Tây Nguyên không chỉ có hoa dã quỳ
Tây Nguyên - một nơi chốn ám ảnh. Vùng đất, con người nơi ấy hiền hòa và mãnh liệt như bông hoa dã quỳ rực rỡ trên mảnh đất bazan. Nhưng Tây Nguyên đâu chỉ có hoa dã quỳ vàng...
Hoa dã quỳ.
1. Mỗi lần có dịp trở lại Tây Nguyên, không phải vô cớ, tôi luôn chọn cho mình lộ trình trong những ngày nắng. Hoa dã quỳ chỉ nở từ độ cuối thu đầu đông. Hành trình bao giờ cũng vậy, trên Quốc lộ 14 chạy dọc các tỉnh Tây Nguyên thênh thang trải gió ngàn, trong những cơn rét run giữa nắng trời rực rỡ, nhiều người mải mê kiếm tìm hoa dã quỳ. Phải là loài hoa ấy. Nhắm mắt lại cũng nhớ.
Khi mùa mưa vừa dứt, hoa dã quỳ lại bắt đầu nở vàng rực trên khắp những triền đồi, những con đường đất đỏ. Những cánh hoa mạnh mẽ vươn ra dưới nắng mặt trời, dã quỳ khoác lên mình một vẻ đẹp hoang dại, một sức sống mãnh liệt trên mảnh đất bazan.
Không phải là bông hoa kiêu sa được cắm trong bình ngọc, dã quỳ mãi mãi là một loài hoa dại thoang thoảng, vương vít, dịu nhẹ, thuần khiết nhưng luôn khiến người ta mê mải kiếm tìm. Những cánh hoa màu vàng rực, hướng về phía mặt trời, nhụy căng tròn, tràn đầy sức sống, tỏ ý kiêu hãnh không bao giờ chịu khuất phục, không bao giờ từ bỏ.
Những cánh hoa như con người Tây Nguyên mạnh mẽ, thủy chung. Nhưng Tây Nguyên đâu chỉ có hoa dã quỳ vàng. Dã quỳ càng rực rỡ bao nhiêu thì báo hiệu một mùa khô khốc liệt bấy nhiêu.
Nửa năm đầu của 2016, Tây Nguyên đã phải trải qua thời kỳ hạn hán dữ dội nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Giếng đào, các con suối, các hồ đập nhỏ đều cạn trơ đáy do mực nước ngầm xuống thấp. “Cơn khát” đỉnh điểm khi hầu hết ruộng đồng nứt nẻ, cây cối chết khô... hàng nghìn người dân đã phải tìm đủ mọi cách vét kênh, đào đất, chắt chiu từng giọt nước để cứu mùa màng. Không còn là hạn hán mà đó là đại hạn.
Rất nhiều sự chung tay, hỗ trợ đã đến với Tây Nguyên trong chảo lửa. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những tổ chức đầu tiên, bằng nhiều phương thức đã vận động kêu gọi cộng đồng hỗ trợ Tây Nguyên. Thậm chí, quyết tâm chính trị này còn được UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam- thể hiện khi đặt bút ký kết Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt.
Dù vậy, thiệt hại do hạn hán vừa qua vẫn còn dai dẳng và chưa biết khi nào mới khắc phục xong khi nơi này chỉ có hai mùa mưa nắng.
2. Có đi qua ngày nắng mới thấy nhớ ngày mưa. Trở lại Tây Nguyên khi mùa mưa bắt đầu cũng là một hành trình đầy sự trải nghiệm. Những cơn mưa ào ạt, triền miên khiến không gian đặc quánh chỉ có một “mùi” ướt và se lạnh. Mưa Tây Nguyên xối xả từ sáng đến đêm khiến người mới đến không phân biệt nổi thời gian. Buổi sáng có thể trôi qua lúc nào không hay trong một quán cà phê bên ly cà phê thơm đậm trên đường Bạch Đằng ở thành phố Kon Tum.
Một buổi chiều “delay” ở sân bay Gia Lai cũng không khiến người ta cảm thấy quá lê thê uể oải. Hay một buổi tối lang thang trên những phố thị bình yên, sà vào quán cóc bên đường, thưởng thức một chút gia vị của núi rừng Tây Nguyên với thịt nướng mọi, gỏi lá, rượu cần…thời gian như ở lại. Trong một khoảnh khắc nào đó khi cơn mưa chợt tạnh, chỉ kịp đọc một tin nhắn vừa gửi đến, chưa kịp gửi tin nhắn đi, cơn mưa khác lại sầm sập lao tới.
Mưa tới mang bao điều kỳ diệu. Không còn hoa dã quỳ nhưng đất trời, cây cối, con người Tây Nguyên trên mọi nẻo đường và cao nguyên hoang vu lại như tươi mới hơn. Những cơn mưa “vàng” như ngấm sâu vào lòng đất, tưới tắm cho hàng ngàn hecta cà phê, hồ tiêu đang khô héo ở Gia Lai; những dòng sông chảy ngược như Đakla, Sêrêpôk lại cuồn cuộn nước về.
Những cánh rừng biên giới dọc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp (Đắk Lắk) chuyển từ sắc vàng sang sắc xanh mơn mởn. Những con thác Dray Sáp, Dray Nur, Gia Long, Thủy Tiên…ở Đắk Lăk, Đắk Nông lại vào mùa thác đổ, ngày đêm chảy ầm ào, bắn bọt nước trắng xoá.
Mưa cũng làm cho những con đường đất bazan lầy lội cuộn lên từng lớp bùn đỏ. Với diện tích đất đỏ như thế, Tây Nguyên rất phù hợp với những cây công nghiệp như cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm. Cây điều và cây cao su cũng đang được phát triển tại đây. Trong đó cà phê là cây công nghiệp quan trọng số một. Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ và cũng là khu vực ở Việt Nam còn nhiều diện tích rừng với thảm sinh vật đa dạng, trữ lượng khoáng sản phong phú hầu như chưa khai thác.
Những năm gần đây Tây Nguyên ngày càng bộc lộ tiềm năng chẳng hề thiếu một mặt nào của mình, đồng thời lại vẫn bí ẩn tưởng đến vô cùng trên hầu như tất cả các mặt lịch sử cổ xưa và hiện đại. Trong khi đó tự nhiên còn bất tận cho những khám phá, chiều sâu thăm thẳm của rừng, ý nghĩa muôn mặt của rừng mà người Tây Nguyên thấu hiểu vô cùng sâu sắc.
Xã Gào nằm cách trung tâm TP Gia Lai khoảng 15 cây số, trong đó Làng C là một khu dân cư có tới 100% đồng bào là người dân tộc Giarai đang sinh sống. Khi chúng tôi đến thăm Làng C, cũng là lúc trời đã về chiều. Một cơn mưa vừa đi ngang qua như tiếp thêm sức sống cho bạt ngàn vạt đồi cà phê, hồ tiêu tươi xanh mơn mởn. Trong căn nhà vỏn vẹn10 m2, gia đình anh Dơ Lang Uy, một hộ nghèo của thôn đang chật vật với cuộc sống mới khi được gia đình bên vợ cắt cho một mảnh vườn để gây dựng kinh tế. Mảnh vườn của anh Uy cũng rộng tới vài ha.
Trên mảnh đất màu mỡ vừa được tưới tắm bởi cơn mưa đầu mùa, một vài cây hồ tiêu, cao su, cà phê cũng bắt đầu trổ lá. Nhìn ra mảnh vườn còn thưa thớt, anh Uy rụt rè chia sẻ dự định tương lai của mình dù rằng anh chưa biết làm thế nào để tiếp cận với kỹ thuật nuôi trồng, tiếp cận với giống, vốn thì trong đôi mắt sáng nụ cười hiền hậu của người dân tộc Giarai ấy vẫn ánh lên niềm tin mãnh liệt từ chính đôi bàn tay của mình.
Chúng tôi tin rồi đây, từ đôi bàn tay ấy những cánh rừng cao su, hồ tiêu, cà phê sẽ mọc lên, cái nghèo không còn đeo bám và lũ trẻ con sẽ được đến trường đầy đủ…
3. Tây Nguyên không chỉ được coi là mái nhà của miền Trung khi có chức năng phòng hộ rất lớn mà còn được xem là nóc nhà của toàn Đông Dương. Nóc nhà tức là bộ phận quan trọng nhất, nhạy cảm, mong manh nhất. Cho nên những vấn đề hiện tại của Tây Nguyên vừa nóng bỏng vừa lâu dài. Làm gì, sống như thế nào trên nóc nhà lừng lững nhưng cũng dễ bị tổn thương này luôn là nỗi trăn trở không chỉ vì Tây Nguyên, vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên mà còn vì sự phát triển bền vững của cả đất nước.
Trong chiều dài lịch sử, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các dân tộc thiểu số Tây nguyên đã và đang có đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Đặc biệt đồng bào các dân tộc tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn luôn là nền tảng văn hóa, lịch sử quan trọng để giữ gìn, phát triển kinh tế-xã hội trên mảnh đất hết sức thiêng liêng này.
Và còn vì có thể tìm thấy ở đây, trong lịch sử, tự nhiên, văn hóa, trong con người bao điều, để suy ngẫm về lẽ đời, về cuộc sống, sự hiền minh mà Tây Nguyên có thể gợi lên trong thế giới đang có biết bao xáo động hôm nay.
Như khi chúng tôi chạm vào những nét trạm trổ cổ kính ở Nhà thờ gỗ Kon Tum, hội ngộ những bà sơ ở Hội Dòng ảnh Phép lạ sống một đời yêu thương phục vụ và diện kiến đầy bất ngờ với Linh mục Giêsu Đỗ Hiệu- Quản hạt vùng Kon Tum…như khẽ chạm vào Chúa. Giáo phận Kon Tum là giáo phận Công giáo Roma tại Việt Nam và cũng là giáo phận công giáo lâu đời nhất vùng Tây Nguyên.
Kinh Thánh viết: “Sống ở trên đời, ai trong chúng ta cũng muốn yêu và được yêu, bởi tất cả chúng ta đã được yêu bằng một tình yêu cao cả”. Tình yêu ấy chúng tôi đã được ngắm nhìn trong đôi mắt sáng hiền hòa của những người phụ nữ dân tộc Giarai, Xơđăng, Bahnar, Rơngao, Deh, Jră, Jơlơng... thuộc “Hội Dòng ảnh Phép lạ”- nơi đang nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 800 trẻ mồ côi tại 6 cơ sở bảo trợ.
Chính nhờ các sơ mà hạt giống Tin mừng ngày càng được gieo rắc khắp các bản làng. Các sơ đã thu phục lòng người từ chính đời sống phục vụ đầy tràn tình yêu thương trên chính bản làng của mình với những đứa trẻ mồ côi, nuôi nấng và trao cho chúng một cơ hội thay đổi cuộc đời.
Linh mục Đỗ Hiệu trao đổi với giáo dân sau một buổi lễ chiều.
Linh mục Đỗ Hiệu cho rằng, trong những bài giảng của ông luôn nhấn mạnh đến trái tim biết yêu thương. Nếu chúng ta đi lễ, đọc kinh mà trái tim lại khô cằn, không biết yêu thương thì vô ích cho chúng ta và Chúa trời không cần những trái tim như vậy để thờ phụng Ngài. Yêu thương phải xuất phát từ trái tim. Đó là điều là hết sức quan trọng trong cuộc sống của mỗi người công giáo.
Yêu thương là suối nguồn của cuộc sống, không chỉ đạo Công giáo mà bất cứ tôn giáo nào cũng đều hướng đến.
Và hành trình nào cũng vậy, dù có đẹp đẽ và trải đầy hoa, nếu không yêu thương, chia sẻ mãi mãi chúng ta chỉ là kẻ cô độc trên những chặng đường dài.