Tuần lễ khó khăn của Tổng thống Obama

Khánh Duy 11/09/2016 08:10

Tổng thống Mỹ Barack Obama vốn đã quá quen với việc các chuyến công du nước ngoài của ông bị phủ bóng đen bởi các các vụ tấn công khủng bố hay các vụ bạo lực súng đạn... Nhưng trong chuyến công du châu Á vừa qua, ông Obama lại gặp phải những tình huống khác.

Màn xuất hiện kém hoành tráng của ông Obama tại Hàng Châu,
Trung Quốc (Nguồn: CNN).

Vào chuyến công du châu Á lần thứ 11 của mình, Tổng thống Obama đã lên trước kế hoạch đối diện với di sản thời chiến của Mỹ tại Lào và tái khẳng định chiến lược xoay trục tại khu vực này. Giống như tất cả các chuyến công du khác của ông, nó đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng để phô diễn các thành tựu mà ông đạt được: Một thỏa thuận đối tác về biến đổi khí hậu với Trung Quốc và cam kết của Mỹ đối với các nước láng giềng của Trung Quốc.

Nhưng trong suốt 4 ngày, ông chủ Nhà Trắng dường như đã để lỡ mất thông điệp rõ ràng mà đội ngũ cố vấn cấp cao của ông đã vạch ra từ trước. Bắt đầu từ sự cố thảm đỏ khi người Trung Quốc đón ông ở Hàng Châu một cách lạnh nhạt; tiếp theo là sự cố “vạ miệng” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khiến Mỹ hủy luôn cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước tại Lào.

Hôm thứ Ba, Nhà Trắng đã phải có giải pháp hạn chế tầm ảnh hưởng của việc hủy họp với ông Duterte, vị Tổng thống đã có lời lẽ sỉ nhục ông Obama. Tổng thống Mỹ hủy họp sau khi nghe ông Duterte đe dọa sẽ còn tiếp tục nhắc lại luận điệu này mỗi khi vấn đề giết người không qua xét xử trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của Philippines được đề cập tới.

Sự cố không chỉ khiến ông Obama bỗng dưng bị tiếng là một nhà lãnh đạo mềm yếu vì phải rút lui trước ông Duterte, mà còn phải đối mặt với cả dư luận trong nước. Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã lập tức nhân cơ hội này để chỉ trích ông Obama, trong đó nhắc lại sự việc bị đối xử lạnh nhạt ở Trung Quốc, thêm rằng ông sẽ rời khỏi đó ngay lập tức nếu bị đối xử như vậy.

Đối với một vị Tổng thống đang nỗ lực củng cố lại di sản của mình thì chuyến công du này thực tế vẫn đem lại một số bước tiến nhất định, mà đáng chú ý nhất là thỏa thuận về ứng phó với biến đối khí hậu. Nhưng chính những sự cố như trên- dù là do kém may mắn hay quá trình chuẩn bị không được tốt – cũng có thể làm thay đổi hình ảnh của một vị Tổng thống trên trường quốc tế.

Ảnh hưởng từ sự “lỡ lời”

Tồi tệ nhất trong chuỗi sự kiện trên chính là sự cố với Philippines bởi bất kỳ sự xung đột nào với quốc gia này cũng gây rủi ro lớn cho Mỹ, do vai trò hết sức nhạy cảm của nước này là một đồng minh trong khu vực và có tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng đối với Trung Quốc trên khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, các hãng truyền thông lại chỉ tập trung vào bình luận thô thiển mà ông Duterte đưa ra nhằm vào cá nhân ông Obama. “Mọi sự chú ý đều hướng vào bình luận đó”- Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Benjamin Rhodes, nói. “Vậy nên chúng tôi cảm thấy điều này sẽ không tạo nên một môi trường mang tính xây dựng cho một cuộc họp song phương”.

Trong nước, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton cho rằng quyết định hủy họp của ông Obama là “lựa chọn đúng đắn”. Bà nói rằng, Tổng thống Obama dự định nêu quan ngại về các vụ giết người không qua xét xử ở Philippines và “khi Tổng thống Philippines sỉ nhục Tổng thống của chúng ta, sẽ là hợp lý khi nói: Xin lỗi, không họp hành gì nữa”.

Bản thân ông Duterte cũng đã vội vã tìm cách giảm nhẹ tình hình. Trong một tuyến bố, ông nói rằng ông hối hận về bình luận của mình, cho rằng bản thân đã phản ứng thái quá trước những bài viết rằng ông Obama sẽ dạy dỗ ông trong cuộc họp giữa hai bên. “Chúng tôi mong chờ sẽ bỏ qua được những khác biệt về quan điểm và sự ưu tiên của mỗi nước”- ông Duterte nói. “Và chúng tôi mong muốn sẽ cùng làm việc một cách đầy trách nhiệm”.

Cho dù ông Rhode đã khẳng định mối quan hệ Mỹ-Philippines vẫn “rắn chắc như đá”, nhưng thực tế cho thấy ông Duterte dường như đang có ý định xây dựng một chính sách ngoại giao độc lập hơn người tiền nhiệm Benigno Aquino III- người luôn là đồng minh đáng tin cậy của Washington. Cùng đó, ông Duterte từng hé lộ về việc đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp tại bãi cạn Scarborough. Động thái đó khiến Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để gây sức ép với các nước láng giềng khiến họ phải thỏa thuận đơn phương với Bắc Kinh về các tranh chấp trên Biển Đông, để đến cuối cùng sẽ hạn chế tự do hàng hải đối với các tàu của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama dự tiệc trưa cùng Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachith
hôm thứ Ba tại Vientiane. (Nguồn: NYtimes).

Sự cố thảm đỏ

Bản thân Tổng thống Obama cũng đã có những khoảnh khắc khó xử ngay khi đặt bước chân đầu tiên xuống sân bay ở Hàng Châu, Trung Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Tranh cãi vào phút cuối về việc sử dụng thang nối với chuyên cơ Không lực Một để Tổng thống bước xuống đã buộc ông Obama phải đi bằng lối cửa nằm ở phần bụng máy bay.

Sau đó, giới chức Nhà Trắng lại thêm phần căng thẳng cho sự cố này khi phàn nàn về cách thức không chuyên nghiệp và thái quá của đội ngũ an ninh Trung Quốc, coi hành động này như kế hoạch làm bẽ mặt Tổng thống của họ. Cuối cùng, việc đội ngũ báo chí Nhà Trắng bị nhân viên an ninh Trung Quốc la hét và Cố vấn An ninh quốc gia Susan E.Rice bị gây khó dễ cũng khiến ông Obama có một khởi đầu đầy khó khăn ở G20.

Nhưng khác với sự cố với Philippines, giới chức Washington nói rằng sự cố ở sân bay Hàng Châu sẽ không gây ảnh hưởng lan rộng. Bản thân Tổng thống Obama cũng mô tả chuyến đi lần này là “rất hiệu quả”, nhấn mạnh rằng ông cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được bước tiến mới về biến đổi khí hậu. “Không có sự cố nào gây ảnh hưởng đến viễn cảnh một mối quan hệ đang được mở rộng”- ông Obama nói.

Và cuối cùng, giới chức phái đoàn của Mỹ cũng tỏ ra hài lòng khi Tổng thống Obama rời khỏi Hàng Châu một cách trang trọng hơn: Một chiếc thang máy bay bóng lộn cùng ánh sáng xanh lục nối với chuyên cơ Không lực Một.

Ông Duterte rút lời

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 6/9 đã bày tỏ sự hối tiếc về việc sử dụng “từ ngữ thô tục” đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Một thông cáo của Tổng thống Duterte cho biết ông “lấy làm tiếc vì bình luận về ông Obama lại lan truyền theo kiểu một cuộc tấn công cá nhân”.

Còn người phát ngôn của Tổng thống thì nói: “Ông Duterte tiếc là những nhận xét ông nói với giới báo chí lại gây ra nhiều tranh cãi. Ông ấy bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc và sự trân trọng dành cho ông Obama cũng như quan hệ đối tác của Mỹ đối với Philippines. Ý định của chúng tôi chỉ là muốn biểu thị một chính sách ngoại giao độc lập trong khi vẫn thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với mọi quốc gia, đặc biệt là Mỹ. Chúng tôi mong đợi được giải quyết các bất đồng và hợp tác một cách có trách nhiệm”.

Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã dọa “sẽ chửi thề” nếu ông Obama hỏi về các vụ bắn giết không qua xét xử ở Philippines.

P.Nghĩa (Theo CNA)

Khánh Duy