Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2016: Những nghiên cứu thiết thực với đời sống
Sáng 11/9 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất. Tại Lễ trao Giải thưởng, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết bắt đầu tiếp nhận các giới thiệu giải thưởng năm 2017. Dự kiến, lần thứ 2 tổ chức trao thưởng sẽ vào dịp 20/5, nhân ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải cho các nhà khoa học.
Để đất nước phát triển, khoa học phải mạnh hơn
Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ niềm vui vì sự phát triển của đất nước, nhưng cũng bày tỏ sự day dứt vì dù đã phát triển nhanh như vậy nhưng đất nước vẫn nghèo, nhất la những vùng sâu, vùng xa.
“Có nhiều nguyên nhân và cũng có nhiều giải pháp cho vấn đề này. Dù nhìn ở các góc độ khác nhau nhưng chúng ta đều đồng ý với nhau rằng: tinh thần khoa học công nghệ đất nước dù đã được nâng lệ rất nhiều nhưng vẫn còn yếu, yếu quá. Làm sao để bây giờ đổi mới hơn? Chỉ có cách nâng cao năng lực công nghệ. Trọng trách đó không riêng các nhà khoa học, nhưng đặc biệt là các nhà khoa học. Không riêng giới trí thức nhưng đặc biệt là giới trí thức”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa không chỉ là ghi nhận những cống hiến về năng lực, mà còn là cống hiến về tinh thần. Làm sao để tinh thần Trần Đại Nghĩa, hào khí Đông A, tinh thần tất cả vì đại nghĩa được phát huy, vượt qua được mọi khó khăn để khoa học phát triển nhanh hơn, chắc chắn hơn, góp phần xây dựng đất nước. Để những thứ tốt đẹp nhất trong xã hội trước hết được khơi dậy, làm gương từ Viện Hàn lâm, từ các nhà khoa học.
Theo Phó Thủ tướng, để đất nước phát triển, nhất định khoa học phải mạnh hơn. Đương nhiên không chỉ các nhà khoa học mà còn phải đồng bộ tất cả những người làm chính sách xã hội. Nhưng nhà khoa học phải là những nhân tố chính.
Kể lại câu chuyện Bác Hồ giao trọng trách cho GS Trần Đại Nghĩa làm Cục trưởng Cục Quân giới, tương đương với Tổng cục trưởng Cục Công nghiệp quốc phòng ngày nay khi mới 33 tuổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ: “Hãy tạo điều kiện, không chỉ tạo điều kiện mà tạo thách thức để các nhà khoa học trẻ bứt lên, bứt lên chính mình mà bứt lên khỏi sự ràng buộc vốn được hình thành từ mấy chục năm nay để có những cống hiến đột phá”.
Giải thưởng đi tìm nhà khoa học để vinh danh
GS. VS Châu Văn Minh- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, việc tổ chức trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa mỗi năm một lần nhằm mục đích khuyến khích giới khoa học trong cả nước hãy noi theo tấm gương của Viện sĩ, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, nỗ lực nghiên cứu nhằm đạt những kết quả khoa học xuất sắc và trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó ở Việt Nam để có đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh – quốc phòng của đất nước.
GS.TS Nguyễn Quang Liêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2016 cho biết: “Năm nay, có tổng số có 15 công trình tham gia xét tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Qua rất nhiều vòng công phu để chọn ra 2 giải thưởng năm nay, Hội đồng tin tưởng rằng đây là sự lựa chọn, tôn vinh xứng đáng có tác dụng trước tiên đánh giá, tôn vinh, khích lệ các tác giả được giải thưởng. Đồng thời lan toả ý nghĩa giải thưởng ở lĩnh vực KH&CN”.
Nói về quá trình tìm kiếm các công trình khoa học đáp ứng tiêu chí của Giải thưởng, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định đây là giải thưởng tự đi tìm nhà khoa học để tôn vinh. “Chúng tôi muốn làm theo mô hình, phong thái của Giải thưởng Nobel, đó là các nhà khoa học đề nghị hay giới thiệu công trình, tác giả mình thấy xứng đáng để xét tặng giải thưởng. Điều đó nâng cao tầm uy tín của giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Hy vọng những năm sau số lượng công trình sẽ nhiều hơn và không chỉ có sự tham gia giới thiệu các công trình của các tác giả trong mà cả ngoài nước”.
2 công trình xuất sắc đã được trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm nay là công trình “Công nghệ sản xuất tinh quặng sắt, thép và vật liệu xây dựng không nung từ bùn đỏ” của TS Vũ Đức Lợi và TS Nguyễn Văn Tuấn.
Kết quả công trình đã cơ bản giải quyết vấn đề xử lý môi trường, mở ra hướng đi mới trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho thị trường vật liệu xây dựng không nung.
Công trình thứ hai là “Ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vaccine phòng bệnh cho người” của GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên và cố GS Đặng Đức Trạch. Kết quả công trình đã được ứng dụng trong các sản phẩm vắc xin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia như: vắc xin phòng bệnh bại liệt, vắc xin viêm não Nhật Bản.
Nhờ đó, hàng triệu trẻ em Việt Nam tránh được những di chứng, tật nguyền nặng nề và phòng được dịch bệnh nguy hiểm do virus gây nên.