Trường chuyên: Có nên tồn tại?
Theo PGS TS Lê Anh Vinh- Phó hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục (Hà Nội), hệ thống trường chuyên của Việt Nam đã làm rất tốt trong một giai đoạn nhất định, có những thành tựu đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đó là điều không thể phủ nhận nhưng đã đến thời điểm chúng ta cần phải có thay đổi.
Ảnh minh họa.
Sau lớp chuyên là gì?
Việt Nam hiện có 63 tỉnh thành. Trong đó, mỗi địa phương đều có một trường chuyên là nơi đào tạo và thu hút đầu vào gần như tốt nhất của mỗi tỉnh. Thậm chí, có người nói rằng cuộc đua vào các trường chuyên nhiều khi còn cam go hơn cả giành được một tấm vé vào ĐH.
Cùng với các trường chuyên thuộc các trường ĐH, cả nước có khoảng 70 trường chuyên. Mỗi năm, chúng ta có khoảng hơn 10 nghìn học sinh chuyên ở tất cả các môn toán, văn, ngoại ngữ, hóa, lý… tốt nghiệp. Sau đó các em được đào tạo thế nào?
Nếu vào ĐH, quy mô đào tạo của chúng ta hiện chỉ có thể đáp ứng được từ 1-2 nghìn em đi theo ngành khoa học cơ bản, đó là chưa nói đến việc các em có mong muốn hay không. Như vậy, việc đào tạo hơn 10 nghìn học sinh ở các trường THPT chuyên và không phải để phục vụ cho việc đào tạo tiếp ở bậc ĐH để đi theo con đường nghiên cứu cơ bản. Cần phải xem lại hệ thống trường chuyên đào tạo năng khiếu của chúng ta có đúng hay không?
Hơn 10 nghìn bạn đó sẽ học ở tất cả các ngành sẽ có những đóng góp rất tốt cho xã hội. Vì vậy, tôi cho rằng phải có những thay đổi. Không nên chỉ đào tạo một mũi nhọn mà cần đào tạo toàn diện hơn. Nếu như các bạn được tiếp cận với đa dạng cơ hội nghề nghiệp, chắc chắn sẽ có được định hướng tốt hơn về nghề nghiệp và sẽ có những đóng góp tốt hơn cho xã hội.
Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến mức độ thiên tài, xuất sắc, đặc biệt giỏi thì chắc chắn không thể phát triển được đất nước. Chúng ta cần đội ngũ chất lượng cao, mạnh và tốt mới có thể phát triển được.
Là người công tác trong ngành giáo dục, tôi quan niệm để làm được điều gì chúng ta cần phải có diện rộng hơn là mũi nhọn. Mũi nhọn có tác dụng kéo theo làm điển hình, để thu hút. Nhưng diện rộng là điều quan trọng nhất.
Ươm mầm hạt giống hơn là vinh danh
Ở nhiều nơi, mô hình trường chuyên, có nơi gọi là trường năng khiếu với quan niệm là nơi đào tạo những bạn được gọi là tài năng. Cá nhân tôi cho rằng, ở lứa tuổi học sinh chỉ nên gọi là “hạt giống”, chưa thể gọi là tài năng. Tài năng thì cần phải xác định và được xã hội công nhận.
Hiện chúng ta có những hình thức tôn vinh những bạn học sinh có thành tích học tập, thi cử đạt kết quả tốt, điều đó tốt nhưng tôi cho rằng nên thận trọng. Tôi là trưởng đoàn học sinh giỏi Toán quốc tế Việt Nam, hàng năm đều tham gia vào công tác đào tạo học sinh giỏi toán.
Khi đưa các bạn đi thi và về đạt thành tích cao, lời khuyên của những giáo viên như chúng tôi với các em là: Các em hãy quên ngay thành tích của mình nhưng đất nước, các thầy sẽ không bao giờ quên. Hãy coi đó là những “hạt giống” để có thể ươm mầm tốt để tạo những tài năng phát triển thay vì tôn vinh các em quá sớm chỉ có hại, không có lợi.
Không chỉ thế hệ tôi mà ngày nay, một học sinh muốn được tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi, các bạn phải vượt qua nhiều vòng, từng cấp bậc 1, bắt đầu là cấp trường, cấp quận, cấp thành phố, cấp toàn quốc rồi mới đến thi quốc tế. Áp lực rất nhiều. Cách làm của chúng ta là tôn vinh các bạn trải qua hàng loạt các kỳ thi như vậy.
Nhưng nhìn vào cách làm của các nước khác, họ cho học sinh tự nguyện. Ai có nguyện vọng tham gia các cuộc thi thì tham gia. Và ai có năng khiếu thì sẽ nổi trội hơn. Những em dù không làm bài tốt như học sinh giỏi, các em vẫn vui vì được tham dự kỳ thi như mọi người.
Bản thân các cuộc thi không có tội. Sức ép lớn nhất từ phụ huynh, lúc nào cũng muốn con mình đạt thành tích. Nếu con đã cảm thấy áp lực vì phải học trường chuyên, lớp chọn hay những kỳ thi học sinh giỏi, cha mẹ đừng tạo áp lực cho con thêm nữa. Nên đặt nhẹ thành tích xuống, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn. Trẻ con chính là người gánh chịu nhiều nhất.