Nhiều khả năng sẽ phải nhập khẩu than

Minh Phương 31/08/2016 21:56

Sáng 31/8, Bộ Công thương tổ chức họp báo công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Với những khó khăn hiện nay của ngành than, đặc biệt là thiếu nguồn cung than cho điện, lãnh đạo Tổng cục Năng lượng dự tính, ngành than sẽ phải nhập khẩu 4 triệu tấn vào năm 2017, và khoảng hơn 20 triệu tấn vào năm 2030.

Nhiều khả năng sẽ phải nhập khẩu than

Ngành than giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

Theo quy hoạch của ngành than đến năm 2020, xét triển vọng đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành này đến năm 2030 khoảng 269.000 tỷ đồng, bình quân khoảng 17.930 tỷ đồng/năm; trong đó, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng hơn 95.000 tỷ đồng (bình quân hơn 19.000 tỷ đồng/năm); Giai đoạn 2021-2030 nhu cầu vốn đầu tư hơn 172.000 tỷ đồng (bình quân 17.000 tỷ đồng/năm).

Nguồn vốn này chủ yếu tập trung cho đầu tư mới và cải tạo mở rộng..., được thu xếp từ các nguồn tự có, vốn vay thương mại, vay ưu đãi và huy động qua các kênh chứng khoán...

Bản quy hoạch ngành than cũng nêu rõ mục tiêu thăm dò bể than sông Hồng và bể than Đông Bắc. Cụ thể, đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành công tác thăm dò bể than Đông Bắc đến mức -300m và một số khu vực dưới -300m đảm bảo đủ trữ lượng và tài nguyên. Đến hết năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than đảm bảo đủ than để huy động vào thiết kế trong giai đoạn 2021-2030 và sau 2030.

Với bể than sông Hồng, quy hoạch đặt ra trước năm 2020 hoàn thành thăm dò than khu Nam Thịnh và một phần mỏ Nam Phú II, huyện Tiền Hải – Thái Bình; trên cơ sở thử nghiệm, sẽ tiến hành thăm dò mở rộng để làm cơ sở phát triển các mỏ than ở quy mô công nghiệp với công nghệ hợp lý.

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, lần đầu tiên Quy hoạch ngành than theo Quyết định 403 của Chính phủ có đưa mục tiêu giảm tổn thất than, điều mà trước đây chưa từng đưa ra.

Cụ thể, theo bản quy hoạch được công bố, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020. “Đây cũng chính là một trong những mục tiêu để ngành than nỗ lực đổi mới công nghệ, tăng năng suất, giảm tổn thất trong khai thác và đảm bảo an toàn cho người lao động” – ông Thọ nhận định.

Ông Thọ cũng cho biết, mục tiêu chính của Quy hoạch ngành than là phát triển ngành trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch, các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Với những khó khăn hiện nay của ngành than, đặc biệt là thiếu nguồn cung than cho điện, lãnh đạo Tổng cục Năng lượng dự tính, ngành than sẽ phải nhập khẩu 4 triệu tấn vào năm 2017, và khoảng hơn 20 triệu tấn vào năm 2030.

Liên quan đến việc điều chỉnh vốn, theo quy hoạch ngành than điều chỉnh, sản lượng than thương phẩm sẽ giảm rất mạnh, cụ thể vào năm 2020 đạt từ 47-50 triệu tấn sau đó nâng lên 55-57 triệu tấn vào năm 2030.

Trong khi yêu cầu đề ra cho quy hoạch cũ (Quy hoạch 60) thì sản lượng than khai thác lên tới 60-65 triệu tấn vào năm 2020, sau đó nâng lên trên 75 triệu tấn vào năm 2030. Do vậy, việc giảm sản lượng khai thác cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giảm nhu cầu về vốn đầu tư.

Để đảm bảo đủ nguồn vốn, ông Thọ cho biết thêm, trong quy hoạch điều chỉnh đã tính tới nhiều phương án, trong đó sẽ hướng tới việc xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn như BOT, PPP...

“Mục tiêu phát triển ngành than là đảm bảo đủ nhu cầu than cho sản xuất trong nước, đặc biệt là than cho điện và cao hơn cả là mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng” ông Thọ nói.

Một câu hỏi được báo giới quan tâm tại buổi họp báo, đó là đầu tư tới hơn 19 ngàn tỷ đồng/năm, ngành than tính đến hiệu quả cho kinh tế xã hội như thế nào? Đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, mục tiêu lớn nhất của ngành là phải đảm bảo tốt cho vấn đề an ninh năng lượng.

Còn nhớ, đợt bão lũ năm 2015 đã khiến cho ngành than bị thiệt hại nặng nề, dẫn đến nguồn cung than thiếu hụt, ảnh hưởng đến sản xuất tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề, không riêng gì ngành than. Tiếp đến là đảm bảo an sinh xã hội. Vì ngành than giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, nếu ngành này khó khăn, chắc chắn đời sống của hàng triệu lao động cũng sẽ khốn khó.

Minh Phương