Đánh thức Mường La
Về Mường La- nơi có công trình thủy điện Sơn La kỳ vĩ, cũng là nơi nhiều tiềm năng du lịch với nhiều bí ẩn từ các di tích như đồn Pom Páp (thị trấn Ít Ong), đồn Mường Chiến (Ngọc Chiến), hang Co Noong (thị trấn Ít Ong), hang Hua Bó (Mường Bú)… Nhưng tới nay điểm đến hấp dẫn này vẫn chưa được nhiều du khách tìm đến.
Hồ thủy điện Sơn La.
Điểm đầu tiên trong hành trình du ngoạn Mường La xuất phát từ đập công trình thủy điện Sơn La. Chiếc tàu rẽ sóng, rời bến Nghiêng, không còn phải vượt ghềnh thác, các cửa tử, cửa sinh như “người lái đò sông Đà” năm xưa của Nguyễn Tuân, bởi từ ngày xây dựng đập thủy điện thì thượng nguồn sông Đà không còn hung dữ nữa mà trở thành vùng nước hiền hòa, mênh mang với khung cảnh kỳ vỹ.
Vẻ đẹp thiên nhiên của lòng hồ được ví như một bức tranh thủy mặc vô cùng sống động với nhiều đảo núi nhấp nhô. Có chỗ thì quây quần, tụ lại xúm xít chen chân, có chỗ lại tách rời riêng biệt tạo những nét chấm phá cực kỳ tài nghệ. Chiều ngang rộng nhất của lòng hồ có chỗ rộng hơn cả 10km.
Sau hơn 2 tiếng là đến địa phận huyện Quỳnh Nhai. Xa xa cầu Pá Uôn mờ ảo trong ánh bình minh.Với trụ chính cầu cao 98m, đã được xếp hạng cao nhất Việt Nam. Từ ngày cầu nối nhịp đôi bờ sông Đà, những chuyến phà qua sông đến trung tâm huyện Quỳnh Nhai chỉ còn là ký ức. Bên tả ngạn là trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai, dáng dấp phố núi mới mọc lên. Đôi bờ thấp thoáng những bản tái định cư gợi nhớ miền quê xưa. Tuy nhiên, đồi trọc cũng xuất hiện ngày một nhiều khiến người ta không khỏi xót xa.
Đến Quỳnh Nhai, ghé qua một số bản tái định cư ven hồ thuộc xã Liệp Tè. Khi nghe kể về dưới lòng hồ khu vực này từng có bãi đá cổ, hiện một số hiện vật đã được khai quật và di dời về lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và Nhà truyền thống thủy điện Sơn La. Nghe vậy, nhiều người tiếc nuối rằng, đồng ý khai quật di dời khỏi vùng ngập, nhưng sao không để lại một số hiện vật cho các bản ở đây quản lý bảo vệ, để nơi đây cũng là địa chỉ dừng chân trong chuỗi tham quan vùng hồ, tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con và du khách cũng có dịp tìm hiểu về lịch sử của một vùng đất.
Cũng ở đây, không ít du khách muốn mua chút gì đó làm quà lưu niệm, nhưng chủ thuyền bảo muốn mua hàng xịn phải có người giới thiệu đúng địa chỉ, chủ yếu ở trong huyện, chứ ở đây thì không bán...
Theo bố đi đánh cá.
Cùng với tiềm năng du lịch thủy điện, du thuyền trên lòng hồ sông Đà, Mường La còn là nơi chứa đựng nhiều bí ẩn từ các di tích lịch sử đồn Pom Páp (thị trấn Ít Ong), đồn Mường Chiến (Ngọc Chiến), di tích khảo cổ học hang Co Noong (thị trấn Ít Ong), hang Hua Bó (Mường Bú). Và hành trình đến với di tích khảo cổ học hang Co Noong (thị trấn Ít Ong) mang lại cho du khách nhiều điều lý thú. Hang Co Noong, hang nằm ở hướng Tây Bắc huyện Mường La, trên dãy núi trùng điệp nhấp nhô uốn mình tạo thành 7 khúc, cửa chính của hang quay về hướng Đông Tây nhìn xuống Sông Đà và có một cửa nhỏ quay về phía Tây Bắc.
Từ bờ Sông Đà đi lên dốc thoải, qua một khu rừng già khoảng 200m là tới cửa hang, đứng tại cửa hang với độ cao ở đây ra sẽ quan sát được một vùng non nước rộng lớn và hùng vĩ. Nhìn hướng nào cũng thấy một bức tranh toàn bích hiện ra: Phía xa là một ngọn núi hình con rồng uốn mình theo Sông Đà; Phía dưới chân núi là dòng sông Đà xanh biếc hòa cùng cảnh sông, núi, mây, trời càng khiến vẻ đẹp ở nơi đây thêm lộng lẫy.
Cửa hang chính quay về hướng Đông - Tây, cửa có độ rộng 15m, cao 7m ở giữa có hòn đá to chắn tạo thành 2 ngách cửa. Khi bước vào trong lòng hang ta sửng sốt thấy cảnh đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây. Lòng hang có hình tròn như một tổ ong, vòm hang cao tới 20m, trần hang có đủ mọi hình dáng và kích thước của các thạch nhũ, ở giữa có thạch nhũ hình tổ ong lớn, xung quanh có những thạch nhũ nhỏ như những con ong lấm tấm đang miệt mài xây tổ. Khối nhũ đá hình tổ ong có những thạch nhũ với hình dáng uốn lượn, nhấp nhô, mềm mại tựa như những đám mây đang bay trên bầu trời và những bức phù điêu bằng thạch nhũ được trang trí trên vòm hang tuyệt đẹp như những tác phẩm điêu khắc được tạc bằng đôi bàn tay mầu nhiệm của một nhà điêu khắc thiên tài.
Hấp dẫn là vậy, nhưng di tích khảo cổ học hang Co Noong cũng vắng khách tham quan. Có lẽ cũng là do việc quảng bá chưa được làm đến nơi đến chốn, nên di tích vẫn cứ trong cảnh đìu hiu, thi thoảng mới có đoàn du khách ghé thăm.
Bản người Thái tái định cư.
Bên cạnh đó, các khu du lịch sinh thái như: Vườn cây cao su tổ Phiêng Tìn, suối nước nóng bản Ít (thị trấn Ít Ong), du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Thái có các lễ hội văn hoá truyền thống như: Lễ hạn Khuống, lễ hội Khắp Then, lễ hội Mừng cơm mới... cũng chính là cơ sở, điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ- du lịch. Về với Mường La, du khách còn có thể tận hưởng khí hậu mát mẻ của vùng cao Tây Bắc, cùng hòa mình trong dòng suối nóng của bản Lướt (Ngọc Chiến). Tối đến, trong những nếp nhà sàn truyền thống bằng gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi, du khách có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như măng lay, cá nướng, xôi nếp tan thơm dẻo trên cánh đồng Mường Chiến, cùng nhau theo vòng quay của điệu xòe, ngây ngất trong men rượu sơn tra thơm ngọt và thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái.
Du khách cũng có thể cùng sống, sinh hoạt trong các gia đình để tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân nơi đây và để được một lần là người dân tộc Thái. Tiềm năng giàu có là vậy nhưng tới nay Mường La vẫn chỉ là điểm ghé qua mỗi khi du khác đến Sơn La.
Không ít người khi khám phá Mường La đã thốt lên rằng cảnh sắc nơi đây tuyệt quá! Nhưng giá như vùng này đồi bớt trọc; đầu tư thêm dịch vụ du lịch cộng đồng; mở các tuyến du lịch sinh thái, leo núi, khám phá trải nghiệm; đầu tư thêm dịch vụ lưu trú; đem hết ẩm thực đặc sản và các lễ hội dân gian riêng có của bà con ra “khoe” với du khách thì có lẽ sớm thôi, Mường La sẽ là một điểm đến du khách không thể bỏ qua.