ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận tránh va chạm bất ngờ trên Biển Đông
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đạt thỏa thuận về áp dụng Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông, lập đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao về các tình huống khẩn cấp trên biển.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết: Trong ba ngày từ 6-8/9/2016, tại Thủ đô Viên-chăn, đã diễn ra 11 Hội nghị Cấp cao, gồm Cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29, các Cấp cao ASEAN+1 với các đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, Liên Hợp Quốc), Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS). Đây là dịp đầu tiên Lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác nhóm họp sau khi ASEAN chính thức hình thành Cộng đồng vào ngày 31/12/2015.
Tại các Hội nghị, các Lãnh đạo đã tập trung trao đổi về tình hình và phương hướng tăng cường hợp tác giữa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm với 3 trọng tâm sau:
Thứ nhất, về hợp tác ASEAN, các Lãnh đạo đánh giá cao các kết quả tích cực của ASEAN ngay trong năm đầu tiên của Cộng đồng thông qua triển khai tích cực và hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Về chính trị, an ninh, các nhà Lãnh đạo đã trao đổi nhiều nội dung và biện pháp để thực hiện hiệu quả Kế hoạch tổng thể về chính trị-an ninh của ASEAN đến 2025, đóng góp thiết thực vào việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh ở khu vực, coi đây là tiền đề cho sự phát triển bền vững của mỗi thành viên và Cộng đồng ASEAN; tập trung phát huy thế mạnh của ASEAN trong việc xây dựng và phát huy các chuẩn mực ứng xử như mở rộng các nước tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á-TAC, thúc đẩy thực hiện hiệu quả DOC và xây dựng COC; tiếp tục đề cao tầm quan trọng của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, coi đây là nhân tố quan trọng không chỉ quyết định thành công của ASEAN, nâng cao khả năng xử lý các thách thức khu vực, mà còn nâng cao uy tín và vị thế của ASEAN ở khu vực và quốc tế; cam kết tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả các dòng hành động trong thời gian tới.
Về kinh tế, thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư là một nội dung được các nhà Lãnh đạo ASEAN và các đối tác rất quan tâm và có nhiều cam kết cụ thể nhằm thuận lợi hóa hơn nữa các hoạt động thương mại, đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ASEAN. Các nhà Lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thúc đẩy cụ thể hóa Kế hoạch Tổng thể Kinh tế đến 2025. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần này, Lãnh đạo các nước ASEAN đã có các hoạt động gặp gỡ, trao đổi với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).
Về văn hóa-xã hội, kết nối khu vực, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã xem xét và thúc đẩy triển khai chương trình công tác cụ thể của các kênh chuyên ngành văn hóa-xã hội như về lao động, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, thông tin truyền thông, thanh niên, văn hóa... hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm; thông qua Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Chương trình Công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN giai đoạn 3 về thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm hỗ trợ tiến trình xây dựng Cộng đồng; nhất trí gắn kết triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững; hoan nghênh Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân bắt đầu có hiệu lực, qua đó tạo thuận lợi hơn nữa cho việc đi lại của người dân, người lao động, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Về tổ chức bộ máy, ASEAN chú trọng nâng cao hiệu quả thực thi, theo đó đã thiết lập các cơ chế theo dõi-đánh giá ở cả 3 trụ cột nhằm bảo đảm tiến độ triển khai và sớm xác định các khó khăn để khắc phục; thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động và phối hợp của các cơ quan ASEAN.
Thứ hai, về quan hệ đối ngoại của ASEAN, Hội nghị đã ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ, thực chất trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.
ASEAN hiện có 11 đối tác đối thoại, trong đó có 7 đối tác chiến lược là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc, Niu Di-lân. Tại các Hội nghị lần này, tất cả các đối tác đều khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, mong muốn tăng cường hợp tác thực chất và toàn diện với ASEAN thông qua nhiều chương trình, sáng kiến và biện pháp cụ thể và cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, tăng cường liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó với các thách thức chung của khu vực và toàn cầu cũng như ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Về phần mình, ASEAN khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác , đề nghị triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác hiện có, tập trung vào các lĩnh vực các bên cùng quan tâm và có thế mạnh như thương mại, đầu tư, tài chính, phát triển bền vững, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, du lịch, giáo dục, công nghệ thông tin, văn hóa, giao lưu nhân dân, ứng phó các thách thức xuyên quốc gia.
Có thể nói, cùng với những nỗ lực, thành công của ASEAN trong những năm qua trong việc duy trì ổn định, phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường liên kết khu vực, quốc tế, nhất là việc hình thành Cộng đồng ASEAN cuối năm 2025 và định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN thời gian tới hướng tới một Cộng đồng rộng mở, có vai trò và đóng góp tích cực vào cộng đồng toàn cầu, ASEAN ngày càng thu hút sự quan tâm, và có vị trí quan trọng ở khu vực và trên trường quốc tế.
Thứ ba, trong thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các Lãnh đạo đều chung nhận định tình hình quốc tế và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề mang tính đa diện, xuyên quốc gia, đòi hỏi nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế như khủng bố, bạo lực cực đoan, an ninh hàng hải, tội phạm mạng, buôn bán người, di cư, biến đổi khí hậu, thiên tai, bệnh dịch truyền nhiễm như zika. Các nước đều nhất trí tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, hỗ trợ nâng cao năng lực để ứng phó hiệu quả với các thách thức này.
Các nước cũng trao đổi về diễn biến phức tạp tại một số khu vực như Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Trung Đông. Về Biển Đông, các nhà Lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, xác định đây là điều kiện tiên quyết cho hợp tác và phát triển.
Trước những diễn biến gần đây, các nhà Lãnh đạo kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông; cùng nỗ lực, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử để tránh va chạm bất ngờ trên biển ở Biển Đông; Tài liệu hướng dẫn vận hành đường dây nóng giữa Quan chức Cao cấp của các Bộ Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về ứng phó với các sự cố khẩn cấp trên biển.
Kết thúc các Hội nghị, đã có gần 50 văn kiện được ký kết, ghi nhận hoặc thông qua. Các Lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN, Một Ứng phó: ASEAN cùng ứng phó với các thảm họa trong và ngoài khu vực. Nhiều văn kiện được thông qua về các lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, trong đó đáng chú ý có Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025, Chương trình Công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN giai đoạn 3 về thu hẹp khoảng cách phát triển; và nhiều tuyên bố khác về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, chống khủng bố, ứng phó với khủng hoảng di cư và buôn bán người...
Có thể nói, Lào là nước Chủ tịch ASEAN 2016 và nước chủ nhà đã có những nỗ lực và đóng góp lớn, góp phần tạo nên thành công chung của các Hội nghị lần này. Trước hết là việc Lào đã thực hiện thành công việc đưa các ý tưởng, mục tiêu của ASEAN từng bước đi vào hiện thực trong năm Chủ tịch ASEAN 2016. Đồng thời, Lào đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm làm Chủ tịch trong việc tổ chức tốt nhiều hội nghị các cấp với nội dung trên cả ba trụ cột của ASEAN là chính trị-an ninh, văn hóa-xã hội và kinh tế. Cùng với đó là nhiều diễn đàn, hoạt động đa dạng khác đã được tổ chức thành công như Hội nghị Doanh nghiệp ASEAN, Nghị viện ASEAN, thanh niên ASEAN... Các công tác an ninh, lễ tân, hậu cần phục vụ Hội nghị đã được đảm bảo tốt.
Thưa ông, ông có thể nói rõ thêm về sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các Hội nghị lần này?
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29 và các Hội nghị Cấp cao liên quan lần này. Bên lề các Hội nghị Cấp cao, Đoàn Việt Nam đã có nhiều hoạt động tiếp xúc song phương quan trọng với Lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác.
Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII và trên cơ sở những nỗ lực triển khai các chương trình, kế hoạch của ASEAN về những cam kết của Việt Nam trong hợp tác ASEAN trong nhiều lĩnh vực, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp trách nhiệm vào thành công của các Hội nghị. Đoàn đã có nhiều hoạt động ở nhiều cấp như tham gia đánh giá về công việc mà ASEAN cùng các đối tác đã triển khai, xây dựng các văn kiện cho các hoạt động của ASEAN, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN trong thời gian tới. Qua đó, Việt Nam đã góp phần vào việc tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường liên kết ASEAN, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng như quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN và đối tác của ASEAN.
Tại tất cả 11 Hội nghị Cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều có các phát biểu quan trọng, chia sẻ các đánh giá và đề xuất các phương hướng và biện pháp thiết thực để làm sâu sắc hơn hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, cũng như quan điểm của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ Việt Nam chia sẻ lo ngại sâu sắc của khu vực và quốc tế về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ những nỗ lực thúc đẩy tình hình ở Biển Đông chuyển biến theo hướng có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển, đề nghị các đối tác tiếp tục đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc và thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện hiệu quả DOC và sớm hoàn thành COC.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đạt thỏa thuận về áp dụng Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông, lập đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao về các tình huống khẩn cấp trên biển; đồng thời đề nghị hai bên phấn đấu hoàn tất COC ngay trong năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ký DOC (2002) và 50 năm thành lập ASEAN.