Phát hiện nhiều di vật lý thú tại thương cảng Hội Thống
Số lượng di vật tìm thấy tại di chỉ thương cảng Hội Thống cho thấy hoạt động giao thương gốm sứ ở Hội Thống đầu thế kỷ 15 rất sôi nổi.
Thông qua di vật phát hiện được, các nhà khảo cổ nhận định thương cảng Hội Thống có từ thế kỷ 13.
Chiều 13/9, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa con người (thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục Nhật Bản) và Trường Đại học KHXH&NV (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố kết quả bước đầu đợt khai quật thám sát khảo cổ học thương cảng Hội Thống (Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Theo tài liệu thư tịch cổ của Nhật Bản và Trung Quốc, tài liệu của một số nhà truyền giáo phương Tây và nhật ký của các thương nhân thuộc Công ty Đông Ấn Hà Lan, thì Nhật Bản và Đại Việt có quan hệ giao thương từ cuối thế kỷ 16.
Tuy nhiên, qua khai quật khảo cổ học tại đền Hội Thống, các nhà khảo cổ đã khẳng định, thương cảng Hội Thống có từ thế kỷ 13 (thời nhà Trần).
TS Đặng Hồng Sơn (Trường Đại học KHXH&NV) cho biết: Cuộc khai quật thám sát lần này diễn ra từ ngày 4-13/9, đoàn đã mở 5 hố khai quật ở 4 khu vực khác nhau đã cung cấp những góc nhìn khác nhau về tính chất của từng khu vực.
Cuộc khai quật đã phát hiện nhiều mảnh gốm men thuộc các dòng men ngọc, men nâu, men trắng vẽ lam… có niên đại thế kỷ 13-14.
4 mảnh gốm Hizen đầu tiên tại khu vực đôi bờ Lam Giang
đã cung cấp những bằng chứng vật chất quan trọng nhất về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Bên cạnh đó còn có lò sành thế thời Trần, gạch ngói đặc trưng thời Trần.
Đây là một phát hiện khá lý thú, dường như vào thời Trần, khu vực này không chỉ diễn ra các hoạt động trao đổi hàng hóa trên bến dưới thuyền đơn thuần mà có thể đã có các kiến trúc sử dụng gạch và ngói mũi lá.
Điều này cho thấy khu vực Hội Thống có một giai đoạn phát triển mạnh dưới thời Trần.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dòng gốm men thương mại mang đặc trưng của thời Lê Sơ, trong đó có những đồ gốm men trắng hoa lam, trang trí hoa dây, cánh sen, chữ Phúc, chân đế cao, lòng đế tô mày nâu… là những đặc trưng dễ nhận thấy nhất của nhóm gốm lò Chu Đậu được sản xuất hàng loạt và xuất ra thị trường Đông Nam Á.
Số lượng di vật này cho thấy hoạt động giao thương gốm sứ ở Hội Thống đầu thế kỷ 15 rất sôi nổi.
“Điều này hoàn toàn phù hợp với việc Nguyễn Trải đã đề cập đến trong cuốn “Dư địa chí” về vị trí quan trọng của thương cảng này. Rất có khả năng xứ đồng Quan Phòng có liên quan nào đó đến cơ sở quản lý của nhà nước đối với cảng Hội Thống khi đây là một trong 9 cảng được nhà nước bảo hộ và cho phép thương nhân ngoại quốc vào buôn bán”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nói về vấn đề quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ở thế kỷ 17, TS Yurico Kikuchi (Viện nghiên cứu văn hóa con người thuộc Bộ văn hóa giáo dục Nhật Bản) cho biết: “Cuộc khai quật lần này, dựa vào việc phát hiện 4 mảnh gốm Hizen đầu tiên tại khu vực đôi bờ Lam Giang đã cung cấp những bằng chứng vật chất quan trọng nhất về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Tuy nhiên, đây là đồ gốm Hizen được sản xuất trong khoảng từ năm 1660-1670”.
“Tại Hội Thống, trong các hố thám sát và rải rác trên mặt ruộng, đoàn công tác còn phát hiện nhiều gốm sứ Trung Quốc có niên đại thế kỷ 16-18, có khả năng họ cũng chính là chủ nhân của loại hình sản phẩm gốm Hizen buôn bán trên thị trường Hội Thống lúc bấy giờ”, TS Yurico Kikuchi cho biết thêm.