Ung thư dạ dày ngày một gia tăng
Ung thư dạ dày đang nằm trong số 10 loại ung thư thường gặp nhất. Riêng tại Việt Nam, căn bệnh này đứng thứ hai ở nam giới sau ung thư phổi, thứ ba ở nữ giới sau ung thư vú và cổ tử cung. Đáng lo ngại là ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa. Vì sao ung thư dạ dày gia tăng nhanh? Cách phòng chống cũng như phát hiện sớm ung thư dạ dày như thế nào?
Ăn nhiều rau quả tươi cũng là một cách hạn chế mắc bệnh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là loại ung thư nguy hiểm hàng đầu về đường tiêu hóa. Bệnh có thể phát triển ở bất cứ phần nào của dạ dày và có thể lan ra khắp dạ dày và đến các cơ quan khác của cơ thể. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Võ Duy Long - Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM thì mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 300 đến 400 bệnh nhân ung thư dạ dày.
Trong đó gần 2/3 trường hợp kịp điều trị bằng phẫu thuật triệt để, số còn lại đã di căn không thể phẫu thuật mà chỉ có thể điều trị nội khoa để kéo dài sự sống. Điều đặc biệt lo ngại theo bác sĩ Long là ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ người bệnh dưới 40 tuổi ngày càng tăng, đặc biệt có những trường hợp dưới 30 tuổi.
Không chủ quan với các triệu chứng
Điều đáng lo ngại là loại ung thư này khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Thời gian đầu bệnh thường không gây triệu chứng gì. Đến khi ung thư đã di căn gây ra đau vùng thượng vị không điển hình, không có chu kỳ với triệu chứng đầy bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa…khiến bệnh nhân bị suy nhược, gầy yếu. Bởi vậy, việc nhận biết những dấu hiệu ung thư dạ dày để phòng tránh kịp thời căn bệnh nguy hiểm này là điều vô cùng cần thiết. Những dấu hiệu sau đây không thể bỏ qua:
- Luôn bị ợ chua, tiêu hóa không tốt. Đây là một trong những biểu hiện đầu tiên của bệnh ung thư dạ dày. Biểu hiện này chiếm khoảng 68% số người mắc bệnh.
- Ăn không thấy ngon miệng, chán ăn. Người bệnh cảm thấy hơi thở luôn nóng. Biểu hiện nôn sau khi ăn xong. Mới đầu người bệnh chỉ có cảm giác khó chịu, buồn nôn những về sau những món không thích hoặc món nhiều dầu mỡ ăn vào sẽ bị nôn ngay. Tình trạng bệnh nặng thì sẽ bị nôn sau mỗi bữa ăn.
– Những cơn đau bụng không ngớt: vị trí bị đau nhiều nhất đó là thượng vị, đau bất cứ lúc nào, hoàn toàn không có dấu hiệu cũng như chu kì cố định.
– Giảm cân nhanh: trước đó bệnh nhân bị mất cảm giác thèm ăn, cơ thể bị thiếu nhiều chất dinh dưỡng, rất hay trong tình trạng uể oải, làm việc kém năng suất.
– Có dấu hiệu bị thiếu máu: Khi bị ung thư dạ dày sẽ xuất hiện tình trạng chảy máu trong gây mất máu.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu thấy có những triệu chứng như trên, nên đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị sớm nhất. Thực tế cho thấy những trường hợp phát hiện muộn, khi ung thư đã di căn thì các bác sĩ thường chỉ còn cách chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc để kéo dài sự sống.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM từng tiếp nhận một nữ sinh 18 tuổi đến khám vì triệu chứng đau bụng dữ dội. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối đã di căn khắp ổ bụng nên không thể phẫu thuật điều trị triệt để, bệnh nhân đã được chỉ định dùng thuốc để kéo dài thời gian sống.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp được phát hiện sớm và phẫu thuật kịp thời nên đã điều trị thành công, sức khỏe cuả nhiều bệnh nhân ổn định và tiến triển tốt.
Nguyên nhân gia tăng bệnh
Theo bác sĩ Võ Duy Long, một trong những nguyên nhân chính gây nên tỷ lệ ung thư dạ dày ngày càng gia tăng ở Việt Nam và một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản là do chế độ ăn nhiều muối, ăn nhiều đồ muối chua, thực phẩm hun khói... Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm khuẩn helicobacter pylori, một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc nhầy của dạ dày và một số bệnh lý như viêm dạ dày mãn tính, viêm teo dạ dày, dị sản ruột cũng làm gia tăng tỷ lệ ung thư.
Ngoài ra, theo các bác sĩ, nguyên nhân còn là do bệnh nhân có bệnh lý về dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày,…trong thời gian dài mà không điều trị triệt để.
Nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm dạ dày, lúc đầu bệnh nhẹ, nhưng lại không chữa trị kịp thời và dứt điểm dẫn đến niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng nề và hậu quả là bệnh nhân bị viêm loét mạn tính. Hơn nữa, nhiều người mắc bệnh cũng do tính chủ quan, sau một đợt uống thấy đỡ cứ nghĩ là khỏi rồi nên dừng thuốc.
Thế nhưng các bác sĩ khuyến cáo, triệu chứng giảm không có nghĩa là dạ dày hoàn toàn bình phục. Trong khi ngày nào cũng phải tiếp xúc với thức ăn, chất kích thích, thậm chí đồ nhiễm khuẩn, niêm mạc dạ dày có thể lại kích ứng tái phát viêm bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, nếu có tiền sử bệnh viêm dạ dày, thì sau một đợt điều trị nên đến bệnh viện khám lại để được các bác sĩ tư vấn điều chỉnh thuốc, chế độ ăn hợp lý nhằm điều trị dứt điểm, tránh bệnh tái phát và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Cách phòng ngừa
Phòng ngừa ung thư dạ dày chủ yếu dựa vào cách ăn uống và khẩu phần, tránh hút thuốc lá, tránh thức ăn nhiều muối (cá muối, dưa cà muối, thịt muối bởi chúng có chứa khá nhiều nitrit và amin thứ cấp, khi vào dạ dày có thể kết hợp thành chất Nitrosamines cực độc gây ung thư).
Ngoài ra nên ăn uống điều độ đúng giờ, có định lượng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, hỗ trợ bài tiết tuyến tiêu hóa, có lợi cho tiêu hóa. Đặc biệt, nên ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày (khi bạn nhai kỹ, nước bọt cũng sẽ tiết ra nhiều hơn) - Điều này rất có lợi cho việc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Nên hình thành một số thói quen cơ bản. Theo một số tài liệu cho thấy những thức ăn sau đây có thể giúp bạn hạn chế khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày:
Ăn nhiều rau quả tươi: Rau quả là nguồn cung cấp các chất xơ và vitamin hết sức dồi dào. Ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin A,B,E, tăng cường sự hấp thu protein hợp lý, có thể bảo vệ cơ thể, phòng tránh ung thư dạ dày. Trong các bữa ăn hàng ngày, chúng ta nên bổ sung thêm các loại rau quả như cà chua, mầm cải xanh, súp lơ, cà rốt…
Hạn chế thực phẩm hun khói và dầu mỡ. Những thực phẩm chiên rán, sấy, nướng, xào và những thực phẩm dùng dầu nóng nấu đi nấu lại có chứa nhiều chất gây ung thư như benzopyrene.
Không ăn những thực phẩm nấm mốc: Mốc là do nhiễm khuẩn gây ra, trong số các loại nấm có những chân khuẩn sản sinh ra độc tố, là chất gây ung thư rất mạnh. Các loại nấm mốc này thường có trong các loại hạt có dầu như: lạc, ngô, ngũ cốc, bột mì, bánh kẹo, cá khô để lâu.
Hạn chế ăn các đồ ăn muối: Trong các loại rau muối như dưa, cà muối và đồ ăn đóng hộp có chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp. Dưới tác động của vi khuẩn hoặc độ axit thích hợp trong dạ dày có thể hợp thành hợp chất Nitrosamines, loại hợp chất này là chất gây ung thư rất mạnh.