Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp thiết thực
Đến nay, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn từ 2011 – 2015 đã hoàn thành. UBND thành phố Cần Thơ và Sở LĐTBXH TP Cần Thơ đánh giá đây là giải pháp quan trọng trong đào tạo nguồn lao động có tay nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhiều mô hình dạy nghề đã đáp ứng nhu cầu của lao động và doanh nghiệp trên địa bàn.
Các học viên của quận Ô Môn học nghề may.
Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ là nhiệm vụ của ngành lao động mà là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghiệp hóa. Trên tinh thần Đề án 1956 của Chính phủ, TP. Cần Thơ đề ra kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn từ năm 2011 – đến năm 2020 sẽ đào tạo nghề cho trên 57.500 lao động nông thôn và trên 2.000 lượt công chức cấp xã, tổng kinh phí dự trù thực hiện lên đến 770 tỉ đồng.
Theo đó, các mốc giai đoạn thời gian để đào tạo được xác định cụ thể: Giai đoạn đầu triển khai được xác định từ năm 2011 – 2015, toàn thành phố sẽ có khoảng 20.8750 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trong đó, 8.000 người lao động học nghề lĩnh vực nông nghiệp và trên 20.700 lượt lao động học nghề lĩnh vực phi nông nghiệp. Giai đoạn từ năm 2016 – 2020, đào tạo nghề cho 28.750 lao động nông thôn, trong đó có 5.000 người học nghề nông nghiệp và 23.700 người học nghề lĩnh vực phi nông nghiệp. Để đề án triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt, BCĐ thành phố thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; phát triển chương trình học liệu; tăng cường công tác tuyên truyền, điều tra khảo sát và đẩy mạnh công tác định hướng nghề cho người lao động;…. đồng thời triển khai hướng dẫn công tác kiểm định, dạy nghề.
Quận Ô Môn là một trong những đơn vị được đánh giá là triển khai và xúc tiến nhanh có hiệu quả “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Để thuận tiện cho các học viên các xã, phường, thị trấn, Phòng LĐTBXH Quận linh hoạt tổ chức nhiều lớp học ban đêm, nhất là các học viên ở vùng sâu, vùng xa để các học viên có thời gian theo học. Các điểm tổ chức học nghề được địa phương tạo mọi điều kiện vừa rộng rải, vừa thuận tiện cho học viên học nghề. Bà Lâm Thị Tuyết Loan, ngụ tại phường Thới An, quận Ô Môn lâu nay ở nhà làm nội trợ, nghe tin địa phương triển khai lớp nghề thủ công mỹ nghệ, thấy phù hợp với sở thích, lại nhẹ nhàng với người phụ nữ, không mất thời gian nhiều, vừa chăm sóc gia đình lại vừa có thêm thu nhập nên đăng ký theo học. Sau khi học xong, nay bà Loan tranh thủ thời gian nhàn rỗi làm các sản phẩm như: bình hoa, chậu cảnh bằng nhựa,…. Bà Loan tâm sự: Lúc gần tết, nhiều người đặt hàng để mua làm không siết, có thêm thu nhập trang trải được cuộc sống hàng ngày…
Chị Nguyễn Thị Oanh ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ cho biết, do gia đình khá khó khăn, không có ruộng đất nên khi nghe tin địa phương triển khai lớp học nghề cho lao động, chị Oanh hăng hái đăng ký ngay. Chia sẻ với chúng tôi, chị bộc bạch: Gia đình không có ruộng đất, phải làm thuê làm mướn, thu nhập bấp bênh, chị tranh thủ học nghề. Sau khi học nghề may, nay, chị Oanh may quần áo của các mối đặt hàng nên có thêm thu nah65p mỗi tháng vài triệu đồng.
Hiện nay, các quận, huyện triển khai các mô hình thí điểm, dạy nghề gắn với nhu cầu và giải quyết việc làm. Do được đầu tư về cơ sở vật chất nên khi đến với các lớp học nghề, học viên ngoài việc được trang bị các kiến thức chuyên môn còn được trang bị thêm các kỹ năng mềm để khi học nghề xong các học viên cón thêm kỹ năng hay đáp ứng được các yêu cầu của nơi tuyển dụng lao động.
Từ năm 2010 – 2015, Cần Thơ đã hỗ trợ cho gần 19.000 lao động đào tạo cho lao động 25 nghề thuộc nhóm nghề nông nghiệp và 35 nghề thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp; có 456 lao động được đào tạo trình độ trung cấp, trên 18.600 lao động trình độ sơ cấp; tổng kinh phí cho công tác đào tạo nghề giai đoạn này là trên 71 tỷ đồng. Tỷ lệ chung lao động có việc làm sau đào tạo của TP. Cần Thơ đạt 73,34%, cao hơn mục tiêu mà BCĐ trung ương đặt ra. Các quận huyện của Cần Thơ lao động sau khi đào tạo nghề có việc làm cao như Thốt Nốt 82,25%; Thới Lai 80,7%; Bình Thủy 79,80%...
Đánh giá về các bước thực hiện Đề án đào tạo nghề, ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề Bộ LĐTB&XH nhận định: Cần Thơ được đánh giá là thành phố chủ động ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo nghề và có nhiều tích cực trong công tác triển khai. Ông Sâm đã nhìn nhận ra các hướng chính triển khai mà Cần Thơ thực hiện trong công tác đào tạo nghề đó là: đào tạo cho chính bà con nông dân đang làm các nghề nông nghiệp nông thôn để bà con có kiến thức kỹ năng kinh nghiệm để đưa năng xuất lao động cao hơn; thứ 2 là đào tạo nguồn nhân lực cho phi nông nghiệp đây là hướng đi đúng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Cần Thơ; thứ 3 là Cần Thơ đang tích cực kết nối cho việc đưa lao động đi xuất khẩu nước ngoài. Ngoài ra Cần Thơ đang có nhiều cố gắng phục hồi các làng nghề truyền thống. Với các cách làm này thì việc cung cầu đào tạo nguồn nhân lực trong đề án 1956 là cực kỳ quan trọng…
Theo báo cáo mới nhất của BCĐ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố, 6 tháng đầu năm 2016, Cần Thơ đã đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp với 75 lớp nghề với 2.538 học viên. và đào tạo lĩnh vực nông nghiệp được 07 lớp với 233 học viên. Có 21 nghành nghề được đào tạo, gồm: Chăn nuôi thú y, Nuôi trồng thủy sản, Trồng trọt, Nails, Chăm sóc da mặt, Uốn tóc, Trang điểm, Đan đát, May công nghiệp, May gia dụng…
Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Cần Thơ cho biết: Những kết quả bước đầu của Đề án là thành quả chung, chung tay của cả xã hội và hệ thống chính trị. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều mô hình hiệu quả, bên cạnh đó tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu và đặc điểm tình hình địa phương. Tiếp tục giám sát công tác triển khai đề án, kịp thời bổ sung cập nhật các phương pháp mới để người lao động theo kịp tình hình. Nói về thời gian tới, ông Thái cho biết thêm: Sẽ tập trung dạy các ngành nghề theo yêu cầu của xã hội, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Cụ thể là liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nghề phục vụ cho các doan nghiệp thực hiện các ngành nghề mủi nhọn yêu tiên của thành phố…