Vụ cá chết hàng loạt tại xã đảo Nghi Sơn – Thanh Hóa: Có thể do thủy triều đỏ

Nguyễn Chung 10/09/2016 19:00

Trong 3 ngày từ 7 đến 9/9, gần 50 tấn cá lồng của người dân nuôi tại xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa) chết nổi trắng bụng, thiệt hại ước tính lên đến khoảng 8 tỷ đồng. Nguyễn nhân khiến gần chục tấn cá lồng của bà con chết đang được các cơ quan chức năng tìm hiểu và không loại trừ khả năng là do thủy triều đỏ gây ra.

Cá Mú loại 1-2kg, loại cá được nuôi chủ yếu ở đây cũng chết hàng loạt.

Theo thống kê của xã Nghi Sơn, từ sáng ngày 7/9, xuất hiện hiện tượng cá lồng của 21 hộ dân nuôi chết hàng loạt, cá biệt có những hộ chết đến 5 tấn cá sắp đến kỳ thu hoạch. Một số hộ dân có số lượng cá chết nhiều, từ 4-5 tấn như hộ ông Nghiêm Văn Hải (thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn), Phạm Văn Thìn (thôn Nam Sơn), Nguyễn Văn Hưng (thôn Nam Sơn), Trần Văn Thạ (thôn Nam Sơn)…

Theo tìm hiểu từ các hộ dân bị thiệt hại cho biết: Khoảng 8h sáng ngày 7/9, nước trong vịnh bắt đầu đổi màu đỏ, khiến cá nuôi lồng của người dân bỗng dưng chết trắng, số lượng cá chết ngày càng nhiều trong 2 ngày tiếp theo. “Tôi nuôi cá đã nhiều năm nay, quá trình nuôi, cá chết thưa thớt hoặc một vài con là bình thường, nhưng nay cả những loại cá lớn đến độ thu hoạch chết là điều bất thường” – ông Nguyễn Văn Hải cho biết.

Theo thống kê, cho đến sáng ngày 9/9, tổng số cá lồng của người dân xã đảo Nghi Sơn chết đã lên đến 47,45 tấn, gồm các loại cá như cá Mú, cá Hồng, cá Hồng đỏ, cá Vược.

Nghề nuôi cá lồng trên địa bàn xã Nghi Sơn có từ lâu đời, những năm gần đây, cứ đến độ tháng 8 (tháng 8 âm lịch) có mưa nhiều, nước ngọt xuống khiến cá lồng của bà con cũng chết, nhưng chỉ chết ở mức độ nhỏ, ít, không chết nhiều và hàng loạt như năm nay.

Để giảm thiểu cá chết, chính quyền địa phương cùng người dân đã nhanh chóng triển khai việc di chuyển các lồng cá ra khu vực nước sâu hơn, hoặc khu vực khác. Hiện các ngành chuyên môn tỉnh Thanh Hóa cũng đã lấy các mẫu nước, mẫu cá để xác định nguyên nhân.

Trao đổi với báo chí chiều ngày 10.9, ông Lưu Trọng Quang – Phó Giám đốc sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết: ''Tôi đã cho anh em xuống địa phương kiểm tra lấy mẫu cá, mẫu nước để xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trung tâm cơ sở xử lý đạt số phải gửi cả mẫu ra ngoài viện tài nguyên môi trường biển ở Hải Phòng để xét nghiệm. Khi nào có kết quả chính thức thì mới có thể trả lời báo chí được.''

Liên quan đến hiện tượng, nước biển tại vịnh Nghi Sơn chuyển sang màu đỏ, đục ông Quang chia sẻ: ''Xác định nguyên nhân ban đầu, chúng tôi đang nghĩ sự cố này có liên quan đến hiện tượng thủy triều đỏ cho nên mới phải gửi mẫu ra ngoài Hải Phòng để tiến hành xét nghiệm.

Ngoài ra, Sở còn phải xin ý kiến của Bộ về việc xử lý thế nào.''

Nguyễn Chung