Thong thả Hà Nội
Vậy là Hà Nội đã chính thức có 16 tuyến phố đi bộ. Như vậy kể từ những tuyến phố đi bộ đầu tiên được khai trương từ năm 2004, nay thêm 16 tuyến phố đi bộ thí điểm nữa quanh khu vực Hồ Gươm và phụ cận, nhiều người dân Hà Nội đang cảm thấy rất vui.
Hồ Gươm.
Người cho rằng việc mở rộng không gian đi bộ gợi lại vẻ thanh bình trong nếp sống xưa của người Tràng An thanh lịch; người bảo rằng đó cũng là một cách sống chậm để cảm nhận rõ hơi thở của một không gian đô hội phồn hoa và thi thư cổ truyền quanh hồ Hoàn Kiếm.
Và cũng có những người đang còn băn khoăn về ý thức, thói quen của cộng đồng. Chỉ biết rằng, đây là những nỗ lực của cả chính quyền và người dân để cải tạo không gian sống, để Hà Nội đẹp dần lên trong mắt ai.
Thực ra trong đối sánh xưa nay, Hà Nội luôn có cả những phần đẹp và…chưa đẹp. Trong hoài niệm của những người yêu Hà Nội, cuộc sống hôm nay đã làm Hà Nội ngày càng xô bồ hơn. Những đổi thay của Hà Nội đã được ghi chép, phản ánh lại rõ nhất trong các tác phẩm văn học- nghệ thuật, báo chí…
Trong một tọa đàm gần đây về “ Hà Nội đã đổi thay thế nào”, Kiến trúc sư (KTS) Phó Đức Tùng cho rằng Hà Nội mở rộng chưa chắc đã giảm đặc trưng của Hà Nội cổ, bởi văn hóa và địa giới hành chính là hai câu chuyện khác nhau. KTS Phó Đức Tùng nói anh đã đi nhiều nơi, rồi vẫn quay về quê hương, bởi Hà Nội là nơi đáng sống. Nếu như trước đó anh và nhiều người từng rất lo lắng về sự đổi thay nhanh chóng của một Thăng Long ngàn năm văn hiến, thì năm 2014 lần đầu tiên lạc bước vào phố đi bộ khu vực Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến… anh thực sự bất ngờ vì những đổi thay ấy.
Quan sát thấy những phố này đơn giản chỉ chặn xe lại để thành phố đi bộ, không thêm một động tác can thiệp nào khác của chính quyền, nhưng lập tức cả khu vực biến thành thiên đường du lịch. Hàng quán bày bàn ghế rộng rãi ra vỉa hè, trông ấm cúng, sạch sẽ chẳng khác gì Venice. Khách đi dạo nườm nượp, ngồi ăn uống cũng đông nghịt.
Từ chủ hàng đến khách khứa, ai nấy đều hân hoan, lịch sự, khác hẳn ấn tượng mấy nhà hàng cơm rang mỳ xào lúp xúp bẩn thỉu trước đây, do không có diện tích ngồi, lại bị quây đuổi bắt bớ suốt ngày. Và cũng theo KTS Phó Đức Tùng khi ấy, thói quen không dễ gì tạo ra trong chốc lát được. Hi vọng chính quyền nhìn thấy thành công của thử nghiệm ban đầu này mà có thể tổ chức mở rộng vùng đi bộ không chỉ tối cuối tuần, cũng không chỉ đến 10h30 tối.
Chắc hẳn đây không chỉ là cảm nhận và quan điểm của riêng vị KTS này, sẽ còn nhiều người yêu Hà Nội nhìn thấy Hà Nội ở những góc đẹp lung linh như thế.
Trở lại với không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, 16 tuyến phố đi bộ sẽ là một không gian làm cho Hà Nội đẹp hơn, lộng lẫy hơn và thư thả hơn. Như thế, một không gian cho phố đi bộ quanh hồ Gươm đã được chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng. Nhà quản lý đang kỳ vọng đây còn là cơ hội tốt để phát triển du lịch Thủ đô.
Tất nhiên, mọi sự đổi thay chưa thể có kết quả ngay lập tức. Song theo TS Nguyễn Quốc Thông- Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Việc mở rộng không gian đi bộ ở Hà Nội và quanh Hồ Gươm ít nhất là người ta có thói quen dành quyền cho người đi bộ trong đô thị. Trước mắt có thể sẽ có tắc nghẽn giao thông vì chúng ta đang quen đi xe máy. Nhưng cái đó sẽ dần giải quyết. Tất cả vì Hà Nội đẹp hơn, sang trọng hơn.
Hai ngôi đền tiêu biểu bên hồ Gươm 1. Đền Ngọc Sơn: Xa xưa truyền rằng, ở gò đất trong hồ đã có các tiên nữ thường về đây múa hát. Thời Lý, Trần, nơi đây gọi là Ngọc Tượng Sơn. Cuối đời Lê xây chùa Ngọc Sơn thờ Phật, bên cạnh có đền Quan Đế. Thời Nguyễn, chuyển thành đền thờ Văn Xương Đế Quân, rồi lại phối thờ Lã Động Tân và đặc biệt là thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Năm 1865, Phương đình Nguyễn Văn Siêu đứng ra vận động xây dựng lại đền Ngọc Sơn có diện mạo gần giống như hiện nay, liên hoàn, tinh tế với các công trình: tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba. Hai chữ đại tự “Phúc” “Lộc” do Nguyễn Văn Siêu viết ở cổng đền, là tâm nguyện của người xưa khắc ghi trên bia đá: “Người làm điều thiện không gì quan trọng bằng ngăn lòng dục của mình, để bảo tồn lẽ phải của tự nhiên. Được như vậy chỉ chẳng cầu phúc, cầu lộc, nhưng phúc lộc vẫn tự nhiên đến với họ”. 2. Đền Bà Kiệu: Đền có tên chữ “Thiên Tiên Điện”, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng để thờ 3 vị nữ thần: Liễu Hạnh công chúa- một trong “Tứ bất tử” trong thần điện người Việt, Đệ nhị Ngọc nữ Quỳnh Hoa và Đệ tam Ngọc nữ Quế Nương. Đền hình chữ Công (I) gồm: nhà đại bái 3 gian rộng, phương đình hai tầng bốn mái và 3 gian hậu cung được quy hoạch tập trung tạo sự bề thế trang nghiêm. Bộ di vật văn hóa - lịch sử của đền Bà Kiệu rất phong phú, đa dạng gồm bia đá, chuông đồng, hệ thống 27 đạo sắc phong thần thuộc các triều đại Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Với hàng cột đá trong kiến trúc và hai cây đa cổ thụ sát bên Đền đã đem lại sự cổ kính và vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Việt Nam. |