Tăng hỗ trợ cho đồng bào 4 tỉnh miền Trung
Ngày 31/8, phát biểu tại buổi thảo luận kinh tế xã hội trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập đến nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào các tỉnh gặp sự cố môi trường hồi tháng 4 vừa qua và những vấn đề quan trọng khác.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề cập nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào các tỉnh gặp sự cố môi trường.
Nên có chính sách về giáo dục cho con em vùng thiệt hại
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 31/8, Chủ tịch Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với trách nhiệm giám sát, Mặt trận đề nghị: Chính phủ quan tâm một số nội dung liên quan đến đời sống nhân dân.
Một là, ngành giáo dục cần có chủ trương với gia đình người dân gặp khó khăn đột xuất, chính quyền địa phương xác nhận thì được miễn giảm học phí. Hiện 4 tỉnh gặp sự cố môi trường biển vừa qua, ngành giáo dục, cần có một “tuyên ngôn”, các trẻ em của những hộ gặp khó khăn ở vùng đó, chưa đóng học phí vẫn để các em đi học.
“Nên nói ngay”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và đề nghị: 2-3 tháng sau xác nhận rồi bổ sung, chứ đừng để nảy sinh tâm lý chưa đóng học phí, các cháu không dám đi học.
Thứ hai, chúng ta hỗ trợ đợt đầu cho bà con 4 tỉnh kể trên 15 kg gạo/ người/ tháng. Nhưng, khó khăn của bà con còn kéo dài từ đây đến cuối năm.
Vì thế, Chính phủ nên công bố chương trình hỗ trợ lương thực cho bà con từ nay đến hết năm để bà con ngư dân ở các vùng an tâm.
Vấn đề thứ ba, cá chết ở Hà Tĩnh nhưng không có ranh giới tự nhiên. Một số xã huyện sát Hà Tĩnh họ cũng phải chịu hiện tượng này. Ngư dân cũng không thể ra khơi đánh cá được. Nghệ An là một ví dụ, trong danh sách được hỗ trợ thì Nghệ An không có tên.
Vì thế, người đứng đầu Mặt trận đề nghị Chính phủ rà soát lại những xã sát với Hà Tĩnh, xem có thể cho bổ sung hỗ trợ.
“Nếu không, người dân ở đó rất khổ. Họ chỉ có thể nhìn biển thôi”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói và đề nghị, “trong vòng một tháng chúng ta rà soát, sau đó công bố để yên dân ngay sau thống kê chính thức”.
Vấn đề thứ tư mà Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến là việc hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.
Mặt trận cũng đã hỗ trợ khẩn cấp trên cơ sở bàn bạc, rà soát rất cẩn thận. Nhưng đến tháng 2-3 năm sau lại có đợt hạn mặn nữa. Có khả năng hạn và xâm nhập mặn sẽ lặp lại theo chu kỳ.
Vì vậy theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, ngành tài nguyên môi trường cần có dự báo sớm và có phương án sớm trong phòng chống thiên tai tránh gây xáo trộn.
Nông nghiệp nên chuyển đổi, tập trung vào cây con chủ lực
Đối với khu vực nông nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nếu không quyết liệt đẩy mạnh xây dựng hợp tác xã kiểu mới làm nền tảng để gắn kết nông dân với doanh nghiệp thì nông nghiệp không thể tăng năng suất một cách ổn định, lâu dài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dứt khoát phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi quyết liệt theo hướng ngành nào hiệu quả không cao thì phải giảm mạnh mà trong đó trước hết là trồng lúa. Trồng lúa tốn rất nhiều đất mà hiệu quả không cao. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay vị trí xuất khẩu giảm.
Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy 6 tháng thủy sản xuất khẩu 4,3 tỷ USD (đứng đầu); sau đó đến cà phê là 2,2 tỷ; điều 1,8 tỷ; sau đó đến rau, quả, củ là 1,5 tỷ và gạo là 1,5 tỷ; còn tiêu khối lượng xuất khẩu 150 tấn thôi nhưng cũng được 1,1 tỷ.
“Đóng góp của xuất khẩu gạo khối lượng 3,3 triệu tấn nhưng lại rất nhỏ trong cái tổng giá trị xuất khẩu. Như vâỵ riêng gạo, tôi cho rằng phải chuyển nhận thức lại: Hàng đầu là đảm bảo lương thực. Còn, xuất khẩu gạo chất lượng cao giá cao chứ không xuất khẩu quy mô 6-7 triệu tấn/ năm. Cho nên dứt khoát phải chuyển đổi tập trung vào cây con chủ lực”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Mặt trận, tất cả các mặt hàng nêu trên đều có tốc độ tăng cao riêng gạo trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái là -14%.
“Vì vậy nông nghiệp phải giảm tỷ lệ xuất khẩu gạo chuyển đổi sang cây con khác thì mới đảm bảo thu nhập của người nông dân”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Năm 2017 cần đánh giá chỉ số hài lòng của người dân ở tất cả các địa phương Hiện nay Việt Nam có đánh giá về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng về chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, hiện cả nước mới có 30 tỉnh thành phố đánh giá. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cùng Mặt trận đi khảo sát vấn đề này. Người đứng đầu Mặt trận cũng đề nghị, từ 2017 tất cả các tỉnh đều phải có đánh giá sự hài lòng của người dân về phục vụ của bộ máy hành chính. Ít nhất là cấp cơ sở. Cần có chính sách với kiều hối Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: ODA vay phải trả lãi suất. Ưu đãi kiểu gì cũng phải trả lãi suất. Hiện gửi tiền USD không có lãi suất trong khi kiều bào gửi về hàng năm từ 8-10 tỷ USD nhưng vì không có lãi suất nên vô hình trung làm giảm nguồn ngoại tệ gửi về nước. Trong khi đó Việt Nam lại phải đi vay ODA thì phải trả lãi suất. Cho nên theo người đứng đầu Mặt trận phải có một chương trình để thu hút kiều hối, ngoại hối về ở mức lãi suất thấp hơn ODA. Vậy phương thức nào, cách làm nào để huy động được nguồn lực này, Thủ tướng Chính phủ nêu vấn đề và đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cùng nghiên cứu vấn đề mà Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nêu và một lần nữa phải đề xuất Chính phủ để huy động nguồn lực này. |