Bài học làm người
Ngày 5/9, trên đường đến trường, hai em Dương Văn Thạch và Nguyễn Công Đức (học sinh lớp 12M, Trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) thấy người phụ nữ đi trước đánh rơi một túi xách. Các em nhặt được, đuổi theo không kịp nên đã mang đến trình báo công an để trả lại cho người đánh mất rồi quay trở lại trường tiếp tục khai giảng.
Trong xã hội hiện nay, ở đâu đó tiền bạc và vật chất đã hủy hoại đạo đức con người. Chính vì thế hành động của hai em học sinh nói trên đã khiến chúng ta ấm lòng. Nó bình dị, nhẹ nhàng đi vào lòng người, tưới mát bao tâm hồn tưởng đã cằn khô, làm băn khoăn bao trái tim lâu nay vẫn nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa.
Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2016-2017 đã nêu một trong mục tiêu cơ bản của của giáo dục phổ thông là chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng.
Như vậy cũng có thể thấy, ngành giáo dục đã nhìn thấy được thực tế và đặt mục tiêu trọng tâm. Bài học “nhặt được của rơi trả lại người đánh mất” thực ra ai cũng được học từ thủa đầu đời, nhưng việc tưởng đơn giản thế không phải người nào cũng áp dụng vào thực tiễn vì thế bỗng nhiên trở thành “của hiếm” khiến chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Những trăn trở ấy đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi ông dự khai giảng tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Thủ tướng mong gia đình phối hợp với nhà trường để giáo dục lòng nhân ái, tình yêu thương cho học sinh- vì những điều quan trọng đó làm nên phẩm giá con người. Tiên học Lễ, hậu học Văn, trước hết là lễ phép với gia đình, cha mẹ, ông bà, với thầy cô, đó là biểu hiện sự trân trọng với thầy cô, với gia đình, ông bà.
Ai cũng mong con em mình đến trường không chỉ được học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, mà còn được học những bài học về tình yêu thương ông bà, cha mẹ, đồng loại; trách nhiệm với cộng đồng, quê hương đất nước. Song mong muốn này dường như đang trở nên xa xôi khi cả nhà trường và phụ huynh còn đang mải miết với những cuộc ganh đua về điểm số, thành tích.
Nhớ có triết gia nào đó đã nói “chạy đua thành tích là kiểu giáo dục nông cạn”. Tin rằng, học sinh sẽ có động lực học tập đúng đắn cũng như thái độ và khả năng tự lập tốt hơn khi giáo viên không ám ảnh chúng với điểm số và dạy chúng nhiều hơn những bài học làm người.