Qua Ải Chi Lăng
Du khách tới thăm Lạng Sơn đều rất ấn tượng với những bản làng của người Nùng ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Nơi đây có Ải Chi Lăng nổi tiếng, gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ nước, chống giặc ngoại xâm.
Từ đường Quốc lộ 1A nơi có tấm bảng di tích lịch sử “Ải Chi Lăng” rẽ vào con đường với nhiều đèo dốc, sỏi đá lởm chởm, đi chừng khoảng 30 - 40km nữa mới tới được các bản Co Hương, Thằm Nà và Suối Mạ của người Nùng. Tuy đi lại khó khăn, nhưng vùng đất này được thiên nhiên ban tặng những cảnh đẹp làm say đắm lòng người.
Khu Di tích Ải Chi Lăng.
Du khách tới đây như lạc vào vùng cao nguyên xanh, những đàn dê, đàn ngựa của đồng bào nhởn nhơ gặm cỏ. Cuộc sống thôn dã ở đây luôn yên ả. Sự mến khách, lối sống, ẩm thực độc đáo của đồng bào cũng để lại cảm xúc khó quên trong lòng mỗi người khi có dịp qua đây.
Trẻ em ở bản Co Hương.
Người Nùng có thêu họa tiết và chắp vải. Đường nét mềm mại, uyển chuyển, điển hình gần gũi với hiện thực, tự nhiên, mầu sắc êm dịu, chuyển sắc tinh thể gần với màu trong thiên nhiên. Họ còn có nhiều thủ thuật sử dụng sáp ong để tạo họa tiết trên vải màu chàm, trong đó có cách vẽ sáp ong để tạo thành đường nét trang trí cũng đáng lưu ý về giá trị thẩm mỹ.
Người Nùng có thêu họa tiết và chắp vải lạ mắt.
Những năm gần đây, bà con còn kết hợp chăn nuôi, trồng lúa với trồng cây công nghiệp, cây ăn quả để phát triển kinh tế. Đặc biệt là cây na lại bén “duyên” với vùng đất này.
Nhà sàn người Nùng.
Bản người Nùng ở huyện Chi Lăng vẫn còn đó ngôi nhà sàn truyền thống. Đi thăm mỗi bản làng các dân tộc Nùng du khách còn được nghe những làn điệu hát then truyền thống. Trước vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc, tiếng đàn Tính, những câu hát then dìu dặt, như hoà quện trong tiếng gió... Và những làn điệu then được truyền dạy qua các thế hệ.
Truyền dạy hát Then.