Chèo lấy lại tự tin

Minh Quân (thực hiện) 01/09/2016 13:35

Nhằm biến Nhà hát Lớn Hà Nội thực sự trở thành “thánh đường nghệ thuật”, Bộ VHTT&DL vừa triển khai phương án đưa những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao của các đơn vị nghệ thuật vào trình diễn. Trong đó, Nhà hát Chèo Việt Nam là một trong những đơn vị được lựa chọn “mở hàng” cho chuỗi sự kiện vào tối 1-9. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

Chèo lấy lại tự tin

Một cảnh trong vở “Xúy Vân” của Nhà hát Chèo Việt Nam.

PV: Thưa bà, là đơn vị nghệ thuật truyền thống tiên phong cho chuỗi sự kiện nghệ thuật chất lượng cao, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ mang những tiết mục nào đến Nhà hát Lớn?

NSƯT Thanh Ngoan: Trong kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn trong năm 2016, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tham gia biểu diễn trong 2 đêm. Trong đó, tại đêm diễn “mở hàng” cho nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn vào ngày 1/9 có tên gọi là “Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực”. Tại chương trình, 5 cung chèo là bức tranh đầy màu sắc của những số phận các nhân vật điển hình trong nghệ thuật chèo sẽ được các nghệ sĩ trình diễn theo đúng nguyên mẫu.

Hai tác phẩm được Nhà hát Chèo Việt Nam trình diễn trong đợt này cũng đã biểu diễn ở nhiều nơi và được đông đảo công chúng đánh giá cao. Tôi tin rằng, với tài năng biểu diễn của các nghệ sĩ thì loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ dần chiếm được trái tim khán giả. Hy vọng qua chương trình này, người xem sẽ đến rạp đông hơn và các nghệ sĩ sẽ không phải lo “đầu ra” cho những đứa con tinh thần của mình để toàn tâm cống hiến cho nghệ thuật.

Nghệ thuật chèo được biểu diễn ở khắp nơi, nhưng khi biểu diễn ở Nhà hát Lớn thì chúng ta có một tâm thế gì khác không?

- Nhà hát Chèo Việt Nam cũng có nhà hát riêng của mình, nhưng từ bấy lâu nay khi nhắc tới Nhà hát Lớn thì hầu như các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đều mong ước được đến đó biểu diễn. Rất nhiều người muốn đặt chân đến đây không chỉ để xem một tác phẩm biểu diễn chất lượng cao mà bên cạnh đó muốn tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia đã có hơn 100 năm tuổi này.

Cá nhân tôi thì cho rằng một đất nước thì không thể có chuyện xây dựng quá nhiều nhà hát lớn đẹp như thế. Do vậy, tâm thế của các nghệ sĩ khi bước vào Nhà hát Lớn với những tác phẩm thực sự mà họ được tham gia thì đây là một điều còn rất đỗi tự hào. Bản thân những người làm quản lý như chúng tôi còn vui huống chi là những bạn nghệ sĩ. Tôi tin khán giả cũng sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để thực hiện hai mục đích khi là được tham quan và được thưởng thức nghệ thuật trong một không gian tuyệt vời như vậy.

Ở chuỗi chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn, trong khi các đơn vị nghệ thuật đều mang các tác phẩm mới dàn dựng đến trình diễn. Tuy nhiên, Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn là những vở diễn “cũ”, vậy đâu là lý do thưa bà?

- Thú thực việc chuyển cơ chế sang đặt hàng tác phẩm, từ đầu năm 2016 đến nay Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn chưa thực hiện được. Song như chúng ta đã biết thì Nhà hát Chèo Việt Nam là nhà hát đầu ngành về nghệ thuật chèo. Hàng năm chúng tôi có hàng trăm vở diễn chứ không phải chỉ có một vài vở hay để phục vụ cho một vài chương trình.

Tuy nhiên, với định hướng để có các tác phẩm chất lượng cao chúng tôi sẽ trau truốt lại những vở diễn. Bởi có những vở diễn truyền thống từ rất lâu mà trước đó không có điều kiện để phục dựng lại. Nhưng lần này được sự hỗ trợ của Bộ VHTT&DL chúng tôi sẽ phục dựng những vở diễn nổi tiếng xưa. Như năm nay là vở “Xúy Vân” và “Ai mua hành tôi”…

Những vở này có lẽ là dấu ấn đặc trưng của nhà hát chèo Việt Nam suốt nhiều năm qua. Và trong các chương trình nghệ thuật diễn ra hàng năm, chúng tôi sẽ làm tất cả để tiếp tục giữ được ngọn lửa truyền thống.

Cũng như các loại hình truyền thống khác, nghệ thuật Chèo chưa thực sự thu hút sự quan tâm của khán giả. Theo bà, chèo cần phải làm gì để thay đổi thực trạng này?

- Nỗi lo khán giả thì không chỉ vào Nhà hát Lớn chúng tôi mới lo. Với địa điểm là Nhà hát Kim Mã, chúng tôi cũng từng diễn khi chỉ có 5 khán giả. Việc bán vé ở Nhà hát Lớn, lại bán vé giá cao là một thách thức.

Nhưng về lâu dài, tôi nghĩ sẽ bán được. Quan điểm của chúng ta là xây dựng thương hiệu, tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật chứ chưa nặng về doanh thu. Vì vậy, cũng không thể mời miễn phí, không thể hạ giá. Khán giả phải bỏ tiền ra mua thì họ mới trân trọng nghệ thuật. Được biểu diễn ở sân khấu nghệ thuật tương xứng, nghệ thuật truyền thống cũng sẽ thu hút được khán giả...

Thú thực thời gian vừa qua việc đưa Chèo đến với khán giả là điều rất khó. Bởi ngay việc tổ chức biểu diễn một vở chèo tại nhà hát hiện nay kinh phí khoảng 20 – 30 triệu đồng, còn tại Nhà hát Lớn trước đây là 35 – 40 triệu đồng. Đây là một khoản kinh phí rất khó với Chèo. Nhưng từ khi Bộ VHTT&DL đưa ra chủ trương cũng như hỗ trợ kinh phí cụ thể đã phần nào giúp Nhà hát Chèo Việt Nam tự tin hơn khi bước chân vào Nhà hát Lớn biểu diễn.

Với một địa điểm biểu diễn được đảm bảo như Nhà hát Lớn, trong thời gian tới Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ có những dự tính gì khác không, thưa bà?

- Vào tháng 10 tới nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Nhà hát, chúng tôi sẽ tiến hành một chuỗi các hoạt động. Từ 20 đến 29-10, Nhà hát Chèo sẽ tổ chức một Festival của làng chèo. Trong chương trình sẽ có cả chiếu chèo, các chương trình âm nhạc và có rất nhiều vở diễn mới của Nhà hát. Một điều nữa là chúng tôi có mời thêm những nghệ sĩ thành danh lớn tuổi để kết hợp với các nghệ sĩ trẻ trong những vở diễn truyền thống, kinh điển của nghệ thuật chèo như Lưu Bình – Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính…

Bên cạnh 2 buổi diễn trong năm 2016 tại Nhà hát Lớn, tới năm 2017 với lịch diễn vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần chúng tôi sẽ đăng ký nhiều hơn các vở diễn tại đây. Tôi mong với sự quan tâm của Bộ VHTT&DL như vậy sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các nhà hát truyền thống. Từ đó, các nhà hát sẽ có những vở diễn tốt, chất lượng để giới thiệu rộng rãi tới công chúng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Trân trọng cảm ơn bà!

Minh Quân (thực hiện)