Nhà biên kịch Phan Huyền Thư: Đã đủ tử tế để mua vé xem phim Việt, về đừng 'đâm' nó trên bàn phím

Cẩm Thúy (thực hiện) 09/09/2016 13:05

Không còn bầu sữa mẹ dinh dưỡng bao cấp, dòng phim “cách mạng chính thống” Việt Nam (cho dù 60 năm vẫn chưa cai sữa ấy) tất nhiên sẽ suy dinh dưỡng, còi cọc.

Nhà Biên kịch Phan Huyền Thư.

PV: Theo cách nhìn của chị, phim Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn nào? Đang rất phát triển hay đang rất thụt lùi?

Phan Huyền Thư: Cả hai. Đang cố gắng loay hoay tìm đường “phát triển” bằng cách đi giật lùi. Quý hồ tinh bất quý hồ đa.

Chúng ta đang có những rạp phim hiện đại chưa từng có, lại cũng không thể nói là khán giả quay lưng với phim ảnh (bằng chứng là các rạp phim tư nhân được đầu tư hiện đại và đông khách xem phim nước ngoài). Vậy vì sao điện ảnh Việt Nam lại ở trong tình trạng như chị vừa nói?

- Không còn bầu sữa mẹ dinh dưỡng bao cấp, dòng phim “cách mạng chính thống” Việt Nam (cho dù 60 năm vẫn chưa cai sữa ấy) tất nhiên sẽ suy dinh dưỡng, còi cọc. Các hãng phim tư nhân, các nhà làm phim và sản xuất tự phát tuy vừa mới “biết lật, biết lẫy” với thị trường phim tư nhân cho dù có muốn quăng mình ra bươn chải, bay lượn mà lại sa vào các loại lưới của kiểm duyệt và húc đầu vào diều hâu, đại bàng với khối lượng khổng lồ các phim bom tấn của nước ngoài… Giờ phút này vẫn có người dám đầu tư làm phim ra rạp thì ai chứ, cá nhân tôi thấy quá thán phục, có khi còn lo rằng hình như họ chót “uống nhầm thuốc”.

Muốn có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, có nhất thiết phải có chiến lược từ phía nhà nước không hay tự thị trường sẽ tạo ra điều đó? Thưa chị!

- Tôi đang tự hỏi, có cần thiết phải nghiến răng duy trì một “nền điện ảnh” ở Việt Nam không? Rất nhiều nước trên thế giới không duy trì nền điện ảnh, họ vẫn có phim hay, vẫn có đề cử Oscar, rạp vẫn đông khách. Họ chấp nhận ngay từ đầu việc tồn tại các nhà làm phim độc lập, các nhà sản xuất, các hãng tư nhân và hợp tác sản xuất liên danh với những hãng phim đa quốc gia, phim họ ra rạp ầm ầm, mà ra nhiều rạp một lúc trên nhiều nước… họ có so bì với ai đâu? Cũng chẳng thèm nghĩ đến một nền công nghiệp điện ảnh…họ cứ là mình thôi, thế là vẫn có phim hay, vẫn có khán giả, vẫn có nghệ sĩ điện ảnh sống và hoạt động…

Nhân việc phim Tấm Cám vướng mắc ở vấn đề phát hành, chị có quan điểm gì về việc này? Có nên đặt câu chuyện này trong vấn đề liên quan đến bảo hộ phim trong nước hay không?

- Tôi không phải là nhà sản xuất, cũng không phải người phát hành, không có quyền hạn gì hết trong các khâu liên kết, kinh doanh… giữa các đơn vị sản xuất và kinh doanh phim. Tôi chưa đi xem Tấm Cám nên không phát ngôn gì về vụ việc này được.

Tôi cho rằng, một cách đứng đắn, lành mạnh (và đầy tinh thần công dân) chúng ta nên đến rạp mua vé ủng hộ cho các nhà làm phim Việt Nam. Đã là ủng hộ thì mua vé xem để thấy nó chưa hay ở chỗ nào. Lần sau xem phim khác, vẫn tiếp tục tinh thần ấy, để xem đã hay hơn tí nào chưa… Và tuyệt đối không đi xem phim với tinh thần “mất tiền mua mâm, về bà đâm cho thủng” trên bàn phím. Không đủ tử tế như vậy thì thôi, để tiền làm từ thiện, tiêu dùng cá nhân, hoặc dùng hàng Việt Nam để khích lệ lòng yêu nước. Với phim nước ngoài, cho dù bom tấn, bộc phá hay lựu đạn, tôi cũng chỉ xem trên HBO, Cine Max là đủ nhu cầu không tụt hậu. Cá nhân tôi chống lại chủ nghĩa xâm thực văn hóa nên Hàn, Nhật, Mỹ, Nga, Anh, Pháp… gì thì gì. Tôi không có nhu cầu nâng niu và bảo vệ như văn hóa Việt Nam.

Nhắc đến tinh thần dân tộc, tôi chợt nghĩ rằng, hơn 4000 năm qua, cả dân tộc này đều biết, khi An Dương Vương cho Trọng Thủy đến ở rể, ông không bao giờ nghĩ đến một ngày phải cầm gươm chặt đầu con gái mình… Tôi đang tự hỏi, sao các nhà quản lý và phát hành phim Việt Nam không đặt hàng cho ai đó làm phim về Mỵ Châu nhỉ.

Cá nhân mình, chị có thể chia sẻ về dòng phim tài liệu mà chị đã làm, và đất sống của nó thế nào ở thị trường Việt Nam?

- Tôi chưa bao giờ có tham vọng gì về dòng phim Tài liệu ở Việt Nam. Người thích hoa mỹ thì tự phong mình là người “Chép sử bằng hình ảnh”; người thích nghiêm trọng thì nhận mình “Đồng hành cùng dân tộc”; người thực dụng thì cho rằng mình là những “nhà báo tiên phong sử dụng ngôn ngữ hình ảnh làm vũ khí”… Hai mươi năm trong nghề làm phim Tài liệu, tôi chỉ thấy có một lực lượng “công nhân nghệ thuật” ở Việt Nam đã hình thành, lớn mạnh, sung sức và bây giờ già nua, héo mòn, thều thào với một ngực huy chương và danh hiệu… Giữa khán giả và phim hay, họ đã chọn giải thưởng và danh hiệu, đúng định hướng và an toàn. Họ đã có tất cả những gì họ muốn… trừ khán giả và nghệ thuật đỉnh cao.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

Cẩm Thúy (thực hiện)