Vụ 'chồng giết hổ, vợ nuôi hổ': Có đúng pháp luật?
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Lâm- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An khi nói về vụ lùm xùm liên quan đến Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm (xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) do bà Nguyễn Thị Liên làm Giám đốc. Nếu như chỉ dừng lại ở đây thì không có gì để bàn, tuy nhiên chồng bà Liên trước đây từng bị 2 tội về danh về giết hổ, buôn hổ nên được dư luận quan tâm.
Ảnh minh họa.
Lùm xùm chuyện nuôi hổ
Những ngày đầu tháng 4/2016, tại Nghệ An dư luận quan tâm đến việc UBND tỉnh Nghệ An có quyết định cấp phép cho Công ty TNHH MTV Bạch Ngọc Lâm (do bà Nguyễn Thị Liên làm Giám đốc) được phép nuôi nhốt chăm sóc 15 cá thể hổ (hiện nay là 24 cá thể) trong Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn, khi người chồng là ông Phạm Văn Tuấn có hai tiền án, tiền sự về tội liên quan đến mua bán động vật hoang dã.
Khi ấy, điều dư luận đặt ra là liệu những cá thể hổ này có thực sự được nuôi nhốt, chăm sóc bảo tồn hay là với mục đích khác, quy trình và quyết định cấp phép cho Công ty Bạch Ngọc Lâm của UBND tỉnh Nghệ An có đúng hay không?
Trước đó, ngày 5/4/2016, Cơ quan quản lý CITES (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora - Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam đã tiến hành kiểm tra để xác nhận điều kiện cơ sở vật chất, chuồng trại của Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn (Nghệ An).
Tuy nhiên, sau khi được công bố, vấn đề của ông Phạm Văn Tuấn (chồng bà Liên) được đưa ra mổ xẻ khá gay gắt giữa cơ quan cấp phép và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).
Cụ thể, theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (gọi tắt ENV), người đứng đầu khu sinh thái Hòn Nhạn là vợ của Phạm Văn Tuấn, một đối tượng đã có 2 tiền án về tội liên quan đến giết hại, buôn bán hổ cùng ĐVHD nguy cấp khác.
Trả lời báo chí, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV bày tỏ sự bức xúc rằng việc cấp phép gây nuôi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm cho một đối tượng đã có hai tiền án về tội liên quan đến mua bán ĐVHD là một việc làm hết sức vô lý của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An.
Được biết, Dự án Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn (có trụ sở tại xã Diễn Đoài, Diễn Châu, Nghệ An) được phê duyệt diện tích đất hơn 62.000m2 từ năm 2014. Đơn vị này đã bắt đầu xây dựng các hạng mục, trong đó có khu vực nuôi nhốt hổ rộng 21.750m2. Ngày 31/1/2016, Công ty Bạch Ngọc Lâm đã hoàn thành việc tiếp nhận 15 cá thể hổ do Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh cho tặng.
Ông Nguyễn Sỹ Quyết- Đại diện Công ty khẳng định, ông Tuấn không hề có liên quan đến Công ty TNHH MTV Bạch Ngọc Lâm, không là cổ đông của Công ty, không có cổ phần và sự đóng góp hay ảnh hưởng đến Công ty cũng như đến Dự án Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn.
Cấp phép được thực hiện theo luật
Cụ thể, ngày 29/1/2016 sau một thời gian xem xét các thủ tục cần thiết, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn 615/UBND.NN đồng ý cho phép Vườn Động vật sinh thái Hòn Nhạn của Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm nuôi, trồng loài được ưu tiên, bảo vệ.
Công văn số 2144 STNMT-BVMT ngày 29/4/2016 báo cáo kết quả xác minh việc cấp phép nuôi hổ cho Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định: Hồ sơ đề nghị cấp phép của Công ty này, cũng như việc tham mưu, cấp phép của UBND đều đảm bảo đúng quy trình và thời hạn quy định theo Luật Đa dạng sinh học và Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Việc ENV đề nghị thu hồi giấy phép cấp cho Công ty Bạch Ngọc Lâm là không đúng. Vì Vườn Động vật sinh thái Hòn Nhạn thuốc Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm không đứng tên Phạm Văn Tuấn mà chủ sở hữu hợp pháp của Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm do bà Nguyễn Thị Liên, thường trú tại xóm 3, xã Diễn Lâm (Diễn Châu, Nghệ An) làm Giám đốc Công ty.
Quy trình kiểm tra, tham mưu và cấp giấy phép nuôi các loài hổ tại Vườn Động vật sinh thái Hòn Nhạn là đúng quy định của Luật Bảo tồn đa dạng sinh học và Điều 13 của Nghị định 16/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Và để những thắc mắc được giải đáp, đầu tháng 7 vừa qua sau khi xem xét với một số đơn vị, Sở NN&PTNT tiếp tục khẳng định “Quy trình tham mưu cho UBND tỉnh ban hành giấy phép nuôi, trồng loài được ưu tiên bảo vệ, các cơ quan chức năng và ý kiến của Văn phòng Luật sư Trung Vinh, thuộc Đoàn Luật sư Nghệ An đều thống nhất: Cơ sở pháp lý, thủ tục, quy trình để UBND tỉnh cấp giấy phép là đúng quy định của pháp luật”.
Để có cái nhìn khách quan, sáng ngày 20/8 vừa qua, chúng tôi đã có mặt tại Khu sinh vật Hòn Nhạn nơi đang nuôi nhốt 24 cá thể hổ. Hiện khu nuôi nhốt đã hoàn thiện, một số hạng mục đang gấp rút xây dựng.
Những cá thể hổ đều rất khỏe mạnh và hung dữ. Mỗi tháng một lần, Hạt kiểm lâm Diễn Châu đều có kế hoạch Kiểm tra, giám sát khu vực nuôi nhốt của đơn vị này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Quyết – đại diện Công ty Bạch Ngọc Lâm cho biết: “Chúng tôi thực hiện việc nuôi nhốt theo quy định của pháp luật, được các cơ quan chức năng giám sát liên tục.
Riêng vì ông Tuấn (chồng bà Liên) mà khẳng định Công ty chúng tôi không đủ điều kiện nuôi nhốt, bảo tồn tiến tới thực hiện dự án sinh thái thì quả thực là quá nặng nề với chúng tôi, với số vốn đầu tư 70 tỷ đồng, chúng tôi cân nhắc rất kỹ mới dám đầu tư, giữa ông Tuấn và Công ty là hai việc làm hoàn toàn khác nhau, ông Tuấn không thể, không bao giờ tác động gì được vào việc của Công ty Bạch Ngọc Lâm” - ông Quyết khẳng định.
Ông Nguyễn Tiến Lâm cho rằng: “Công ty Bạch Ngọc Lâm được cấp phép nuôi nhốt hổ theo đúng quy định của pháp luật, trong thời gian qua cơ quan chức năng Nghệ An xem xét khá chi tiết, tỉ mỉ từng quy định, nghị định văn bản pháp luật mới đi đến quyết định nói trên. Và trong thời gian tới, để dư luận khỏi băn khoăn, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, kiểm tra liên tục ở đơn vị này để theo dõi, kiểm soát những động vật tại đây một cách chặt chẽ, đúng như giấy phép đã được cấp”.