Minh bạch khi thoái vốn
Dư luận không quá bất ngờ trước chủ trương tiếp tục thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn: Tổng công ty Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng công ty cổ phần Bia rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)…
Vận hành hệ thống cung ứng xăng dầu tại PV Oil Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TL.
Nhưng, vấn đề đặt ra là làm sao để tối đa hóa hiệu quả nhằm thu về nguồn tiền cao nhất, hạn chế được nhóm lợi ích, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước… đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước được dư luận quan tâm.
Đấu thầu công khai
Theo những dữ liệu tổng hợp được, Nhà nước đang nắm tương ứng tới gần 90% và 82% vốn điều lệ tại hai Tổng Công ty Sabeco và Habeco tương đương với 9000 tỷ đồng. Còn tại đại gia sữa Vinamilk, nhà nước vẫn nắm giữ tới 45,06% cổ phần tương ứng 795 tỷ. Tại Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Mã CK: BMI) tỷ lệ Nhà nước nắm giữ: 50,7% cổ phần tương ứng gần 383 tỷ đồng...
Ngoài ra tại doanh nghiệp khác mà Tổng Công ty đầu tư vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, chẳng hạn tại Công ty Nhựa Bình Minh, công ty cổ phần FPT, công ty viễn thông FPT... số vốn cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Với các phép toán đơn giản, khi nhà nước bán vốn tại các ông lớn này, tổng số tiền thu về được lên tới gần 150.000 nghìn tỷ, nếu quy đổi ra ngoại tệ tương ứng khoảng 7 tỷ USD.
Nói chủ trương việc bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp trên thuộc loại “gà đẻ trứng vàng” của Chính phủ cũng không bất ngờ.
Thứ nhất, quá trình tái cơ cấu DNNN đang đi vào giai đoạn nước rút và việc này nằm trong lộ trình đặt ra. Nhà nước bán vốn tại các DN lớn này là có chủ đích, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực DNNN, giảm bớt phần can thiệp của Nhà nước. Thông tin này cũng đã truyền tải tới giới đầu tư và DN trong và ngoài nước.
Thông điệp của Chính phủ sẵn sàng đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa (CPH), cải cách DN quốc doanh, tạo điều kiện cho DN nâng cao quản trị kinh doanh, sức cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào các hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương.
Thứ hai, việc Chính phủ cho phép bán vốn tại Vinamilk, Habeco, hay Sabeco...sẽ thu về được một số tiền đáng kể, phục vụ hiệu quả cho công tác xử lý bội chi ngân sách, phân bổ lại nguồn lực vào lĩnh vực khác như xây dựng điện, đường, trường, trạm.
Vì vậy, việc Thủ tướng chỉ đạo, trong quá trình bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước được dư luận đồng tình.
Ở đây, việc bán vốn cũng được phân định rất rõ, Habeco và Sabeco - là những DN đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn.
Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.
Khi các ông lớn phải niêm yết trên thị trường rồi bán vốn, điều này sẽ tạo được sự cạnh tranh trong đấu giá. Điều này sẽ không phân biệt các nhà đầu tư nếu có nhu cầu, như vậy, sẽ xoá bỏ được sự bắt tay của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản nhà nước. Chưa kể cùng với ràng buộc dù bán vốn nhà nước cũng phải có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk.
Habeco sẽ thoái vốn trong năm 2016.
Sẽ có nhiều DNNN thoái vốn
Phía Bộ Công thương cũng cho biết, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 82% vốn đang nắm giữ tại Habeco, tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Riêng lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ chia làm 2 đợt: Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt 2 vào năm 2017 sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ thoái phần vốn còn lại 36% tương đương 16.000 tỷ đồng.
Còn với các DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán như VNM, FPT, NTP (Công ty nhựa Thiếu niên tiền phong)? ... Nhìn lại diễn tiến bán vốn nhà nước cho thấy,trong thời gian quan dù hô hào tái cơ cấu DNNN, thoái vốn nhà nước nhưng kết quả đem về là chưa thấy, việc bán vốn vẫn chỉ nằm trên bàn tính. Lộ trình thoái vốn thời gian tới muốn đạt kết quả cụ thể như thế nào vẫn phải chờ.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, Việt Nam đang muốn thu hút đầu tư nước ngoài. Với những DN đang vận hành rất thuận lợi như VNM, FPT... có sự cạnh tranh và chào bán rộng rãi, giá cổ phần bán được sẽ cao hơn, tiền thu về nhiều hơn, từ đó giúp nhà đầu tư trong nước có nguồn tiền để đầu tư vào lĩnh vực phù hợp tối ưu hơn. Nhưng quan trọng, nhà nước cần giữ nguyên tắc điều hành nền kinh tế chủ yếu thông qua hệ thống chính sách chung, không cần trực tiếp tham gia điều hành, can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN.
Ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính DN cũng cho biết, thời gian tới tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn tại những DN mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả. Hoàn thiện thể chế định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu,...) trong cổ phần hóa theo nguyên tắc thị trường. Như vậy với diễn tiến này, lượng vốn nhà nước thoái khỏi DNNN trong thời gian tới rất lớn.
Ông Tiến cũng cho biết, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp DNNN, nhưng thực hiện có lộ trình, không nóng vội, gắn cổ phần hóa với niêm yết cổ phiếu.