Trân trọng di sản thiên nhiên

Vi Cầm 07/09/2016 12:25

Cứ tưởng là chuyện hãn hữu mới có, nhưng mới đây khi một lãnh đạo của UBND TP Hạ Long thừa nhận rằng dịch vụ tổ chức dạ tiệc trong hang động đã diễn ra nhiều năm nay tại các hang động đẹp của vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, thì nhiều người sửng sốt. Bởi không hiểu tại sao chỉ vì tiền mà con người lại có thể coi thường một kỳ quan được xếp hạng di sản thế giới, có thể coi vịnh Hạ Long như “ao nhà” để thỏa mãn nhu cầu của khách VIP.

Trân trọng di sản thiên nhiên

Dịch vụ ăn uống trong lòng các di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức ồ ạt thì độ nhếch nhác sẽ ra sao?

Dạ tiệc trong hang động lâu nay được một số công ty du lịch tại vịnh Hạ Long tổ chức, biến kỳ quan thiên nhiên thành nhà hàng, quán bar. Sở dĩ nói dành cho khách VIP bởi để được ẩm thực trong hang đá, mỗi “thượng đế” phải trả từ 2-5 triệu đồng cho mỗi suất ăn.

Mà theo quảng cáo của một số công ty du lịch đây là thú ăn chơi “có một không hai” thể hiện đẳng cấp sang trọng. Các du thuyền có khách VIP muốn tham gia dịch vụ này thường có số lượng gần 60 khách, đi theo nhóm và phải đặt trước, địa điểm tại hang Trống, hang Thầy, hồ Động Tiên (vịnh Hạ Long), hang Thiên Cảnh Sơn (vịnh Bái Tử Long)…

Khai thác du lịch khám phá danh thắng, kỳ quan thiên nhiên thế giới vừa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch bốn phương, vừa nhằm phát huy những giá trị mà thiên nhiên ưu ái cho địa phương sở hữu nó.

Nhưng gần đây người ta đã nhắc nhiều hơn tới khái niệm du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, hay cụ thể hơn là du lịch thân thiện với môi trường.

Không rõ cảm giác được ăn uống trong hang động “phê” đến như thế nào, nhưng cứ thử hình dung với lượng người ăn uống trong hang không hề ít, tần suất dày đặc vào các dịp cuối tuần, cộng với một lượng đồ ăn, hải sản, trái cây...và rác thải không biết bao nhiêu cho xuể, thì việc gìn giữ môi trường trong những cái hang giữa biển ở vịnh Hạ Long sẽ ra sao? Gìn giữ di sản thiên nhiên, nhất là cách mà con người ứng xử với di sản là việc thận trọng.

Trước đó việc hòa nhạc trong hang Đầu Gỗ (vịnh Hạ Long) cũng đã nhận được những ý kiến trái chiều. Tất nhiên, nhìn nhận giá trị của di sản ở những góc độ khác nhau, con người cũng sẽ có những thái độ ứng xử khác nhau. Sau hang Đầu Gỗ, năm 2014 một chương trình hòa nhạc đặc biệt cũng đã được tổ chức tại động Phong Nha (Quảng Bình).

Ấy là vào dịp 30/4/2015 hàng ngàn du khách tham quan Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được thưởng thức một chương trình hòa nhạc dài hai giờ ngay trong lòng động Phong Nha.

Ở đó, lần đầu tiên ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao và những ca khúc Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân, Chuyện tình Phong Nha của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương... đã được tấu lên ngay trong lòng động Phong Nha như một phòng bá âm tự nhiên, làm hấp dẫn du khách khi đến đây. Du khách quốc tế đã tỏ ra rất thích thú với một không gian thưởng thức âm nhạc đặc biệt này.

Tất nhiên, những chương trình âm nhạc tổ chức trong hang động hay trong lòng di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam chưa nhiều.

Có thể nói số ít những chương trình ấy góp phần quảng bá giá trị của hang động, không phải nhằm mục đích kinh doanh. Chính vì thế mà nhiều người băn khoăn lắm với câu hỏi nếu không có sự vào cuộc ráo riết của truyền thông như vừa qua, liệu lãnh đạo TP Hạ Long- Quảng Ninh có sớm rà soát lại việc tổ chức dịch vụ ăn uống trong lòng di sản thiên nhiên thế giới hay không?

Thật khó mà tưởng tượng nếu dịch vụ ăn uống trong lòng các di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức ồ ạt thì độ nhếch nhác sẽ ra sao? Lo lắng trước nguy cơ này là có cơ sở bởi kinh doanh dịch vụ du lịch ở ta vẫn hiện hữu xu hướng “ăn xổi ở thì”, còn ý thức của du khách cũng là một câu chuyện phải bàn dài.

Thật mừng, theo UBND tỉnh Quảng Ninh từ ngày 27/4/2015, địa phương đã ra quyết định 1139/QĐ phê duyệt qui hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020.

Trong đó nêu rõ, tại tất cả các điểm hang, động nói chung và hang Trống, hồ Động Tiên nói riêng… đều không có loại hình dịch vụ ăn uống, tổ chức sự kiện, tiệc mừng trong hang. Như vậy, nguy cơ biến những hang động thành nhà hàng tại vịnh Hạ Long trong tương lai sẽ không thành sự thật. Mong rằng bớt đi được một dịch vụ kinh doanh trong hang động, cũng chính là việc góp phần giảm chất thải lên di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Vi Cầm