Gập ghềnh con đường du lịch

Ngọc Quang 12/09/2016 09:00

Bộ trưởng Du lịch các nước ACMECS (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar) đã ra tuyên bố chung về cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm trong phiên họp tại TP HCM. Đây được coi là cam kết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch trong khu vực. Từ kết quả phiên họp này nhìn lại, du lịch Việt Nam phải vượt qua các thách thức nội tại để kết nối phát triển.

Du khách tới Phú Quốc.

Du lịch “có trách nhiệm”

Tuyên bố chung được đưa ra tại Diễn đàn Bộ trưởng các nước ACMECS mở rộng về du lịch có trách nhiệm, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế với chủ đề “5 quốc gia - 1 điểm đến”, diễn ra tại TP HCM. Theo đó, những năm qua du lịch các nước ACMECS đã có sự phát triển khả quan.

Tính riêng năm 2015, cả vùng đón 52 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 17% so với cùng kỳ; đón 8,8 triệu lượt khách nội khối, tăng 8%. Tuy nhiên, Tuyên bố chung cũng quan ngại rằng cùng với sự tăng trưởng về lượng khách và lợi ích kinh tế thì cũng xuất hiện mối đe dọa với môi trường và xã hội.

“Phát triển du lịch có trách nhiệm” được đặt ra như là một giải pháp quan trọng để hạn chế những tác động xấu có thể gây ra với mỗi quốc gia và mở rộng ra cả khu vực. Thông cáo báo chí sau Hội nghị cho biết, đây là tái khẳng định cam kết của ngành du lịch với phát triển có trách nhiệm, bền vững, toàn diện và cân bằng; tạo điều kiện thích hợp cho việc khai thác có trách nhiệm các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên để phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy và hỗ trợ kinh tế - xã hội cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương”.

Theo giới phân tích, cùng với sự phát triển khả quan của du lịch trong vùng, cộng với mối liên kết khách du lịch của 5 nước ACMECS ngày một sâu rộng hơn, thì du lịch cũng đang đứng trước những thách thức mang tính xã hội. “Tiền là yếu tố quan trọng nhưng môi trường văn hóa bị đảo lộn là vấn đề rất cần suy nghĩ, vì khi nó đã mất đi thì hầu như không khôi phục lại được”- một chuyên gia xã hội học tham dự Hội nghị nêu ý kiến.

Xích lô như một “sản phẩm du lịch” với người nước ngoài khi đến Việt Nam.

6 tỉ USD đi du lịch nước ngoài

Trở lại với du lịch trong nước, con số thống kê của Tổng cục Thống kê cho biết: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8/2016 ước đạt 899.738 lượt, tăng 6,3% so với tháng 7 và tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 8 tháng năm 2016 ước đạt 6.452.373 lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Trước đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 846.311 lượt, tăng 20,8% so với tháng 6 và tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 7 tháng năm 2016 ước đạt 5.552.635 lượt khách, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015. Còn ở thời điểm tháng 6, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 700.446 lượt, giảm 7,5% so với tháng 5 và tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 6 tháng năm 2016 ước đạt 4.706.324 lượt khách, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, nhìn chung lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng, cho dù kinh tế toàn cầu chưa phục hồi, khách du lịch “siết lại hầu bao” so với trước. Điều đó cũng được coi là tín hiệu vui cho du lịch Việt Nam. Nhưng, bên cạnh đó, số người Việt Nam đi du lịch nước ngoài lại gia tăng.

Số liệu từ Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Ước tính du khách Việt chi tiêu cho việc du lịch nước ngoài hiện khoảng 6 tỉ USD (con số này trong năm 2012 chỉ khoảng 3,5 tỉ USD).

Vì sao số người thích đi du lịch nước ngoài tăng nhanh, đem ra nước ngoài lượng ngoại tệ lớn? Theo giới phân tích, thứ nhất là do thu nhập của một bộ phận người Việt Nam tăng lên nên có điều kiện đến những vùng đất mới.

Thứ hai, quảng bá du lịch được nhiều nước làm rất tốt, tạo ra sức hấp dẫn, thu hút. Thứ ba, các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài có những “chiêu thức” kinh doanh tốt, bắt tay với doanh nghiệp lữ hành trong nước để kiếm nguồn khách theo kiểu “hai bên cùng có lợi”. Và thứ tư, môi trường du lịch trong nước kém hấp dẫn.

Theo bà Trần Thị Việt Hương- Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, số lượng khách trong nước đăng ký tour nước ngoài thường cao hơn đăng ký tour trong nước. Riêng khách lẻ đăng ký đi du lịch nước ngoài tại Vietravel cao hơn khoảng 20% so với khách lẻ đi trong nước.

“Nếu trước đây du khách thường chọn đi du lịch nước ngoài vì hiếu kỳ, xem nước ngoài khác trong nước như thế nào thì nay xu hướng lựa chọn tour đã thay đổi. Khách đi du lịch ngoài nước ngày càng chuyên nghiệp hơn, thường xuyên”- theo bà Hương. Một số công ty lữ hành cũng cùng chung nhận định, mức tăng trưởng du lịch nước ngoài bình quân đạt 15%-25% 1 năm.

Để giải quyết những thách thức trong quá trình Việt Nam phát triển du lịch, bà Mary McKeon- Trưởng nhóm tư vấn dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) nêu ra 4 giải pháp: 1/ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch.Tiêu chuẩn đào tạo nhân lực phải bắt kịp với các nước khác trong khu vực. 2/ Xử phạt nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi sai phạm, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch nước nhà. 3/ Thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam cần đảm bảo rằng du khách có những trải nghiệm tuyệt vời, và quan trọng hơn là họ sẽ trở lại trong tương lai. 4/ Sớm có thêm hỗ trợ về thị thực để tiếp tục thu hút các du khách đến từ các nước.

“Bắt mạch, kê đơn”

Xác định du lịch là ngành công nghiệp “không khói”, mang lại lợi nhuận cao; trên cơ sở tiềm năng rất lớn của đất nước, chúng ta đã có một số đề án Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam: Từ năm 2000 đến 2010: tiếp đó đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều người đã coi đó là “kim chỉ nam” của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như ý muốn. Mới đây, ngày 3/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Như vậy, thêm một lần nữa, hy vọng du lịch Việt Nam cất cánh lại được nhen lên. Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Theo giới chuyên gia, cho dù chúng ta có nhiều lợi thế về thiên nhiên, văn hóa- lịch sử…, nhưng điểm yếu lộ rõ chính là sự nghèo nàn, thiếu sáng tạo trong cách làm du lịch. Nói như chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến thì “dịch vụ nghèo nàn, chất lượng kém, giá cao, thiếu sáng tạo và khai thác bừa bãi làm hỏng cảnh quan môi trường thiên nhiên... là những nguyên nhân khiến du khách ít mặn mà với du lịch trong nước. Còn nước ngoài họ lại làm tốt hơn”.

Vẫn theo ông Chiến, chỉ vì cái lợi trước mắt thì sẽ bị “mất giá” trong tương lai. Còn với ông Đào Xuân Khương- ThS quản trị kinh doanh, nghiên cứu marketing tại Mỹ và bán lẻ tại Đức thì sản phẩm du lịch Việt Nam không thỏa mãn được nhu cầu của du khách. Biểu hiện rõ nhất ở chỗ khi đi đến một địa điểm, du khách thường chỉ biết chụp ảnh và ngắm cảnh chứ hoàn toàn không biết nơi đến “nó là cái gì, tại sao phải đến”. “Tôi cho rằng vấn đề chính nằm ở sản phẩm du lịch kém hấp dẫn”- ông Khương nói.

Giá cả cũng là vấn đề buôc người ta phải lựa chọn. Một ví dụ cụ thể, với mức giá khoảng 5 triệu đồng mỗi tour, thì người ta có thể chọn đi Thái hoặc Campuchia, bởi nếu từ Hà Nội đi Nha Trang, hoặc Phú Quốc thì số tiền phải bỏ ra cũng tương đương.

Trong nỗ lực và kỳ vọng du lịch đất nước phát triển, đã có nhiều đóng góp về mặt hạn chế cần khắc phục. Ngay cả người nước ngoài yêu quý Việt Nam cũng đóng góp ý kiến. Bà Mary McKeon- Trưởng nhóm tư vấn dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) nhận xét rằng, thời điểm hiện tại, du lịch Việt Nam đang có những thay đổi lớn, lượng du khách đang tăng dần, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thử thách.

Đó là thử thách về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; về bảo vệ môi trường thiên nhiên không bị biến dạng phá hủy. “Chúng ta có thể vui vì lượng du khách đang tăng lên, nhưng cũng cần phải nghĩ đến tương lai, nghĩ tới những đứa trẻ hôm nay sẽ trở thành người lớn mai sau và ngành du lịch Việt Nam trong 20 - 40 - 50 năm nữa sẽ có gì để mời gọi du khách”. Bà Mary McKeon cũng nói thêm rằng: “Tôi lo ngại về môi trường xung quanh các khu “trung tâm”, nơi các bãi biển đang trở nên hẹp hơn. Chúng có thể bị tàn phá dần dần nếu thiếu ý thức gìn giữ và trách nhiệm với những gì chúng ta đang có”.

Đó là ý kiến và cũng là cảnh báo cần thiết cần được nhìn nhận nghiêm túc để du lịch nước nhà có thể cất cánh.

Ngọc Quang