G20 tìm lời giải cho bài toán kinh tế toàn cầu
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 11, chiều 4/9, một kỳ hội nghị được kỳ vọng tìm ra các biện pháp mới để thúc đẩy đà tăng trưởng toàn cầu và tránh chủ nghĩa bảo hộ. Đây cũng là cơ hội để giới lãnh đạo các nước thảo luận về các vấn đề nổi trội trên toàn cầu.
G20 được hy vọng sẽ tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề
thách thức toàn cầu, đặc biệt là kinh tế. (Nguồn: Reuters).
Tìm giải pháp thúc đẩy đà tăng trưởng
Tại thành phố Hàng Châu hôm cuối tuần qua, ông Tập đã cùng chụp hình với nhiều nhà lãnh đạo tới đây để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin… Các nhà lãnh đạo sau đó đã có vài chuyến bay trước khi đến phòng hội nghị.
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi nhưng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong các khu vực tài chính, thương mại và đầu tư. Ông cho hay hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận về đà tăng trưởng kiểu mới và quản lý hiệu quả hơn nền kinh tế-tài chính toàn cầu.
“Trước các rủi ro và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt, cộng đồng quốc tế rất hy vọng vào nhóm G20 tại hội nghị thượng đỉnh ở Hàng Châu” - ông Tập nói trong bài phát biểu.
Ngay trước khi kỳ họp thượng đỉnh bắt đầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo rằng họ có thể sẽ hạ thấp mức dự báo đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu một lần nữa trong năm nay. IMF trước đó đã từng hạ mức dự báo này sau sự kiện Brexit - Anh rời khỏi EU - trong đó giảm mức dự báo đà tăng trưởng GDP toàn cầu xuống còn 3,1% trong năm 2016 và 3,4% trong năm 2017.
Hội nghị G20 năm nay cũng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với sự phục hồi không chắc chắn. Trong năm 2015, số người thất nghiệp là 197 triệu người, nhiều hơn 27 triệu người so với thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong bối cảnh đó, G20 - chiếm khoảng 80% giá trị thương mại toàn cầu - được kỳ vọng sẽ trở thành nhóm tiên phong trong việc phá tan những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều”. Giới quan sát cũng nhìn nhận G20 có thể đóng vai trò lãnh đạo quan trọng trong việc tìm ra cách tiếp cận mới cho các bất đồng thương mại giữa các nền kinh tế lớn.
Những vấn đề thách thức G20
Dù chương trình nghị sự G20 năm nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế, nhưng nó cũng là nơi để giới lãnh đạo thảo luận về các vấn đề nóng hổi khác như: Tình hình chiến sự tại một số điểm nóng, khủng hoảng di cư, đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, Brexit, tranh chấp lãnh thổ…
Trong cuộc họp đầu tiên giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Nga Vladimir Putin chiều 4/9, bà May đã thể hiện mong muốn có một “mối quan hệ thẳng thắn và cởi mở” với Moscow bất chấp những điểm khác biệt giữa hai nước.
Quan hệ song phương Anh-Nga trong những năm gần đây đã trở nên căng thẳng do tình hình chiến sự ở Ukraine. Những cuộc họp vừa qua dường như đã cho thấy tín hiệu mới từ London trong việc sát lại gần hơn với nước Nga trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức.
“Tôi nhận ra rằng sẽ có một số khác biệt giữa chúng tôi, sẽ có một số lĩnh vực và vấn đề phức tạp cần được thảo luận, tôi hy vọng chúng tôi có thể có một cuộc đàm phán và một mối quan hệ thẳng thắn, cởi mở” - bà May nói.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó ông Erdogan nói rằng Mỹ và Thổ cần phải có một quan điểm thống nhất đối với chủ nghĩa khủng bố. Cuộc gặp diễn ra trong lúc mà Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang trở nên bất đồng quan điểm liên quan tới vai trò của lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống phiến quân IS ở Syria. Trong khi Mỹ cho rằng người Kurd là lực lượng hữu hiệu nhất thì Thổ lo ngại rằng lực lượng này đang tìm cách thành lập một khu tự trị dọc biên giới nước họ.
Tổng thống Obama, trong khi đó, cũng đảm bảo rằng Mỹ sẽ chịu trách nhiệm đưa kẻ đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ ra trước pháp luật nhằm xoa dịu phản ứng mạnh mẽ từ Ankara suốt thời gian qua.
Đồng thời, ông Obama cũng có cuộc gặp bên lề kỳ họp thượng đỉnh với phía Nga, trong đó nói rằng hai bên đang làm việc tích cực nhằm hoàn thiện một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Ông cho hay, Mỹ đang hoài nghi vì một số lần lệnh ngừng bắn bị đổ bể trước đó, nhưng dù vậy cả hai bên vẫn tìm cách thu hẹp khác biệt để tìm kiếm hòa bình.
Cũng trong ngày 4/9, Thủ tướng Nhật đã tới Trung Quốc để tham dự thượng đỉnh G20 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh vấn đề chủ quyền lãnh hải trên biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên ông Abe tới Trung Quốc kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tháng 11/2014.
Mới đây, Nhật Bản đã tỏ ra rất tức giận trước sự hiện diện của một tàu hải quân Trung Quốc quanh khu vực biển gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay không chỉ được kỳ vọng sẽ tìm ra các giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề kinh tế toàn cầu, mà còn cho cả các bất đồng, tranh chấp hay sự khác biệt đang diễn ra giữa các nước.
Hãng tin Reuters hôm 4/9 đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc trao đổi "thẳng thắn" dài hơn 4 giờ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm hội nghị G20. ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc, một bên ký kết UNCLOS, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo công ước. Mỹ xem đây là điều quan trọng để duy trì trật tự quốc tế theo luật pháp. |