Vinh danh thế hệ nghệ sĩ thời đổi mới
Hơn 50 nghệ sĩ tạo hình có dấu ấn nghệ thuật trong 30 năm qua sẽ tụ họp trong triển lãm nghệ thuật Mở cửa-Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986-2016), tại Hà Nội từ ngày 21 đến 29/9. Triển lãm do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, là dịp tổng kết, đánh giá thành tựu của mỹ thuật nước nhà trong suốt 30 năm qua.
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2015.
Chủ động mời nghệ sĩ
Sở dĩ chọn thời điểm từ năm 1986, cũng bởi đây là cái mốc đánh dấu sự hình thành của một thế hệ tác giả thời kỳ đổi mới, góp phần tạo nên diện mạo của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Triển lãm lần này không thành lập hội đồng nghệ thuật, mà chỉ có 3 giám tuyển: Vi Kiến Thành, Phạm Hà Hải và Nguyễn Đức Bình.
Họ đề cử, chủ động mời nghệ sĩ; không theo cách thức thông báo rồi nghệ sĩ đăng ký tham dự. Bên cạnh đó, mỗi nghệ sĩ sẽ mang tới một tác phẩm, không hạn chế về loại hình, do chính họ lựa chọn. Ban tổ chức đã không chọn các tác giả từng giành giải thưởng Nhà nước, hoặc tác giả đã được giải thưởng của các triển lãm mỹ thuật toàn quốc.
Lý giải điều này họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho hay, triển lãm Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016) mang nhãn quan, điểm nhìn riêng. Các giám tuyển đã đắn đo làm việc mấy tháng trời để tìm ra danh sách nghệ sĩ đủ tin tưởng về mặt nghệ thuật và hoạt động. Các nghệ sĩ đã thành danh và có ý thức tốt về nghệ thuật. Rất may là 3 giám tuyển có quan điểm tương đồng, và khi đưa ra danh sách nghệ sĩ tham dự, phần lớn giới chuyên môn đồng tình.
Thực chất, triển lãm này cũng là nhằm vinh danh một thế hệ họa sĩ thời kỳ đổi mới. Khi có ý tưởng về triển lãm, lúc đầu Ban tổ chức dự kiến lựa chọn trên 100 nghệ sĩ, nhưng rồi số lượng đề cử đã được rút xuống còn hơn 50. Tiêu chí lựa chọn là tác giả có dấu ấn về tạo hình, có ngôn ngữ mới, ảnh hưởng trong hoạt động nghệ thuật đến với công chúng, nghề nghiệp trong 30 năm qua.
Hiện trong danh sách nghệ sĩ tham dự, người lớn tuổi nhất là họa sĩ Trần Lưu Hậu (sinh năm 1928). Tuy đã gần 90 tuổi, nhưng ông vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Người trẻ nhất là Thái Nhật Minh (sinh năm 1984), người duy nhất thuộc thế hệ 8X, được đặt nhiều kỳ vọng. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho hay, trong danh sách nghệ sĩ tham dự, đông đảo nhất là thế hệ 6X, 5X, là thế hệ tham gia trực tiếp, có nhiều đóng góp trong giai đoạn đổi mới.
50 nghệ sĩ, nhiều hay ít?
Có người đặt câu hỏi, chỉ có 50 nghệ sĩ đại diện cho một thế hệ họa sĩ đương đại Việt Nam trong triển lãm tới đây là số ít hay số nhiều? Trước đó, trong một chuyên đề bàn về 70 năm phát triển của mỹ thuật Việt Nam, câu hỏi: Mỹ thuật Việt lâu nay đến với công chúng như thế nào cũng đã được đặt ra. Bởi nhiều năm qua, việc tổ chức các triển lãm thời kỳ đổi mới (gồm Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm điêu khắc toàn quốc hay các triển lãm cấp khu vực…) những câu chuyện tranh cãi ngay trong giới mỹ thuật vẫn là chuyện dài chưa hồi kết.
Thực tế đã cho thấy, dù là sự kiện có qui mô toàn quốc nhưng như hầu như các cuộc triển lãm chỉ thực sự “đông vui” trong ngày khai mạc. Hầu như các ngày sau đó dù BTC có nỗ lực tổ chức rất nhiều hoạt động bên lề thì gần như chỉ lác đác vài người trong nghề đến tham gia. Và một sự thật mà ai cũng nhìn thấy là những triển lãm mỹ thuật chỉ là ngày hội của những người trong giới. Đại đa số công chúng khá hờ hững với những triển lãm mỹ thuật đang diễn ra hiện nay.
Bàn về vấn đề này, họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: Nguyên nhân cũng bởi hoạt động sáng tạo mỹ thuật đang bị thị trường hóa. Không ít người cho rằng tác phẩm đỉnh cao của mỹ thuật không phải ở nội dung tư tưởng, ở ngôn ngữ nghệ thuật mà nằm ở giá bán tác phẩm.
Rồi thị trường mỹ thuật thông qua các gallery mở rộng, các gallery hoạt động mang tính chuyên nghiệp chưa nhiều, nhiều tác phẩm mỹ thuật chất lượng thấp, tranh nhái lẫn lộn trong các tác phẩm trưng bày…Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình đang diễn ra phổ biến nhưng hệ thống luật pháp ở lĩnh vực này chưa đủ để xử lý.
Triển lãm “Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986-2016)” đang được kỳ vọng là một cuộc phô diễn về sức mạnh của giới tạo hình Việt Nam trong 30 năm đổi mới. Đây đồng thời cũng còn là dịp tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước và nghệ sĩ, nhằm phát huy các thành tựu và khắc phục những điều chưa làm được của nền mỹ thuật nước nhà.
Tất nhiên, chỉ sau một triển lãm mà kỳ vọng mọi sự thay đổi ngay lập tức - hẳn chẳng phải là chuyện dễ dàng.