Bấp bênh cây cao su
Một thời từng được ví như “vàng trắng”, cây trồng chủ đạo giúp bà con huyện vùng cao Như Xuân (Thanh Hóa) thoát nghèo. Nhưng vài năm trở lại đây, do giá mủ xuống thấp, người dân “cực chẳng đã” đốn hạ hàng chục héc ta cao su đang trong độ tuổi cho thu hoạch để thay thế bằng cây trồng khác. Người dân đã khó nay lại lâm vào tình cảnh bấp bênh hơn.
Những đồi cao su đang bị người dân đốn hạ.
Cắn răng chặt bỏ vì rớt giá
Dọc tuyến đường từ thôn Đồng Tân, Đồng Quan, Liên Hiệp, Xóm Đon… xã Hoá Quỳ là những khoảnh đồi cao su đang bị người dân phá bỏ để thay thế bằng loại cây trồng mới.
Gặp chúng tôi, ông Lê Đình Huấn - Phó Chủ tịch UBND xã Hoá Quỳ không dấu được vẻ lo lắng của mình, ông cho biết: “Trước đây toàn xã đã có 1.132 ha cao su, nay chỉ còn 1.032 ha cao su, tức số diện tích cao su trên đã bị mất là hơn 100 ha, nguyên nhân do mưa bão gãy đổ, chết rét… nhưng cái chính vẫn là do bà con nông dân tự ý phá bỏ. Trong đó, đau xót nhất là thời gian 1 năm trở lại đây số diện tích cao su do bà con nhân dân chặt bỏ vì hiệu quả kinh tế thấp để chuyển sang cây trồng mới lên tới gần 30ha. Nếu tình trạng giá mủ cứ xuống thấp như thế này thì không biết số diện tích cao su của xã có còn giữ được không nữa!?” – ông Huấn nói.
Dẫn chúng tôi ra những khoảnh cao su đã bị phá bỏ tại thôn Đồng Quan, hộ ông Ngân Thanh Xuân cho biết: Gia đình ông Xuân có 1,6 ha cao su, trồng những năm (1998 – 1999) sau khi đã thu hoạch được 7 vụ cạo mủ thì gần đây gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình khác đã tự ý chặt bỏ toàn bộ số diện tích cao su trên để chuyển sang trồng cây keo lai xen canh cây sắn. Lý giải về nguyên nhân chặt bỏ cao su, ông Xuân xót xa thốt lên: “Từ lâu, cây cao su đã gắn với đời sống của người dân vùng cao chúng tôi, sướng khổ gì cũng nó! Nay phải chặt bỏ, đau lắm chứ! Giá mủ cao su xuống quá thấp, giá trị ngày công cạo mủ không đảm bảo thu nhập (giá mủ cao su cao có thời điểm lên tới 70 -80 nghìn đồng/kg thì nay rớt xuống chỉ còn 20-21 nghìn đồng/kg); trong khi đó để bán được mủ thì bà con nông dân phải mang sang tận huyện Cẩm Thuỷ hoặc bán sang tỉnh Nghệ An vì phía C.ty cao su Thanh Hoá không hiểu vì lý do gì, lâu nay không tiến hành thu mua cho bà con… nên đành cắn răng chặt bỏ, chuyển đổi cây trồng khác!” – ông Xuân thở dài ai oán.
Trong khi đó, ông Lục Bình Dân – Trưởng thôn Đồng Quan không khỏi bức xúc: Thời điểm năm (1998-1999) phía C.ty cao su Thanh Hoá đã về hợp đồng với bà con nhân dân một số điều khoản rõ ràng. Phía C.ty bỏ số vốn đầu tư ban đầu (về giống, về phân bón và công chăm sóc) với điều kiện không thu lãi nguồn phí đầu tư ban đầu; ngược lại họ bảo mượn “sổ đỏ” của hàng trăm hộ dân với lý do để thống kê diện tích sau đó sẽ trả lại ngay. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhân viên của C.ty lại đến các hộ dân yêu cầu ký lãi vốn đầu tư ban đầu một cách khó hiểu?! Và bức xúc hơn là chuyện “mượn sổ đỏ” của bà con nông dân đến nay đã gần 20 năm C.ty vẫn không chịu trả lại cho các hộ dân!?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng bà con nông dân tự ý chặt bỏ cao su diễn ra ngày một nhiều, chuyện chặt bỏ cao su không chỉ dừng lại tại một xã Hoá Quỳ mà một vài năm trở lại đây đã diễn ra trên hầu khắp các xã Xuân Bình, Xuân Quỳ, Cát Vân, Cát Tân… Nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn thì thực trạng chặt bỏ cao su sẽ lan rộng như một phong trào, khó có thể kiểm soát.
Đống gỗ cao su nằm ngổn ngang tại thôn Đồng Tân.
Công ty Cao su Thanh Hóa “đem con bỏ chợ”?
Cao su mất giá, số diện tích cao su thưa không cho giá trị thu hoạch mủ… chỉ là một trong số ít những nguyên nhân khiến bá con nông dân không còn mặn mà với cây cao su, mà nguyên nhân sâu xa là việc bà con nông dân đang phải “tự bơi” với chính cây cao su một thời đem lại cuộc sống no đủ! Số diện tích cao su chặt bỏ thì người dân lo lắng không biết việc làm trên có đúng? Còn với số diện tích cao su đang cho thu hoạch thì việc C.ty cao su Thanh Hoá không thu mua mủ cao su của bà con đang gây ra khó khăn nhất định cho các hộ gia đình.
Cũng từ đây, tình trạng xuất hiện các đầu nậu, tiểu thương đứng ra kinh doanh, thu mua mủ cao su xuất hiện ngày càng nhiều. Tình trạng tranh giành, ép giá gây rối loạn thị trường cũng diễn ra phức tạp. Cụ thể, sản phẩm thu mua trực tiếp với bà con từ 9 -10 nghìn đồng/kg mủ tươi; 20-21 nghìn đồng/mủ khô,và bán ra là 11-12 nghìn đồng/kg mủ tươi và 22-23 nghìn đồng/kg mủ khô.
Trước thực trạng trên, từ năm 2014 UBND huyện Như Xuân đã nhiều lần ra Công văn gửi tới các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhằm tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm tình trạng bà con tự ý đốn hạ cao su. Ông Phạm Văn Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Toàn huyện có hơn 6.000 ha cao su, trong đó 1.600 ha là hợp đồng giữa Công ty cao su Thanh Hoá với các hộ dân, còn lại là diện tích cao su do các hộ đứng ra trồng. “Tình trạng chặt bỏ cao su diễn ra lẻ tẻ thời gian qua, nguyên nhân do giá mủ cao su xuống thấp, thu nhập của bà con đi xuống; mật độ cây cao su không đảm bảo nên bà con tự ý chặt, tỉa…” – Ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay giá mủ cao su trên địa bàn huyện là 23 nghìn đồng/1kg mủ khô, 1ha cao su cho khoảng 1 tấn mủ khô, thì khi bán đi vẫn được 23 – 24 triệu/ ha/ năm. Thời gian khai thác cũng chỉ mất 8 tháng, thời gian khai thác trong ngày cũng chỉ làm mất 3 - 4 giờ, thời gian còn lại bà con có thể là việc khác. Như vậy, thu nhập từ cây cao su vẫn có, công lao động mỗi người 1 ngày cũng được khoảng 200.000 đồng/ người. Việc Công ty có đặt một điểm thu mua ở xã Hoá Quỳ nhưng nay họ không mua nữa. Tuy nhiên, các điểm hợp tác xã vẫn tập trung thu mua cho bà con.
Trong khi đó, ông Trịnh Quang Tuấn – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Như Xuân cho rằng, việc các hộ dân khai thác, chặt bỏ cây cao su không có đơn, không có chủ trương là sai với quy định, nhưng khi xử lý thì Hạt kiểm lâm chỉ có thể xử phạt về quy trình và thủ tục hành chính không có tính răn đe cao (mức phạt từ 500.000 – 1000.000 đồng); số gỗ cao su cũng không thể thu giữ. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, giám sát địa bàn, Hạt kiểm lâm cũng thường xuyên nhận được đơn thư của bà con nông dân phản ánh việc Công ty cao su thu giữ sổ đỏ của các hộ dân gần 20 năm không chịu hoàn trả, cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho bà con nông dân mất niềm tin vào phía Công ty cao su cũng như với chính cây cao su họ hợp đồng với phía Công ty này.