Hồi sinh tranh Kim Hoàng
Trong số các dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, tranh Kim Hoàng được nhắc đến nhiều, nhưng thường đi kèm với sự xót xa: Đây là dòng tranh đã thất truyền! Hiện đang có những nỗ lực để hồi sinh tranh Kim Hoàng, và bước đầu đã có kết quả nhất định.
Bản khắc tranh Kim Hoàng hiện đại dựa theo họa tiết ở đình làng Vân Canh.
Nỗ lực đưa tranh Kim Hoàng trở lại
Nếu người Bắc Ninh tự hào về tranh Đông Hồ, người Huế tự hào với tranh làng Sình thì người Hà Nội tự hào với 2 dòng tranh dân gian là tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng. Nếu tranh Hàng Trống hiện còn duy nhất một gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên giữ được thì tranh dân gian Kim Hoàng từ lâu đã bị mai một.
Làng Kim Hoàng xưa, nay là xã Vân Canh thuộc huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội. Trăm năm trước, với nghề làm tranh Kim Hoàng, bà con làng Kim Hoàng tất bật mưu sinh, làng nghề rộn rịp.
Nhưng thời gian chảy trôi, làng tranh xưa đã không còn ai giữ được những bản khắc, cũng như không còn ai biết về nghề làm tranh Kim Hoàng. Bà Nguyễn Thị Thu Hòa- Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cho biết, trong quá trình đi sưu tập các dòng tranh dân gian, bà đặc biệt lưu ý đến tranh Kim Hoàng. Nghe các cụ cao niên trong làng Vân Canh kể lại, tranh Kim Hoàng bị thất truyền từ năm 1915. Khi đó một trận lụt rất lớn đã cuốn trôi mất khá nhiều ván in, cộng với mất mùa, đói kém khiến cho dòng tranh suy thoái và hoàn toàn biến mất vào năm 1945. Vậy là một quá khứ huy hoàng của tranh Kim Hoàng đã hoàn toàn biến mất khỏi đời sống.
“Khi về xã Vân Canh, hỏi về tranh Kim Hoàng rất nhiều người không hề biết, không còn ký ức gì, khiến tôi thật sự bất ngờ. Cả làng giờ chỉ còn 1 cụ bà ngoài 80 tuổi có nhớ chút ít, vì hồi nhỏ có đi bán tranh Kim Hoàng ở chợ quê”, bà Thu Hòa cho biết. Chính điều ấy đã thôi thúc bà Hòa cùng các cộng sự nỗ lực tìm kiếm và khát khao khôi phục được dòng tranh dân gian độc đáo của người Hà Nội.
Bà Thu Hòa (bên trái) trao đổi với các cụ cao niên ở làng Vân Canh.
Bà Hòa kể, trong quá trình đi tìm lại bản khắc của tranh Kim Hoàng, đã may mắn mua được một ván áo quan có đầy đủ 10 bức tranh Kim Hoàng, trong khi bản khắc chỉ có nhiều nhất là 6 bức. Nhà sưu tầm nhận định, ban đầu tranh Kim Hoàng chủ yếu phục vụ thờ cúng, sau này phát triển theo nhu cầu cuộc sống như trang trí nhà cửa… Hiện chỉ còn vài tranh như “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”, “Gà”, “Lợn” (2 tranh sau này còn ván in lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Một số tranh khác in trong tài liệu xuất bản của người Pháp.
Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho rằng, tranh Kim Hoàng có đủ loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời là tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Nhưng tranh Kim Hoàng lại biết kết hợp nhiều ưu điểm của 2 dòng tranh đó. Chính vì thế dòng tranh này mang những giá trị riêng.
“Ngoài ra, tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt, là những câu thơ Hán tự được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ cho tranh”, bà Hòa nói. “Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều, hoặc giấy vàng tàu nên còn được gọi là tranh Đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cách riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Điều này khiến tranh Kim Hoàng đa dạng, và được ưa chuộng”.
Biết bao giờ làng Vân Canh sẽ có một khu vực dành riêng cho các nghệ nhân làm tranh, qua đó dần hình thành một địa chỉ du lịch văn hóa, tương tự như tranh Đông Hồ (Bắc Ninh). Có như vậy, tranh Kim Hoàng mới trở lại đời sống, làm rực rỡ hơn bản đồ các dòng tranh dân gian Việt Nam.
Giới thiệu những mẫu tranh mới
Bà Thu Hòa cũng may mắn được xem cuốn sách của người Pháp xuất bản, trong đó có những bức tranh Kim Hoàng. Với mong muốn gìn giữ và phát triển dòng tranh Kim Hoàng vốn đã bị thất truyền hơn nửa thế kỷ qua, bà Hòa đã nhờ nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa để phục dựng các bản khắc.
Bước vào triển lãm giới thiệu 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam vừa khai mạc ngày 18-8 tại Bảo tàng Hà Nội (mở cửa từ thứ Ba đến Chủ nhật hàng tuần, dự kiến kéo dài đến hết năm 2016), công chúng được tiếp cận với những bản khắc và một số bức tranh Kim Hoàng đã được khôi phục theo các tài liệu của Pháp. Đồng thời, một số bản khắc mới cũng bước đầu được công bố.
Tranh Kim Hoàng (được in theo bản khắc phục chế).
Bà Thu Hòa không giấu nổi niềm vui khi dự án khôi phục tranh Kim Hoàng đã và đang có những tín hiệu tích cực. Theo đó, bước đầu đã xác định được cách pha màu mực in tranh Kim Hoàng.
Bà Thu Hòa cho biết: Tranh Kim Hoàng thường tô thêm 3 màu sắc: trắng tinh, xanh lá cây nhạt, màu hồng tím. Màu sắc nền tranh trong tư liệu là màu cam, nhưng là màu theo thời gian đã bị phai màu. Trong khi đó, Tranh Kim Hoàng còn gọi là tranh Đỏ, người dân hay mua vào dịp Tết để treo cho may mắn, bình an.
Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn gian nan, khi kế hoạch bà đưa ra với nhiều tham vọng. Đầu tiên là triển khai khôi phục lại khoảng 50 mẫu tranh cũ của tranh Kim Hoàng còn tồn tại phần lớn là tranh sinh hoạt của con người, các tích truyện, chỉ có 4 mẫu là gà và lợn, được in trên nền cam đỏ đặc trưng, nét vẽ thanh mảnh, mộc mạc. Tiếp theo nhờ hai họa sĩ khắc gỗ thiết kế mẫu tranh Kim Hoàng mới, căn cứ vào những đề tài dân tộc, những họa tiết trang trí trong đình làng Vân Canh. Cụ thể, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa thiết kế 10 mẫu tranh dân gian Kim Hoàng trên hình ảnh được chạm khắc trên đình làng Kim Hoàng; họa sĩ Trần Nguyên Đán thiết kế 10 mẫu tranh dân gian Kim Hoàng đề tài Thuyền - Hà Nội - Hội An. Một số mẫu này đang được trưng bày tại triển lãm để tham khảo các ý kiến góp ý.