Quan hệ Việt Nam-Cộng hòa Pháp đang phát triển tích cực
Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế ngay sau hội đàm (ngày 6/9), đề cập đến vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định: Tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương; cam kết duy trì tự do hàng hải, hàng không; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật Biển 1982.
Tổng thống Pháp Francois Hollande thăm phố cổ Hà Nội.
Cùng ngày hai bên đã ra Tuyên bố chung.
Tin cậy, hiểu biết lẫn nhau
Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande, được Chủ tịch nước đánh giá là “rất hữu ích trên tinh thần tin cậy, hiểu biết lẫn nhau”.
Tại Hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Pháp đang phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực và khẳng định quyết tâm chung đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp hướng tới một tầm nhìn hợp tác dài hạn, đáp ứng lợi ích và quan tâm chung của hai nước. Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao, đồng thời phát huy vai trò của các cơ chế điều phối, chỉ đạo hợp tác song phương; trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo.
Tại cuộc họp báo chung ngay sau Hội đàm, Tổng thống Pháp bày tỏ: Chúng tôi mong muốn làm sao có mối quan hệ Đối tác chiến lược về chính trị trên tinh thần tin tưởng; làm sao để giải quyết những vấn đề trong khu vực hay rộng hơn là trên toàn cầu.
Những nhất trí chung mà Tổng Thống Pháp nói đến, đó là việc hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng, nhất là hợp tác trang thiết bị, thăm viếng tàu quân sự, hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ; hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Hai nhà lãnh đạo cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế, tái khẳng định cam kết duy trì tự do hàng hải, hàng không; nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12/7, hai bên khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Tổng thống Hollande đồng tình quan điểm của Việt Nam: Đối thoại như là biện pháp để giải quyết khi có tranh chấp, “Pháp ủng hộ Việt Nam về những nỗ lực gìn giữ an ninh ở những vùng hải phận và không phận của mình”- Tổng thống Pháp khẳng định.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư
Ngay tại Hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí: Việt Nam và Pháp sẽ tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương như LHQ, ASEAN - EU, ASEM, Pháp ngữ; tiếp tục ủng hộ lẫn nhau nhằm phát triển quan hệ của Pháp với châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Pháp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sau thành công của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21(COP 21) tại Paris. Hai nước sẽ thắt chặt hợp tác trong ứng phó với thách thức toàn cầu, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột ưu tiên trong quan hệ song phương và nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác trong các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không, y tế - dược phẩm, môi trường, nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Tổng thống Pháp khẳng định cam kết của Pháp duy trì ODA cho Việt Nam. Hai bên nhấn mạnh tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư và kinh doanh, hướng tới xây dựng các mối quan hệ đối tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Việt Nam đã mời Pháp tham dự Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2017 (Vietnam Foodexpo) với tư cách là khách mời danh dự.
Phát biểu tại họp báo chung, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: “Về kinh tế, chúng tôi nhất trí, khuyến khích doanh nghiệp của hai nước hướng tới thiết lập các đối tác kinh tế và công nghiệp trên cơ sở chuyển giao công nghệ mà hai bên cùng có lợi. Hai nước sẽ đặc biệt chú trọng thúc đẩy các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, về hàng không, về nông nghiệp, chế biến thực phẩm,về kinh tế, môi trường”.
Kết quả tại Hội đàm đã càng chứng minh cho sự thăng hoa trong hợp tác song phương Việt –Pháp. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và Pháp, chú trọng lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng dụng vệ tinh, đồng thời tăng cường hợp tác văn hóa, du lịch, đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo. Hai bên sẽ tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nghiên cứu, phối hợp phát triển Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trở thành Trường Đại học đẳng cấp quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác chặt chẽ bảo đảm thành công của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 10 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 tới tại thành phố Cần Thơ.
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Holland hai nước đã ký kết 16 văn kiện trên các lĩnh vực. Trong đó, riêng về kinh tế có: Thỏa ước tín dụng cho Dự án hỗ trợ quản lý nguồn nước và cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Ninh Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ.
Bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam và Tập đoàn Vinci Concessions; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn FPT và Công ty Telespazio; Ý định thư về hợp tác quản lý không lưu giữa Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và Airbus; Thỏa thuận mua 10 máy bay Airbus 350 của Tổng Công ty hàng không Vietnam Airlines; Hợp đồng mua 10 máy bay Airbus A320 của Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific; Hợp đồng mua 20 máy bay Airbus A321-neo của Công ty cổ phần hàng không Vietjet.
Đầu giờ chiều 6/9, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã dạo thăm phố cổ Hà Nội với 9 cựu du học sinh tại Pháp, trong đó có giáo sư Ngô Bảo Châu. Ông đã nói chuyện với các cựu du học sinh tại quán cà phê Cộng trên phố Mã Mây. Tổng thống Pháp đã không quên nếm thử một số món ăn đặc sản của Hà Nội như cốm, bánh trung thu…Sau đó, ông ghé thăm Đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc Trưa 6/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng thống Pháp Francois Hollande đang có chuyến thăm Việt Nam. Cũng trong ngày 6/9, Tổng thống Pháp đã đến chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Chiều cùng ngày, Tổng thống Pháp đã rời Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh và dự kiến có cuộc hội kiến với Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng vào trưa nay (7/9) trước khi rời Việt Nam. |