Tấm lòng thơm thảo của Hồ Soa
Cứ mỗi lần tổ chức họp dân hay liên hoan văn nghệ tại nhà văn hóa thôn, đồng bào Vân Kiều ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đều nhớ và cảm ơn “cái bụng rất tốt” của Hồ Soa, người đã hiến tặng đất ở của nhà mình để xây dựng nhà văn hóa.
Không chỉ có vậy, với vai trò Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã, Hồ Soa đã tuyên truyền vận động bà con thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong xóa đói giảm nghèo.
Nhà văn hóa bản Khe Dây.
Hiến đất ở để xây dựng nhà văn hóa bản
Đứng ngắm nhìn nhà văn hóa bản Khe Dây đã được xây dựng khang trang, Hồ Soa cảm thấy rất phấn khởi. Bởi dự định xây dựng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho bà con trong bản Khe Dây đã được anh ấp ủ hình thành từ lâu.
“Trước đây mỗi lần tổ chức sinh hoạt bà con trong bản Khe Dây gặp khó khăn khi tìm ngôi nhà rộng rãi để triển khai. Với lại thủ tục tín ngưỡng của gia chủ khi cho mượn nhà là phải có chai rượu để trình báo với tổ tiên cũng gây phiền hà cho mọi người”- Hồ Soa chia sẻ.
Hiểu được mong muốn của bà con là có được một ngôi nhà để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, Hồ Soa đã nhiều lần đề xuất với cán bộ xã nhưng nhận được cái lắc đầu bởi nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương hạn hẹp.
Trong một lần tình cờ gặp ông Ngô Đình Hướng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quảng Ninh, Hồ Soa đem chuyện xây dựng nhà văn hóa bản Khe Dây chia sẻ thì nhận được cái gật đầu giúp đỡ. Bởi lúc đó, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên huyện Quảng Ninh đang có kế hoạch giúp đỡ địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn xây dựng nhà văn hóa với số tiền 300 triệu đồng. Khi tìm được nguồn tài trợ để xây dựng nhà văn hóa, đồng bào bản Khe Dây ai cũng vui mừng. Thế nhưng, kế hoạch xây dựng nhà văn hóa bản lại gặp trở ngại khi không tìm được vị trí thích hợp.
Nhận thấy diện tích đất ở của gia đình mình còn rộng rãi, có thể xây dựng được nhà văn hóa bản nên Hồ Soa quyết định bàn với vợ hiến tặng cho bản hơn 200 mét vuông đất ở trong vườn nhà mình. “Lúc đầu vợ mình cũng phản đối lắm vì diện tích đất đó có thể trồng cây ăn quả, làm nhà cho thằng con trai nhưng mình nói, mình là đảng viên lại là cán bộ nên phải gương mẫu ủng hộ để mọi người tin tưởng. Mình vì mọi người thì mọi người cũng vì mình để đóng góp ngày công, sức lực xây dựng nhà văn hóa”, Hồ Soa chia sẻ.
Và sau 4 tháng thi công, vào tháng 2-2016, nhà văn hóa bản Khe Dây đã đưa vào sử dụng. Ngày khánh thành, 34 hộ dân trong bản, ai cũng vui mừng, cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm và không quên nắm chặt bàn tay Hồ Soa, người con của bản đã có tấm lòng thơm thảo hiến đất ở để xây dựng nhà văn hóa.
Hướng dẫn bà con phát triển kinh tế
Lớn lên giữa rừng núi, Hồ Soa nhận thấy cuộc sống của bà con còn nghèo khó do tập quán canh tác còn lạc hậu. Từ nhiều đời nay, người Bru Vân Kiều chỉ quen với việc lên nương làm rẫy hoặc khai thác nguồn sống từ rừng mà không thấy ai mạnh dạn nghĩ đến chuyện trồng rừng hay làm giàu từ rừng. Hồ Soa suy nghĩ mình phải mạnh dạn trồng rừng thì bà con mới nghe theo, học theo, lúc đó cuộc sống mới thay đổi.
Một ngày giữa hè năm 1995, Hồ Soa lên UBND xã Trường Xuân để xin xã giao đất đồi để trồng rừng. Trước tiên, anh muốn nhận 10ha đất quanh nhà mình để trồng thử nghiệm. Khi được giao đất, giữa vùng đồi trọc đầy sỏi, vợ chồng Hồ Soa kiên trì đào từng hố để trồng cây. Những ngày đầu, không có vốn, anh đã tìm đến những nơi ươm cây bạch đàn, keo lá tràm để mua về trồng rồi trả dần theo thỏa thuận. Đến cuối năm 1996, Hồ Soa đã trồng phủ kín bằng các loại cây bạch đàn, keo lai, tràm hoa vàng. Năm 2001, diện tích 10ha rừng đã mang về cho gia đình Hồ Soa những khoản tiền đầu tiên từ công sức mồ hôi đã bỏ ra. Có thêm đồng vốn, Hồ Soa tiếp tục nhận thêm 4ha đất đồi trọc đề trồng rừng và phát triển thêm mô hình vườn rừng ao chuồng. Hàng năm, từ 14ha rừng đã cho thu hoạch, gia đình Hồ Soa thu về gần 200 triệu đồng từ rừng.
Một mô hình trồng rừng đã thành công, Hồ Soa không giữ riêng cho mình mà tận tình hướng dẫn những cách trồng cây, chăn nuôi cho bà con trong thôn bản. Anh đã đến từng khoảnh đồi để tận tay hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây gây rừng. Đến nay, hàng chục hộ gia đình ở bản Khe Dây đã trồng hơn 1000 ha đất rừng. Những quả đồi xanh mướt đang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng là nguồn xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.
Với những nỗ lực của mình, Hồ Soa được đồng bào tín nhiệm cử làm trưởng bản rồi bầu vào Ban thường vụ Đảng ủy xã, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Trường Xuân. Trên cương vị mới, xác định nhiệm vụ của mình, Hồ Soa luôn luôn gần dân bản để chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, đồng thời tuyên truyền cho bà con những chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới...