“Trộm vợ”
Đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) còn lưu giữ nhiều tập tục. Trong số đó, tục “trộm vợ” vẫn còn đậm nét độc đáo trong chuyện “dựng vợ, gả chồng”. Bởi theo người dân nơi đây, “trộm vợ” không phải là ép buộc mà là sự “ưng ý” của những chàng trai, cô gái.
Hai mẹ con chị Vi Thị Mừng
“Ưng bụng” rồi mới “trộm”
Những bản làng của đồng bào dân tộc Thái của huyện Qùy Châu (Nghệ An) phần lớn nằm heo hút và lọt thỏm giữa núi rừng trùng điệp. Cuộc sống sinh hoạt của bà con nơi đây chủ yếu tự cung tự cấp. Chúng tôi ghé thăm một số bản làng ở xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) vào mùa hè nắng chói chang để nghe kể về tục “trộm vợ” nơi miền sơn cước mà đối với người miền xuôi không hề có. “Thật ra thì chuyện trộm vợ có gì lạ đâu”- cụ Lữ Thị Chương (77 tuổi, trú tại bản Bua) bắt đầu câu chuyện. Người Thái mình từ ngày xưa đến giờ vẫn tự do tìm hiểu. Nhà có con gái lớn rồi kiểu gì ban đêm cũng có con trai đến nhà ngồi tâm sự. Khi thân thiết hơn thì có thể nằm chung một phòng. Chàng trai dân tộc Thái chỉ tiến hành “trộm vợ” khi người con gái đã chấp nhận làm vợ.
Thường thì chàng trai đi “trộm vợ” vào ban đêm. Đêm đó, chàng trai vẫn đến nhà cô gái chơi như thường lệ. Sau khi hai người thỏa thuận với nhau, nếu cô gái đồng ý làm vợ thì chàng trai sẽ dắt cô gái về ở lại trong nhà anh em họ hàng 3 ngày. Trong ngày trộm vợ về, bố của chàng trai phải thông báo cho anh em họ hàng biết và bàn bạc để chuẩn bị sính lễ tổ chức cưới vợ cho con trai. “Người nhà cô gái không hề biết trước sẽ mất người trong đêm. Đến sáng sớm, khi nhận ra “tín hiệu” của chàng trai để lại trên gác bếp thì mới biết con gái đã bị “trộm” mà không cần phải đi tìm”- cụ Chương nói. “Tín hiệu” của chàng trai đi “trộm vợ” là một miếng trầu và được để lại ở trên gác bếp nhà cô gái. Vào sáng sớm, khi mẹ cô gái dậy nấu ăn, nếu thấy trên gác bếp nhà mình có một miếng trầu thì ngầm hiểu rằng con gái đã bị người ta “trộm” đi rồi.
Sau đêm chàng trai “trộm vợ” thành công, nhà trai sẽ mang một vò rượu, trầu cau và 2 triệu đồng (trước đây là một nén bạc) sang nộp phạt với nhà gái vì lỡ “trộm” đi con gái người ta. Những việc “xử phạt” này chẳng qua chỉ làm cho có lệ và để đề cao “cái giá” của người con gái. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên này, hai bên gia đình sẽ bàn bạc các vấn đề liên quan đến đám cưới của đôi trai gái. Theo cụ Lữ, cũng có trường hợp chàng trai chỉ yêu đơn phương và “trộm vợ” không đúng đối tượng thương yêu mình. Trong trường hợp này cô gái sẽ tìm cách trốn khỏi nhà chàng trai hoặc được chàng trai cố tình để cô gái trốn thoát.
Cụ Lữ Thị Chương.
“Trộm vợ” vì không được gia đình đồng ý
Ông Vi Đình Tiến (48 tuổi), Trưởng bản Bua cho hay, một trong những nguyên nhân chàng trai dân tộc Thái tiến hành “trộm vợ” là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không đủ tiền cưới vợ. Cũng có những trường hợp cha mẹ cô gái thách cưới quá cao, nhà trai không chấp thuận được nên trộm vợ là cách giải quyết mọi thứ. Một nguyên nhân phổ biến chính là tục nhà trai phải đi “thăm” nhà gái nhiều lần, kéo dài 3 tháng khiến nhà trai mất kiên nhẫn mà tổ chức trộm vợ.
Ông Tiến kể rằng, tục cưới của người Thái ngày trước nhiều lễ vô cùng. Ngay khi đám hỏi lần đầu, người con trai phải sang thăm nhà gái ít nhất 3 lần trong 3 tháng để chứng tỏ con rể siêng năng, giỏi giang, gia đình giàu có. Lần thăm đầu phải mang 2 chai rượu, 1 cơi trầu cau. Lần tiếp theo là 1 vò rượu cần, 1 cơi trầu cau. Lần cuối cùng là 2 vò rượu cần và 8 cơi trầu cau. Nhưng phong tục này hiện nay không còn nữa.
Một ngày trước khi cưới, gia đình nhà trai sang nhà gái làm lễ nạp tài và phải theo yêu cầu của gia đình nhà gái với số tiền ít nhất là 10 triệu đồng. Sau khi làm lễ cưới xong, trong 2 ngày đầu tiên, đôi vợ chồng trẻ phải mang sang cho bố mẹ nhà gái 1 đôi gà để làm lễ “giấu chân” mà theo người Thái gọi là lễ “Hứn Hói Tín”.
“Lễ này có ý nghĩa là để giấu đi những vết chân của người con gái ở từ nhỏ trong nhà bố mẹ đẻ để thuộc trọn về nhà trai. Ngoài ra, lễ này còn cầu mong tổ tiên phù hộ cho hai vợ chồng làm ăn khấm khá”- ông Tiến nói thêm. Theo vị trưởng bản, gần đây ở trong bản có anh Lữ Văn Tuân (20 tuổi) “trộm” được chị Vi Thị Mừng (20 tuổi) về làm vợ. Hiện vợ chồng anh Tuân đã có với nhau đứa con trai 3 tháng tuổi và sống rất hạnh phúc.
Theo ông Tiến, luật “Hương ước” quy định trong bản, con trai 20 tuổi mới được cưới vợ, con gái 18 tuổi mới được lấy chồng. Nếu vi phạm luật lệ này thì sẽ bị phạt 1 con lợn, 10 chai rượu, 1 yến gạo nếp để nạp cho xóm bản cùng ăn. Ngoài ra, nếu nam nữ ngoại tình sẽ bị phạt 1 con lợn, 1 vò rượu cần.
Theo quan niệm của người dân tộc Thái, nếu người con gái mang thai mà không có chồng sẽ khiến dân làng làm ăn không thuận lợi, hạn hán. Đây cũng là điều tối kỵ nhất đối với người dân tộc Thái. Trong trường hợp này, phải nộp 1 con trâu cho bản làng làm thịt ăn giải xui.