Tiền trong tài khoản ATM: Bảo mật thông tin
Sự cố khách hàng mất tiền trong tài khoản ATM gần đây khiến dư luận băn khoăn về sự an toàn của tiền gửi. Tuy nhiên, thông tin từ cơ quan chức năng cho rằng, đây không phải là lỗ hổng của an ninh ngân hàng, và rất có thể thông tin cá nhân của người gửi tiền đã bị rò rỉ. Theo TS Cấn Văn Lực, cùng với việc ngân hàng củng cố hệ thống bảo mật thì việc người gửi tiền cũng cần tự bảo mật thông tin cá nhân.)
Một loạt các sự cố mất tiền trong tài khoản ATM của khách hàng thời gian khiến nhiều người băn khoăn về tính bảo mật, sự an toàn khi gửi tiền vào hệ thống ngân hàng thương mại. Làm sao để người tiêu dùng yên tâm nhất khi gửi tiền vào ngân hàng? TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng có những chia sẻ xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề bảo mật của hệ thống ngân hàng đang có vấn đề. Điều này có đúng?
TS Cấn Văn Lực: Với thời đại công nghệ thông tin phát triển ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, mặt tích cực có nhiều song cũng không ít tiêu cực. Đó là các hacker có thể xâm nhập vào bất kỳ hệ thống nào, lĩnh vực nào không riêng gì lĩnh vực ngân hàng và cũng không riêng gì ở Việt Nam. Cho nên câu chuyện về bảo mật an toàn thông tin đặt ra trong bối cảnh hiện nay là một yêu cầu tất yếu. Và rõ ràng, nó không phải riêng là mối quan tâm của Việt Nam hay của riêng ngành ngân hàng mà của nhiều nước cũng như nhiều tổ chức khác nhau.
Thêm nữa, chuyện bảo mật thông tin an toàn hay không bao giờ cũng ở cả 3 phía. Thứ nhất là người tiêu dùng. Người tiêu dùng có cẩn thận hay không, có cả tin hay không. Thứ hai, ở phía các tổ chức ngân hàng, cũng là doanh nghiệp. Thứ ba, ở hệ thống văn bản pháp luật, pháp quy và cả văn hóa ở đất nước, địa phương đó. Nguyên nhân nhiều khi xảy ra ở cả 3 phía. Hiện nay, hệ thống bảo mật công nghệ thông tin đã được các tổ chức chú trọng rất nhiều, đặc biệt, trong hệ thống ngân hàng họ lại càng bảo mật tốt hơn vì liên quan trực tiếp đến tiền bạc. Trong trường hợp thông tin của khách hàng bị chính khách hàng làm lộ cho bên thứ 3 thì phải chịu. Vì thực ra, khi phát hành thẻ hay mở tài khoản giao dịch, các ngân hàng đều phải có trách nhiệm khuyến cáo khách hàng phải cẩn trọng trong sử dụng thẻ thế nào.
Ông vừa đưa ra vấn đề bảo mật có 3 yếu tố. Một trong số đó là yếu tố về pháp luật...
- Tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề luật pháp và văn hóa. Chúng ta cần phải nhìn nhận lại xem, pháp lý bảo vệ người tiêu dùng đã đầy đủ chưa. Câu trả lời là chưa, hay vấn đề cưỡng chế pháp luật đã thực sự nghiêm minh chưa. Chẳng hạn có những quy định ở đâu đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhưng đơn vị đó, tổ chức đó vi phạm thì việc xử lý đã nghiêm túc, nhất quán chưa? Một ví dụ nữa, đôi khi khách hàng lại có văn hóa hơi lạm dụng chuyện đó. Hay là văn hóa người Việt Nam nhiều khi hay cả nể, nhờ vả nhau chẳng hạn bạn bè nhờ nhau rút tiền hộ, nên không đảm bảo được tính bảo mật thông tin.
Vậy, trong tình hình hiện nay, chúng ta cần phải có giải pháp như thế nào để hạn chế thấp nhất tình trạng này, giúp quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, thưa ông?
- Về mặt pháp lý, chúng ta cần phải hoàn thiện hơn về chính sách, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, vẫn còn tồn tại những quy định thiếu hợp lý trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ, trong cho vay tiêu dùng, Bộ Công thương yêu cầu hệ thống ngân hàng phải gửi mẫu biểu hợp đồng tín dụng cho Bộ này xét duyệt với lý luận rằng đó là hàng hóa thiết yếu. Điều này là để bảo vệ người tiêu dùng nhưng thực tế, tín dụng vay tiêu dùng không phải hàng hóa thiết yếu. Bởi vậy, quy định này là không chính đáng khiến cho người tiêu dùng bị thiệt, nhiều khi chậm cơ hội vay tiêu dùng, không mua được hàng hóa mong muốn. Đấy là những chuyện không phù hợp và cần phải được sửa đổi cho hoàn thiện hơn.
Thứ hai, cả người tiêu dùng, cả tổ chức, bao gồm cả DN và ngân hàng cũng như những tổ chức xã hội cũng cần phải quan tâm hơn đến công tác bảo mật. Cái này nó đòi hỏi từ nhiều phía chưa không riêng gì bên nào cả. Giả định, bên ngân hàng, hay tổ chức doanh nghiệp có thể bảo vệ thông tin tốt, nhưng khách hàng lại tiết lộ thì chịu.
Ảnh minh họa.
Ở các nước tiên tiến có bao giờ xảy ra hiện tượng tự nhiên mất tiền trong tài khoản không, thưa ông? Và ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng Việt Nam trong lĩnh vực này?
- Việc hacker đột nhập vào tài khoản tín dụng lấy cắp tiền không phải là phổ biến, nhưng cũng không phải hy hữu ở các ngân hàng nước ngoài. Tin tặc lấy cắp được những số bảo mật phía sau thẻ tín dụng của khách hàng, tức là rút được tiền của khách hàng, chuyện này đã từng xảy ra nhiều nước phát triển. Nguyên nhân là do người sử dụng thẻ tín dụng không cẩn thận, đặc biệt bất cẩn trong việc giữ 3 số bảo mật sau thẻ. Thứ hai, có một số tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh có ý đồ gian lận, tức là họ cài một thiết bị đọc thẻ ở phía dưới nên đọc hết dữ liệu của thẻ. Hiện tương này đã xảy ra tại Mỹ và Úc.
Như vậy, thực trạng mất tiền trong tài khoản không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà ở các nước phát triển cũng có. Do đó, người tiêu dùng cần chú ý hơn đến chuyện bảo mật thông tin. Đặc biệt là liên quan đến dịch vụ thẻ, liên quan đến ngân hàng điện tử, qua di động. Phía ngân hàng phải gia cố, tăng cường hệ thống bảo mật công nghệ thông tin. Ví dụ, thêm một lớp bảo mật nữa ngoài lớp mật mã hiện có, khuyến cáo khách hàng thay đổi mật khẩu sau một thời gian nhất định.
Tôi chỉ lấy một hình ảnh đơn giản thế này, tài sản trong nhà, một mình mình cẩn thận chưa đủ mà cả gia đình đều phải cẩn thận. Tôi cẩn thận nhưng vợ, con tôi ra ngoài mà quên đóng cửa thì đương nhiên là mời trộm vào nhà. Do đó, quan trọng là chúng ta phải biết giữ gìn, bảo mật thông tin tài sản của chính chúng ta. Còn về phía nhà quản lý, cũng cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo vệ chặt chẽ hơn quyền lợi cho tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng phải nâng cấp độ an toàn của hệ thống thông tin quốc gia, nâng cao nhận thức người tiêu dùng…
Trân trọng cảm ơn ông!
Sắp có quy định đền bù sự cố “bỗng dưng mất tiền” trong ngân hàng V.Ly |