Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Phương Linh (ghi) 05/09/2016 08:10

Ngày 4/9, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo công bố về phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành Giáo dục. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ những nội dung thực hiện nhiệm vụ chính của ngành giáo dục năm học 2016-2017. “Năm 2017, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện cho tốt hơn, chứ không phải mỗi năm một phương án”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Niềm vui bước và năm học mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, phương án tổ chức thi để xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển ĐH,CĐ năm 2017, hiện Bộ đã có tổ công tác bao gồm các chuyên gia có kinh nghiệm rà soát một cách rất kỹ lưỡng phương án 2016. Bộ có lắng nghe ý kiến dư luận, lấy ý kiến trực tiếp địa phương và các trường ĐH,CĐ để đi đến thống nhất. Tại thời điểm này mặc dù chưa phải quyết định chính thức, nhưng chủ trương của Bộ, phương án năm nay không phải phương án đổi mới mà tiếp tục thực hiện phương án của năm 2016. Năm 2016, kỳ thi và tuyển sinh có thể nói đã được xã hội đồng tình, đánh giá thành công. Trong đó có những điểm cần tiếp tục cải tiến để làm tốt hơn.

“Năm ngoái chúng ta có hai cụm địa phương và ĐH. Thực tế cho thấy địa phương có thể đứng ra tổ chức được. Không nhất thiết có hai cụm trong cùng một địa phương. Bản chất năm nay so với năm ngoái đã gọn nhẹ hơn. Năm ngoái chúng ta thi nghiêm túc, đề thi đánh giá tốt nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, đâu đó còn học tủ, học lệch. Năm nay đã cải tiến một bước, mở rộng hơn về đề thi, cải thiện tính toàn diện, áp dụng CNTT thành bài thi tổng hợp theo cách trắc nghiệm khách quan, bao quát. Hướng đổi mới năm 2017 sẽ theo phương án bài thi tổng hợp trắc nghiệm đối với nhóm khoa học tự nhiên, ngoại ngữ… thi trên giấy và chấm trên máy, nhằm khắc phục tốt tính không nghiêm túc trong chấm thi”- Bộ trưởng nói đồng thời cho biết thêm, hiện nay, mặc dù theo luật, các trường ĐH,CĐ được tự chủ, nhưng nhiều trường không có kinh nghiệm nên khó khăn khi đứng ra tổ chức. Điều thứ hai, tự chủ nhưng không phải muốn làm gì thì làm, Bộ vẫn phải đứng ra đảm bảo về mặt chất lượng vì quyền lợi của người học và xã hội. Bên cạnh đó, kỳ thi hai mục đích phải đảm bảo khách quan, có độ phân hóa: Tốt nghiệp phổ thông thì kiến thức căn bản, nhưng vào ĐH phải theo phương thức đánh giá năng lực. Năm 2017, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện cho tốt hơn, chứ không phải mỗi năm một phương án.

PV: Hiện Bộ GD-ĐT đang có dự thảo Thông tư 30 sửa đổi. Về vấn đề này nhiều giáo viên có đưa ra lo lắng sẽ lại “bình mới rượu cũ”, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thông tư 30 tinh thần là tốt, chuyển căn bản cách đánh giá, lượng hóa cho điểm. Các cháu còn nhỏ nên trong cách đánh giá đòi hỏi phải có sự khích lệ, rất cần được động viên, khuyến khích bằng lời. Thông tư này qua thực hiện cũng đã cho thấy nhiều ưu điểm, và cũng được nhiều nước thực hiện. Tuy nhiên Bộ cũng rút kinh nghiệm để tính lộ trình bước đi phù hợp. Bộ cũng nghiêm túc sửa về mặt thí điểm, phải đặc biệt có sự chuẩn bị về con người, trường lớp. Còn có thể khẳng định, đánh gía A, B, C là thay đổi căn bản. Đây là nội hàm lượng hoá chứ không phải cho điểm. Khi các cháu đạt A thì là tiến bộ, có sáng tạo; B là chưa tiến bộ, ở mức vừa phải; còn C là phải cố gắng. Khác nhau chứ không phải “bình mới rượu cũ”. Thông tư 30 sắp tới cũng không phải là Thông tư mới, mà dựa vào Thông tư 30 cũ, bổ sung sửa đổi những bất cập, làm sao cho sát thực tế hơn.

Về việc ở TP HCM cấm dạy thêm học thêm, quan điểm của Bộ GD-ĐT về vấn đề này, thưa Bộ trưởng?

- Việc dạy thêm học thêm cũng là nhu cầu, nguyện vọng. Không riêng ở ta mà ở các nước cũng có nhu cầu cao. Chúng ta cấm là cấm dạy tràn lan, không đúng mức. Thậm chí đưa bài mới ra giảng, hoặc đưa nội dung chính khóa ra giảng…

Về vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao, có thể nói đến nay chất lượng chưa được như kỳ vọng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ có hướng khắc phục như thế nào?

- Về chất lượng giáo dục, qua nhiều năm đổi mới và những năm gần đây chúng ta cũng phải thừa nhận điều quan trọng là có đi lên, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. So với yêu cầu có thể chưa đạt, nhưng không thể nói là chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống. Rõ ràng để đổi mới căn bản toàn diện trong bối cảnh “vừa làm nhà, vừa sửa nhà” vô cùng khó khăn, động chỗ nào cũng có vấn đề. Vì vậy có ý kiến đa chiều là không tránh khỏi. Tuy nhiên ngành Giáo dục cũng phải rất nghiêm túc lắng nghe, tích cực nghiên cứu, tìm tòi, trải nghiệm. Tới đây giải pháp nâng cao chất lượng, qua thực tiễn, bậc mầm non chủ yếu trang bị cơ sở vật chất tốt, bậc phổ thông chủ yếu tập trung về mặt kỉ cương, nề nếp. Bên cạnh đó là chương trình sách giáo khoa gọn gàng, không quá tải.

Còn vấn đề chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH- giải pháp có nhiều nhưng tới đây Bộ sẽ áp dụng giải pháp kiểm định chất lượng tốt. Qua tiêu chuẩn kiểm định để thấy các trường đang tốt hay không tốt, đang ở đâu so với khu vực và quốc tế; Cũng là để tránh tình trạng một số trường tự xưng là trường tốp trên...

Giải pháp quan trọng nữa là đổi mới chương trình, nội dung phương pháp giảng dạy theo hướng thực học, phải bám sát nhu cầu thực tiễn. Bộ GD-ĐT cũng sẽ thành lập Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực, làm cơ sở cho các trường phân bổ chỉ tiêu và chuyển hướng đào tạo. Bởi hiện có nhiều trường ĐH có những ngành thế mạnh, nhưng giờ không cần. Giải pháp quan trọng tiếp theo là tự chủ ĐH,CĐ. Chừng nào còn dựa vào Bộ chủ quản, chưa tự chủ thực sự thì trường đó chưa thể mạnh được. Các trường phải tiến tới tự chủ và cạnh tranh. Nhà nước tiến tới giao theo đơn đặt hàng, không phân biệt trường công, trường tư, trường nước ngoài, trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng. Có những giải pháp khuyến khích, tạo dựng cho các trường gắn kết với người sử dụng lao động, đặc hệt là doanh nghiệp.

(Ảnh: Đức Thanh).

Trong những việc đổi mới của ngành Giáo dục, có thể nói thành công hay không là ở đội ngũ giáo viên. Bộ có giải pháp gì với đội ngũ này trong thời gian tới?

- Bộ GD-ĐT xác định có 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp căn bản. Những nhiệm vụ, giải pháp này không phải thực hiện chỉ trong năm học mới mà lâu dài. Bộ đang làm việc cùng các chuyên gia để cụ thể thành những nội dung theo dự án từng năm, từng giai đoạn rõ ràng. Trong 9 nhiệm vụ này thì nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phụ thuộc vào cả các thầy cô. Phần lớn các thầy cô tâm huyết với ngành, nhưng trong hoàn cảnh này, tâm huyết chưa đủ, mà phải có năng lực, có kiến thức, đáp ứng quy chuẩn dạy theo phương pháp đáp ứng năng lực. Đây là thách thức lớn đối với các thầy cô.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Phương Linh (ghi)