Dung sai chất lượng thực phẩm: Không được quá 20%

Ngọc Kha 12/09/2016 23:09

Ngày 12/9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Nhóm Công tác phát triển ngành thực phẩm đồ uống (VFBG) tổ chức cuộc đối thoại chính sách về quản lý ATTP theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 35-2016/NQ-CP.

Dung sai chất lượng thực phẩm: Không được quá 20%

TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó tổng thư ký VCCI nhấn mạnh: Các nghị quyết nói trên đã tháo gỡ rất nhiều những vướng mắc cho doanh nghiệp để nhờ vậy, họ có thể giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm các thủ tục đăng ký chất lượng cũng như quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm.

VCCI hy vọng qua cuộc đối thoại này sẽ xây dựng được khung dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm cũng như giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp trong vấn đề ATTP.

Các sản phẩm thực phẩm chế biến thường có thời hạn sử dụng nhất định, thường trong vòng 1 năm. Trong thời gian đó, hàm lượng các chất giảm sút trong quá trình bảo quản, lưu kho, nhất là dưỡng chất.

Tuy nhiên, “Cần có quy định về khoảng dung sai để các sản phẩm thực phẩm này có thể xuất khẩu ra nước ngoài cũng như nhập khẩu thực phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam lưu thông một cách thuận lợi” như cách đặt vấn đề của TS E-Song Tee, nguyên trưởng Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch, dinh dưỡng và tiểu đường, Viện Nghiên cứu Y khoa, Bộ Y tế Malaysia tại hội thảo.

Cũng về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế nước ta cho hay: “Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động theo quy đinh của pháp luật và các điều ước trong nước và quốc tế mà Việt Nam cũng là thành viên, bên cạnh việc bảo vệ người tiêu dùng được coi nhiệm vụ ưu tiên số 1”.

Trong thời gian qua, theo TS Nguyễn Thanh Phong, Việt Nam đã và đang cải tiến, đơn giản hoá cũng như hiện đại hoá nhiều thủ tục hành chính công. Tiêu biểu là việc thực hiện mô hình phê duyệt hồ sơ đăng ký thực phẩm điện tử ở cấp độ 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc công bố chất lượng sản phẩm và quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm.

Theo đó, thay vì như trước đây phải mang hồ sơ giấy tờ đến tận văn phòng Cục để đăng ký công bố thông tin này thì bây giờ các doanh nghiệp chỉ phải ngồi tại chỗ gửi hồ sơ dưới dạng các file đến trang web của cục.

Sau 7 ngày (đối với sản phẩm thường hợp quy), 15 ngày (đối với sản phẩm thường quy), hồ sơ sẽ được phê duyệt và gửi thẳng lại doanh nghiệp. Việc thanh toán phí đăng ký cũng được cải tiến một bậc theo hình thức đóng phí trực tuyến qua “key pay”.

Cục ATTP đã thực hiện việc đăng ký trực tuyến này đối với các loại giấy tờ: Công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, chứng nhận đủ điều kiện ATTP, xác nhận nội dung hợp pháp về quảng cáo sản phẩm thực phẩm.

Không ai có thể phủ nhận được lợi ích của việc áp dụng này trong việc tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, việc mở ra khai báo trực tuyến này còn ngăn chặn đi đến triệt tiêu những tiêu cực trong quy trình giải quyết. Điều này còn được đảm bảo bởi một đường dây nóng về ATTP mà cục vừa công bố trên hệ thống 043 2321556.

Trở lại vấn đề xây dựng khung dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm, ý kiến các doanh nghiệp cho rằng do nhiều yếu tố trong quá trình bảo quản cũng như điều kiện khó khăn trong kiểm nghiệm hàm lượng các chất trong nguyên liệu cũng như sản phẩm, chất lượng sản phẩm có thể bị dung sai, thậm chí dung sai lớn so với đăng ký.

Và họ đề nghị Cục ATTP phải có những cơ chế “mềm” từng bước tháo gỡ cho các doanh nghiệp đảm bảo sản xuất, kinh doanh. TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng, hiện nay nước ta chưa có những quy định về khoảng dung sai này.

Tại các nước khác cũng vậy - ông cho biết thêm - vẫn chưa có nước nào quy định chuẩn dung sai. Tuy vậy, ngoài có luật ATTP, chúng ta còn có luật về chất lượng hàng hoá, Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn, Luật thương mại quan tâm đến vấn đề này.

Ví dụ như Nghị định 185 của Chính phủ, quy định nếu chất lượng sản phẩm đạt dưới 70% so với đăng ký thì có thể coi đó là hàng giả. “Xét nghiệm kiểu gì thì xét nghiệm cũng không thể có dung sai nhiều đến hàng chục phần trăm như vậy” - ông nhấn mạnh. “Chúng tôi sẽ bàn và tham mưu với Chính phủ để có chuẩn dung sai phù hợp.

Tuy nhiên, trước mắt, các doanh nghiệp chỉ có thể đưa ra mức dung sai tối đa là 20% đối với các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm nhưng phải “công khai” ghi trên nhãn mác để người tiêu dùng có thể nhận biết” - theo TS. Phong.

Ngọc Kha