Không phải là bây giờ thì bao giờ?
Đại Đoàn Kết Online nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Danh Huế hiện làm việc trong lĩnh vực pháp luật về việc đảm bảo ATGT trong tình hình hiện nay. Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh tới việc đổi mới các quy định của pháp luật về giao thông cũng như nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
CSGT Hà Nội cho biết sẽ xử lý nghiêm xe ô tô gắn “mác” Bộ Công an. Ảnh: Dân trí.
Là quốc gia có tỷ lệ người chết hàng năm vì tai nạn giao thông (TNGT) cao nhất thế giới, trong những năm gần đây, mặc dù Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đã thể hiện sự quyết tâm trong việc giảm thiểu TNGT nhưng thực tế cho thấy tuy có một số biến chuyển nhưng tỷ lệ người chết vì TNGT ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao và con số này hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Nghị định mới này được ban hành theo hướng tăng nặng mức xử phạt ở nhiều nhóm lỗi đối với người vi phạm giao thông, đặc biệt một số lỗi như uống rượu bia khi lái xe bị xử phạt rất nặng, hành vi vượt đèn vàng cũng bị xử phạt tương đương với hành vi vượt đèn đỏ đang gây tranh cãi rất gay gắt trên các trang mạng xã hội.
Chưa biết việc tăng nặng mức xử phạt sẽ mang lại những hiệu quả ra sao nhưng liên tiếp những ngày gần đây, hàng loạt các vụ tai nạn thương tâm vẫn liên tiếp xảy ra trên khắp cả nước, tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông vẫn diễn ra phổ biến hàng ngày tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - những nơi có mặt bằng dân trí cao nhất đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các giải pháp giảm thiểu TNGT hiện tại.
Tăng nặng hình phạt trong bối cảnh ý thức người tham gia giao thông kém như hiện nay là cần thiết nhưng nên nhớ hình phạt cho các tội danh về buôn bán ma túy hay giết người đã ở mức cao nhất nhưng tội phạm ở các nhóm tội danh này vẫn không ngừng gia tăng trong những năm qua đã cho thấy không phải cứ có hình phạt cao là sẽ đem lại hiệu quả.
Nếu coi tính mạng và sức khỏe của con người là quan trọng nhất thì ngay từ lúc này, một giải pháp đồng bộ, và một cách làm khác biệt phải được đặt ra nếu chúng ta không muốn hàng năm vẫn phải đau đớn chứng kiến hàng chục nghìn người chết vì TNGT.
Kết cấu của mạng lưới giao thông quốc gia bao gồm 2 phần chính đó là Phần cứng (cơ sở hạ tầng giao thông) và Phần mềm (các quy định của pháp luật về giao thông và ý thức của người tham gia giao thông).
Nếu như đầu tư cho “Phần cứng” sẽ cần rất nhiều tiền và mất nhiều thời gian để hoàn thiện trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn thì “Phần mềm” là thứ chúng ta có thể làm ngay mà không hề tốn kém.
Hãy bắt đầu từ ý thức
Chưa có một thống kê cụ thể về đối tượng vi phạm luật giao thông nhưng không khó để bắt gặp những chiếc xe công đi sai làn, vượt đèn đỏ hay chạy quá tốc độ cho phép…, trong các báo cáo tổng kết về an toàn giao thông chúng ta hay nghe đến cụm từ “ý thức chấp hành luật giao thông của người dân kém” nhưng ý thức tham gia giao thông của chính những người thực thi pháp luật cũng đang ở mức rất thấp lại chưa được đặt ra.
Nhiều người tự cho mình cái quyền không tuân theo pháp luật vì họ biết sau mỗi lần vi phạm thì chỉ chìa ra “cái thẻ” là mọi thứ lại ổn thỏa, thậm chí mảnh giấy “Xe ra vào cơ quan…” dán trước ô tô đang rất thịnh hành cũng đang bị lạm dụng như cái bảo bối bảo đảm cho hành vi vi phạm giao thông sẽ không bị xử phạt.
Những người bảo vệ pháp luật hay cán bộ, công chức, viên chức là những người cần gương mẫu nhất nhưng nhiều người trong số họ ý thức tham gia giao thông lại rất kém thì chẳng thể đòi hỏi ý thức của người dân sẽ tốt hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân của sự vô pháp đang lan tỏa mạnh mẽ trong mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay.
Những chế tài cho việc xử lý những cán bộ, công chức vi phạm pháp luật là rất cần thiết lúc này. Đó có thể là công khai danh tính, không bổ nhiệm hay tái bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, không nâng lương, không xét khen thưởng cho các cá nhân và tổ chức nếu cố tình vi phạm pháp luật về giao thông.
Đặc biệt cần tạo ra cơ chế để người dân dễ dàng tham gia giám sát, phát hiện việc vi phạm pháp luật về giao thông của cán bộ, công chức và theo dõi việc xử lý những người này cũng sẽ là một giải pháp rất hữu ích và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao.
Thay đổi tư duy về hình phạt
Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng việc truy tố hình sự những người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi lái xe. Việt Nam cũng nên xem xét đưa quy định này vào Bộ luật Hình sự vì ai cũng hiểu rằng nguyên nhân TNGT xuất phát từ say rượu bia là rất lớn.
Hình phạt bổ sung cũng là một yếu tố cần tính đến để đưa thêm vào quy định của Pháp luật. Các quy định của Pháp luật hiện hành cũng có những hình phạt bổ sung như tạm giữ giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện vi phạm… nhưng thực tế cho thấy cách làm này hiệu quả không cao.
Hà Nội đã phải chi ra hàng chục tỷ đồng cho việc cắt cỏ trên Đại lộ Thăng Long thì tại sao Hà Nội không đưa ra quy định người lái xe ô tô vượt đèn đỏ ngoài việc phải nộp phạt như hiện tại thì còn bị bắt buộc tham gia 1 ngày cắt cỏ trên đại lộ Thăng Long hay vơt rác trên sông Tô Lịch?
Đây là những cách làm không những đem lại hiệu quả mà còn giúp ngân sách Nhà nước tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ hàng năm.
Cách làm này chắc hẳn sẽ được nhiều người dân ủng hộ và nó sẽ có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao ý thức Pháp luật của người tham gia giao thông.
Thay đổi cách thức điều hành giao thông
Tại các quốc gia phát triển, rất hiếm khi bắt gặp Cảnh sát giao thông (CSGT) đứng tại các ngã ba hay ngã tư để điều hành giao thông nhưng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông vẫn ở mức rất cao.
Ở nhiều quốc gia việc vượt đèn đỏ gần như không xảy ra và việc xử lý vi phạm giao thông hoàn toàn qua hình ảnh camera tự động.
Ở Việt Nam thì lực lượng CSGT cắm chốt tại các ngã tư là rất lớn nhưng số người vi phạm pháp luật về giao thông vẫn rất cao. Không khó để nhìn thấy hình ảnh người tham gia giao thông vượt đèn đỏ ngay tại các ngã tư có CSGT cắm chốt.
Điều đó cho thấy việc cắm chốt của CSGT tại các ngã 4 để bắt người vi phạm rồi xử phạt là không đem lại hiệu quả. Lâu nay chúng ta vẫn quen với cách làm thiên về “chống” chứ việc “phòng” đang bị xem nhẹ.
Cách mà các lực lượng chức năng đón lõng để xử phạt khi có hành vi vi phạm xảy ra thay vì có biện pháp ngăn ngừa để cho hành vi vi phạm không xảy ra cần phải thay đổi ngay.
Bạn có tin rằng nếu CSGT đứng giữa ngã tư trên tay cầm tấm biển “Vì một thành phố văn minh, xin hãy không vượt đèn đỏ” hay “Hãy chung tay cùng chúng tôi xây dựng thành phố văn minh” sẽ phát huy tác dụng?
“Giao thông phản chiếu bộ mặt xã hội” điều ấy luôn đúng ở bất kỳ quốc gia nào, trong bối cảnh đất nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên mọi lĩnh vực thì việc nâng cao ý thức trong chấp hành luật giao thông sẽ giảm thiểu số người chết vì TNGT, đảm bảo hạnh phúc cho mọi người dân và bớt đi gánh nặng cho xã hội.
Điều này còn tạo ra sức lan tỏa về tinh thần thượng tôn pháp luật tới tất cả mọi người để giúp chúng ta xây dựng một xã hội văn minh.
Sẽ không thể có một kết quả tốt nếu chúng ta vẫn giữ cách làm cũ, vì thế thay đổi mạnh mẽ là đòi hỏi bắt buộc cho toàn xã hội. Không phải là bây giờ thì bao giờ?