Chỉ số
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,58% so với tháng 12/2015. CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2016 tăng 1,91%. Về mức lạm phát cơ bản, trong tháng 8 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ. 8 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.
Nhìn vào chỉ số CPI cũng như mức lạm phát cơ bản từ đầu năm tới nay, có thể thấy tình hình kinh tế nói chung (ở tầm vĩ mô) là tương đối ổn định. Giá hàng hóa cũng không tăng cao, từ đó lạm phát cũng được giữ ở mức thấp.
Tuy nhiên, giới phân tích kinh tế cho rằng, nếu cả hai chỉ số (tiêu dùng và lạm phát) cứ ở mức thấp mãi thì cũng chưa hẳn đã là hay. Vì rằng, chỉ số CPI chỉ tăng nhẹ chứng tỏ sức mua của người dân yếu. Không ai muốn giá cả tăng vọt, nhất là những loại hàng hóa thiết yếu đối với đời sống dân sinh, nhưng sức mua yếu cũng phần nào cho thấy sức khỏe của nền kinh tế. Các biện pháp kích thích tiêu dùng có thể đã chưa được coi trọng đúng mức, và người dân đang ở trong thế “tự vệ”.
Kể cả lạm phát, tất nhiên trước hết là cho thấy sự mạnh yếu của đồng tiền, nhưng cạnh đó cũng phần nào là biểu hiện của sức mua. Cho đến hết năm, nhiều khả năng lạm phát sẽ được giữ ở mức dưới 5%, nhưng như vậy thì sức mua cũng khó tăng.
Sức mua yếu sẽ không kích thích sản xuất trong nước. Đó cũng là quy luật, khi mà hàng sản xuất ra khó tiêu thụ, phải áp dụng nhiều chiêu khuyến mãi, thì việc đầu tư vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh cũng hạn chế. Điều đó sẽ liên quan trực tiếp đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, thông qua chỉ số GDP.
Vì thế, đã đến lúc cần có thêm những biện pháp kích cầu- nhu cầu tiêu dùng. Vì khi mà “cầu” tăng thì “cung” mới mạnh dạn bung ra. Lo giữ ổn định CPI là tốt. Lo kìm chế lạm phát là tốt. Nhưng cần kết hợp các chỉ số lại, vì xét cho cùng chỉ số tăng trưởng mới là nhân tố quyết định.