Trường chuyên: Điều kiện tốt để học sinh phát triển
Câu chuyện về trường chuyên, lớp chọn lại được hâm nóng khi năm học mới vừa bắt đầu. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia ngành giáo dục đã có những trao đổi thẳng thắn và thấu đáo.
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Học sinh chuyên không phải “gà nòi”
Theo PGS TS Nguyễn Thế Khôi, một nhà khoa học, một nhà giáo có nhiều năm gắn bó với đội tuyển Olympic Vật lý Việt Nam, hiện nay nhiều người quan niệm giáo dục Việt Nam nặng về luyện thi, luyện “gà nòi” ngay từ khi trẻ bắt đầu đến trường, vì vậy, đạt giải cao ở các kỳ thi quốc tế là điều không bất ngờ. Nhưng thế nào là “gà nòi”, là xấu hay tốt?
Theo ông Khôi, trong một xã hội, trong một nền giáo dục luôn có sự phân hóa, có những người học giỏi, người học kém.
“Tôi cho rằng không nên cào bằng, đánh đồng tất cả mọi người. Nguyên tắc của sư phạm là cá biệt hóa để giáo dục. Một nền giáo dục tốt là tạo điều kiện cho các em phát triển theo hướng này hay hướng khác phù hợp với khả năng của các em. Tức là khuyến khích những người có khả năng học lên để lĩnh hội tri thức ở mức độ cao, còn khuyến khích những em không có khả năng, hứng thú với việc học lên cao đi theo con đường học nghề làm lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì thế, tôi rất không tán thành quan điểm cho rằng Việt Nam đang đào tạo “gà nòi”- PGS.TS Nguyễn Thế Khôi chia sẻ.
Nhìn sang các nước như Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, ông Khôi cho biết công tác đào tạo huấn luyện của họ rất nghiêm. Quan niệm của họ là đã tham dự thì phải có kết quả. Giống như thể thao, nếu nhà nước không có đầu tư thì làm sao có được những HCV mỗi kỳ SEA GAMES? Vì vậy, việc đào tạo học sinh “mũi nhọn” hay không là tùy vào quan điểm của mỗi nước.
Ở một khía cạnh khác, ông Hoàng Nam Tiến- Chủ tịch FPT Software, cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, đồng thời cũng có con gái theo học ngôi trường chuyên, nhìn nhận: học sinh trường chuyên ngày nay được học bơi, phát triển thể chất, kỹ năng làm việc theo nhóm, thuyết trình… khác khá nhiều so với học sinh chuyên những ngày đầu tiên. Điều đó rất đáng được ghi nhận trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới.
Góp phần đảm bảo công bằng xã hội
Cùng quan điểm này, GS Hà Huy Khoái cho rằng thực ra hệ thống trường chuyên không chỉ tồn tại ở mỗi Việt Nam. Lấy ví dụ ở nước Pháp. Không ai nói rằng ở Pháp tồn tại một hệ thống trường chuyên, nhưng ai cũng biết ở Pháp có một số trường Lycée nổi tiếng như: Louis le Grand, Henri IV, mà chỉ riêng việc là học sinh cũ của các trường đó đã là niềm tự hào suốt đời của nhiều người. Và hầu như mỗi tỉnh của nước Pháp đều có một trường Lycée có thể xem là trường chuyên. Hay ở Mỹ, nếu nhìn vào danh sách những học sinh Mỹ đã từng được giải trong các kỳ IMO, ta thấy họ chỉ thuộc một số rất ít trường.
“Như vậy, có thể nói rằng, hình thức tương tự THPT chuyên tồn tại ở hầu hết các nước, kể cả những nước có nền khoa học phát triển cao. Có thể gọi đó là những trường THPT rất đặc biệt mà thực chất, việc tuyển chọn học sinh, những điều kiện học tập ở đó cũng không khác gì “trường chuyên”- GS Hà Huy Khoái bày tỏ.
Chia sẻ thêm, ông Khoái cho rằng trong điều kiện Việt Nam chưa thể có đủ trường, đủ lớp, đủ thầy giỏi cho một số đông, thì việc tập trung vào đào tạo một số ít nhằm bồi dưỡng nhân tài là một điều không thể tránh khỏi.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những học sinh tài năng xuất thân từ những gia đình nghèo, không có điều kiện theo học những loại hình trường “quốc tế”, trường “chất lượng cao” với học phí cao thì chỉ có thể nhờ vào Nhà nước.
Trên thực tế, đã có rất nhiều em học sinh nghèo, nhờ được học ở các trường chuyên mà trở thành những người xuất chúng trong nhiều lĩnh vực. Như vậy, việc đầu tư vào hệ thống THPT chuyên đã góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Đánh giá đúng về học sinh trường chuyên
GS TSKH Lê Tuấn Hoa- Viện trưởng Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) từng chia sẻ với phóng viên ĐĐK: “Theo suy nghĩ riêng của tôi, trở thành các nhà khoa học thành danh thì phải có thời gian. Sau khi đạt các bạn đạt những thành tích tốt phổ thông, ít nhất 15 năm sau mới đánh giá được.
Khi đó chúng ta mới thống kê xem họ đang ở đâu. Nếu đánh đồng tất cả là biến mất thì không phải. Có khi họ đang đi học, đang ở tạm đâu đó nhưng là những người khiêm tốn không nêu ra nên chúng ta cứ tưởng họ biến mất thì không đúng”.
Cụ thể, để tạo dựng được nguồn lực cho học sinh phổ thông, cho các em chuyên tự nhiên, các nhà Toán học trẻ bắt đầu có đam mê và định hướng, bắt đầu hình thành được không khí xây dựng nhóm nghiên cứu lớn hơn và những công trình toán học chất lượng tốt hơn… thì những trường chuyên là nơi chắp cánh cho nhiều thế hệ học sinh trưởng thành.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực Toán học, không khó để nhận ra, nhiều nhà toán học thành đạt người Việt hiện nay đều là cựu học sinh chuyên Toán. Nhiều cuộc thi như Olympic Toán sinh viên đến nay đã trải qua 24 lần tổ chức cũng ghi nhận những đội mạnh truyền thống từ xưa đến nay như ĐH Bách Khoa Hà Nội, Bách khoa TP HCM, Kinh tế quốc dân, ĐH Khoa học Tự nhiên-ĐHQG Hà Nội… với nhiều sinh viên đến từ các trường chuyên, lớp chọn trên toàn quốc.
Vấn đề là, theo GS Hà Huy Khoái, không nên đặt câu hỏi hệ thống trường chuyên cần hay không mà quan trọng hơn là “chúng ta dạy gì ở trường chuyên và sau trường THPT chuyên, học sinh sẽ làm gì”.