phần ăn năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu, canxi chỉ đạt 59%; khẩu phần sắt nhóm 6-9 tuổi chỉ đạt 68%.

Hầu hết các trường học ở các thành phố lớn đều tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường. Tuy nhiên, trước bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, trường học cũng là “điểm đến” của các loại thực phẩm này. Đầu năm TP. HCM có 2 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng tại trường học khiến 98 học sinh phải đưa đi cấp cứu, chữa trị. Điển hình nhất là vụ ngộ độc tại Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM) làm 44 em phải vào viện cấp cứu trong tình trạng nôn, choáng váng, ….

Còn tại Hà Nội cũng đầu năm, dư luân đã rúng động bởi vụ thực phẩm bẩn tuồn vào các trường học ở Quận Tây Hồ, Hà Nội. Sự việc đã ngay lập tức gây phẫn nộ trong dư luận. Dù khi ấy ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng trấn an dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh rằng đây chỉ là những hạt sạn, không nên vì hạt sạn đó mà mất hết niềm tin các sản phẩm rau quả an toàn. Song tiếp nhận thông tin này, các bậc phụ huynh như ngồi trên đống lửa.

Theo quy định của ngành y tế, các bếp ăn trong nhà trường phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; dụng cụ, phương tiện chế biến, phân phối thức ăn phải đúng quy định; phải có phương tiện bảo quản lạnh thực phẩm; phải có sổ sách theo dõi nhập, xuất thực phẩm, các hợp đồng cung cấp thực phẩm… nhưng dường như hợp đồng mua bán khi mua thực phẩm giữa các trường với các đơn vị cung ứng thực phẩm chỉ là hình thức.

Được biết, năm 2014-2015, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.400 trường có bếp ăn bán trú. Trong đó, số trường tự tổ chức nấu ăn là 1.077 trường, có 317 trường phải thuê các đơn vị khác cung cấp suất ăn. Có thể thấy, việc phục vụ ăn bán trú có rất nhiều hình thức khác nhau. Vì thế việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cực kì phức tạp. Nói như cô Nguyễn Thu Hảo - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Yên (Hà Nội) thì trong bối cảnh hiện nay dù rất cẩn thận về vấn đề này thì chúng tôi cũng không dám khẳng định chất lượng thực phẩm trong bữa cơm cho trẻ là tuyệt đối an toàn Đảm bảo bởi an toàn vệ sinh thực phẩm hiện đang là nỗi lo chung của toàn xã hội chứ không phải của một gia đình, một trường nào cả.

Lo thiếu chất

Đây là mối lo lắng thường trực của hầu hầu hết các bậc phụ huynh. Chị Mai Lan, có con học lớp 3 Trường Tô Hoàng kể: Con nhà tôi thuộc loại còi lại biếng ăn, lớp 3 rồi mà chưa được 30 kg. Nghỉ hè thì sức khỏe ổn định, cứ đi học là laị sút cân, vì bữa trưa ở trường là bữa chính mà cháu ăn rất ít vì không ngon miệng. Bữa phụ buổi chiều hôm thì gói bim bim, hôm cái bánh ngọt hoặc hộp sữa nhỏ đều không đảm bảo dinh dưỡng. Hôm nào có tiết thể dục buổi chiều, cháu bảo vận động là bị hoa mắt, chóng mặt.

Khá nhiều phụ huynh đã mạnh dạn phản ánh về chất lượng bữa ăn của học sinh đến giáo viên và ban giám hiệu, song dường như đều được nghe điệp khúc biện hộ do giá thực phẩm liên tục tăng và hứa sẽ cố gắng nâng cao chất lượng bữa ăn, mong phụ huynh thông cảm. Tất nhiên, sau đó chất lượng bữa ăn của học sinh vẫn chẳng khả quan hơn.

Chị Nga có con học Trường Tiểu học Minh Khai nói: “Trước tình hình giá lương thực, thực phẩm tăng, các phụ huynh đều vui lòng đóng thêm tiền ăn cho con, song vẫn nghe con than phiền: Một suất cơm chỉ có 2-3 miếng thịt rang mỏng tang, ít canh rau ngót loãng và vài miếng đậu. Sợ con đói, hàng ngày tôi phải nhét thêm bánh, sữa, ... vào cặp để con ăn thêm. Cứ tưởng riêng mình lo xa, hỏi nhiều phụ huynh khác ai cũng làm thế.

Theo báo cáo đề án “Bữa ăn học đường” của TS Nguyễn Thị Nhung, Trưởng khoa dinh dưỡng học đường - Viện Dinh dưỡng quốc gia mới đây cho thấy, nhiều học sinh đang bị thiếu dinh dưỡng. Cụ thể, trẻ dưới 5 tuổi thiếu vitamin A ở miền núi chiếm khoảng 17,6%. Không chỉ ở miền núi, trẻ dưới 5 tuổi ở thành thị cũng thiếu vitamin A tỉ lệ khoảng 8,5%. Đáng nói, khảo sát của TS Nhung cho thấy tại 6 tỉnh khắp ba miền Bắc – Trung – Nam ở tuổi học đường, tỉ lệ học sinh thiếu vi chất dinh dưỡng khá cao.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi suất ăn như hiện nay của học sinh thường chỉ cung cấp từ 800-1.000kcal, trong khi nhu cầu năng lượng của trẻ trai từ 13-15 tuổi là 2.500kcal và 16-18 tuổi là 2.700kcal.

Đến bất cứ nhà bếp nào ở trường học đều thấy ghi thực đơn từng ngày trên bảng song dường như nó được xây dựng không dựa trên tiêu chí đảm bảo về năng lượng. TS Lê Văn Tuấn, Vụ Học sinh - Sinh viên cho biết, khi kiểm tra bếp ăn bán trú tại các trường trên 63 tỉnh, thành, đoàn kiểm tra của Bộ phát hiện khá nhiều lỗi. Trong đó, lỗi phổ biến là không đảm bảo vệ sinh, thiếu dinh dưỡng.

Minh Phúc