Facebook hứng 'gạch đá' vì xóa ảnh 'Em bé Napalm'
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg mới đây đã chịu chỉ trích nặng nề từ một tờ báo lớn nhất của Na Uy vì đã xóa bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh ở Việt Nam. Tờ báo này đã kêu gọi Zuckerberg nhận thức tốt hơn về vai trò “biên tập quyền lực nhất thế giới” của mình.
Ông Hansen đã công bố bức thư gửi cho Facebook trên tờ báo lớn nhất của Na Uy mà ông làm chủ biên (TheVerge).
Ông Espen Egil Hansen, Tổng biên tập và Giám đốc điều hành của tờ Aftenposten, trong bức thư của mình đã cáo buộc Mark Zuckerberg “lạm dụng quyền lực” trên chính mạng xã hội mà mình điều hành để ngăn chặn dòng chảy của thông tin và tin tức trên toàn thế giới; nói rằng: “Tôi rất bức xúc và thất vọng về những gì mà anh đã làm trong xã hội dân chủ của chúng ta”.
Sự việc bắt đầu từ quyết định xóa một bài viết của nhà báo Na Uy Tom Egeland có nội dung về chiến tranh, trong đó gồm 8 bức ảnh. Trong số 8 bức ảnh ông đăng tải có bức ảnh của phóng viên ảnh Nick Út, chụp cô bé Kim Phúc vào tháng 6/1972 khi ngôi làng của cô bị trúng bom napalm. Trong ảnh, Kim Phúc lúc đó mới 9 tuổi, và trên người không mặc quần áo, toàn thân bị bỏng, vừa chạy vừa khóc.
Sau đó, Egeland bị Facebook chặn tạm thời. Khi tờ báo Aftenposten phàn nàn về sự việc này, họ đã nhận được một thông điệp từ Facebook trong đó yêu cầu họ “hoặc phải gỡ bỏ hoặc làm mờ” bức ảnh trên. Nhưng trước khi tờ Aftenposten kịp đưa ra phản ứng thì Facebook đã xóa luôn cả bài viết và bức ảnh khỏi tài khoản Facebook của họ.
Trong bức thư mở gửi tới Facebook, ông Hansen đã chỉ ra rằng quyết định xóa bức ảnh trên đã cho thấy sự bất lực của hãng này trong việc “phân biệt giữa hình ảnh phản cảm và các bức ảnh chiến tranh nổi tiếng”, cùng lúc cho thấy sự không sẵn lòng “tiếp nhận các đánh giá đúng đắn”.
“Dù tôi là Tổng biên tập của tờ báo lớn nhất Na Uy, nhưng tôi phải thừa nhận rằng anh đang hạn chế tôi thực hiện trách nhiệm của một biên tập” - ông Hansen viết - “Tôi nghĩ rằng anh đang lạm dụng quyền lực, và tôi tin rằng anh vẫn chưa suy nghĩ thông suốt về điều này”.
Quyết định của Facebook cũng bị nhiều người dân Na Uy phản ứng, và họ liên tục đăng tải lại bức ảnh này. Để đáp lại, Facebook cũng liên tục xóa bức ảnh. Hiện phía công ty này vẫn chưa có bình luận gì về sự việc.