Đại học không còn là lựa chọn hàng đầu
Mùa tuyển sinh 2016, mặc dù đã qua hai đợt xét tuyển nhưng vẫn còn rất nhiều trường đại học (ĐH) thiếu hàng nghìn chỉ tiêu. Điều này đã đặt ra cho những nhà chuyên môn, các chuyên gia giáo dục câu hỏi, thí sinh (TS) đã đi đâu? Có hay không sự thay đổi trong xu thế lựa chọn nghề nghiệp của TS?
Các thí sinh trong một buổi tư vấn hướng nghiệp tại HN.
Nhiều thí sinh không nộp hồ sơ xét tuyển
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, trong đợt 1, tổng số TS đạt điều kiện xét tuyển ĐH là 404 nghìn. Tuy nhiên chỉ có 398 nghìn TS đăng ký xét tuyển, và xác nhận nhập học là 230 nghìn. Tỉ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 230 nghìn/320 nghìn, đạt gần 72%.
Còn ở đợt xét tuyển bổ sung, đã có 48.860 TS đăng ký xét tuyển vào 80.950 lượt trường với 144.600 nguyện vọng… Cộng cả lượng TS đã xác nhận nhập học đợt 1 và TS đăng ký đợt bổ sung, thì vẫn còn hàng trăm nghìn TS trên mức điểm sàn có thể có dự tính khác, mà không vào ĐH.
Phía Bộ GD&ĐT cũng nhận định rằng, trong đợt bổ sung này có rất nhiều TS đủ điều kiện tham gia xét tuyển nhưng không nộp hồ sơ, đồng thời cũng có nhiều TS chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào 1 trường duy nhất và bình quân mỗi TS chỉ đăng ký 3 nguyện vọng trên tổng số 6 nguyện vọng các em được phép đăng ký tối đa.
Về vấn đề này, lãnh đạo một số trường ĐH khẳng định, có thể tư duy về nghề nghiệp trong các em đã có thay đổi, không còn “sính” ĐH như trước nữa. Lí do thì nhiều, nhưng có lí do dễ nhìn thấy nhất, là hàng trăm nghìn cử nhân ra trường thất nghiệp, đã ảnh hưởng tới tâm lý của TS.
GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân nêu ý kiến: Đã có nhiều TS không lựa chọn ĐH mà chuyển hướng sang học nghề, điều này thể hiện ngay trong số lượng TS đăng ký thi THPT chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp tăng mạnh trong năm nay. Ngoài ra còn khá nhiều TS có đăng ký để lấy kết quả ĐH, nhưng dùng kết quả đó để học nghề. Lí do là học nghề thời gian ngắn, ít tốn kém, ra trường dễ kiếm việc làm.
Theo ông Đạt, xu hướng học nghề đang ngày một gia tăng là xu hướng tích cực, một kết quả tốt trong phân luồng sau THPT ở nước ta hiện nay.
Cùng với sự phát triển ngày càng hoàn thiện hơn của thị trường lao động, tinh thần “khởi nghiệp” của lớp trẻ, các phụ huynh và TS ngày càng có sự lựa chọn phù hợp hơn, không cố sức vào ĐH nữa mà đã cân nhắc rất cẩn thận việc học cấp nào, trường nào, ngành gì…
Quan tâm hơn đến thị trường việc làm
Đây cũng là hướng mà qui chế tuyển sinh năm nay Bộ GD&ĐT hướng đến. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Qui chế năm nay ưu tiên cho TS chọn ngành mà các em yêu thích, không khuyến khích các em “cố” đỗ vào ĐH bất cứ ngành nào. Khi trao cho TS quyền được lựa chọn như vậy, rõ ràng mỗi TS sẽ tùy thuộc hoàn cảnh, ước mơ của mình để đưa ra quyết định.
Rất nhiều TS đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích đã không nộp đơn xét tuyển vào ngành khác mà chấp nhận học lại để sang năm thi. Mặt khác, cũng có rất nhiều trường tuyển sinh xét bằng học bạ nên nhiều TS đã trúng tuyển vào các trường này, đúng ngành nghề mà các em yêu thích. Bên cạnh đó cũng có những em đi học nước ngoài, đi học nghề hoặc tham gia thị trường lao động…
“Vào ĐH ngày nay không còn là con đường lựa chọn duy nhất nữa, mà TS có nhiều sự lựa chọn các con đường khác để lập thân, lập nghiệp”- ông Ga nhận định.
Nói đến những lí do khiến TS chuyển hướng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Thị trường việc làm là yếu tổ ảnh hưởng đầu tiên đến sự lựa chọn của TS. Nếu những năm trước đây khối ngành kinh tế, quản lý, ngân hàng… được nhiều TS lựa chọn thì nay khối ngành kỹ thuật công nghệ tuyển sinh thuận lợi hơn. Thứ hai là ý thức phân luồng của TS ngày nay cũng rõ ràng, những TS thấy khả năng học ĐH không tốt thì đã chọn đi học nghề ngay từ đầu, chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp.
Yếu tố chi phối nữa được Thứ trưởng đề cập là mức học phí. Trước đây học phí thấp, sinh viên không phải tốn kém nhiều nên tâm lý chung là cứ vào ĐH để có bằng, việc làm tính sau. Nay học phí cao hơn ở cả trường công lẫn trường tư, TS buộc phải tính toán về hiệu quả đầu tư.
Từ những phân tích trên, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT góp ý với các trường ĐH rằng, cần phải chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu thị trường. Hiện nay, chỉ tiêu các trường công bố mới chỉ dựa vào năng lực tối đa đào tạo của trường, chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành nghề khác nhau.
Tuy nhiên, ông Ga cũng đồng tình, việc xác định được nhu cầu của thị trường lao động đối với các trường cũng rất khó. Các dự báo nhu cầu nhân lực chưa cung cấp đủ độ tin cậy cần thiết để các trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh hằng năm cũng như chiến lược phát triển lâu dài.
TS chọn ngành thường theo nhu cầu thị trường lao động hiện tại mà quên rằng các em vào học năm nay thì 4-5 năm sau mới ra trường và khi đó thị trường lao động đã có sự thay đổi đáng kể. Điều này cũng là một yếu tố gây khó cho các trường. Một số ngành do thiếu người học phải dừng đào tạo, nhưng 4-5 năm sau thị trường lao động lại cần đến, các trường lại phải tái khởi động...
Các trường cần xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng và giới hạn tăng qui mô của các trường. Không nên bằng mọi cách tuyển cho đủ chỉ tiêu mà hạ thấp chất lượng. Có như vậy các trường mới phát triển bền vững lâu dài.