Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nỗ lực nội địa hóa

Thanh Giang 14/09/2016 13:05

Sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhà đầu tư ngoại cùng với chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ đang từng bước giúp doanh nghiệp Việt gia tăng tỷ lệ nội địa hóa vào sản phẩm toàn cầu.

Doanh nghiệp nội địa đang hướng đến sản xuất linh kiện cho các nhà đầu tư ngoại.

Mong muốn hỗ trợ kỹ thuật

Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt nhận định, thời gian qua DN không thể bắt nhịp được các nhà sản xuất ngoại vì những quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm, khó khăn về quy định hợp đồng. Vài năm trở lại đây doanh nghiệp sản xuất linh kiện nỗ lực từ bỏ tư tưởng “thấy sóng cả, ngã tay chèo” mà từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa vào sản phẩm toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Hoàng – Giám đốc Công ty Tâm Hợp (đơn vị sản xuất linh kiện cho Toyota) cho biết, linh kiện sản xuất cho Toyota chiếm 80% doanh thu của doanh nghiệp.

Nhờ sự hỗ trợ của Toyota và kế hoạch đổi mới công nghệ, máy móc sản xuất đáp ứng yêu cầu khó tính của nhà sản xuất mà Công ty Tâm Hợp trở thành đơn vị cung cấp linh kiện thân thiết của hãng này. “Cứ sản xuất đúng chất lượng, giá cả hợp lý thì theo thời gian doanh nghiệp sẽ tự tiến bộ. Tuy nhiên, muốn sản xuất linh kiện hiệu quả nhất rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hoàng chia sẻ.

Cũng là doanh nghiệp sản xuất linh kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, Tổng Giám đốc Công ty Gold Sun (1 trong 12 doanh nghiệp cấp 1 cung cấp cho Samsung) thừa nhận, Samsung hỗ trợ doanh nghiệp tăng cải thiện sản xuất, chất lượng, môi trường làm việc. Đặc biệt, giúp tăng năng suất khoảng 20%, chất lượng giảm được tỷ lệ lỗi công đoạn. Lỗi hàng hóa đang giảm xuống 50%, trước kia trung bình một tháng phát hiện 36 lỗi (phản ánh từ khách hàng), nay giảm 15 lỗi. Tương tự, ông Nguyễn Thắng Sơn - Giám đốc chất lượng Công ty Phước Thành cho hay, từ khi Samsung hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi sản xuất, chất lượng sản phẩm, tư vấn bổ sung thêm thiết bị mới hiệu suất thiết bị tăng từ 25% lên 76%, năng suất tăng từ 20% lên 52%, tỷ lệ trả hàng 1,5% xuống còn 0%. Doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các hướng dẫn của nhà đầu tư ngoại nhằm đáp ứng yêu cầu một cách tốt nhất.

Đa số doanh nghiệp nội địa khẳng định, bất kể doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào cũng muốn trở thành nhà cung cấp linh kiện uy tín cho các thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, để trở thành những “đối thủ đáng gờm” trong cạnh tranh thì doanh nghiệp trong nước lại vướng rào cản khi yếu về kỹ thuật, thiếu về vốn. Doanh nghiệp nội đang mong muốn có sự hỗ trợ về kỹ thuật từ nhà đầu tư nước ngoài để linh kiện dễ dàng đáp ứng được yêu cầu sản phẩm có giá trị toàn cầu.

Đủ điều kiện tăng tỷ lệ nội địa hóa

Liên quan đến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang đẩy mạnh nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm toàn cầu, ông Oh Sanghoon - Giám đốc mua hàng của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cho biết, nếu như tháng 7-2015 chỉ có 141 công ty Việt tham gia chuỗi cung ứng thì đến tháng 9/2016 có 190 công ty. Trong đó, 12 nhà cung cấp trực tiếp (cấp 1), 178 nhà cung cấp thông qua doanh nghiệp khác (cấp 2).

Ông Oh Sanghoon nhận định, thị trường Việt Nam có chiến lược nội địa hóa nên Samsung có kế hoạch tìm nhà cung cấp tiềm năng để bồi dưỡng với mong muốn cả hai cùng phát triển. Đơn cử, 9 doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam được chuyên gia phía Samsung hỗ trợ phát triển kỹ thuật sản xuất với quy trình hiện đại, hoàn thiện chất lượng và giá trị sản phẩm.

Theo ông Oh Sanghoon, nhà cung cấp tăng trưởng tốt thì Samsung mới phát triển được. Điều này thể hiện rõ quan điểm Samsung phát triển thì nhà cung cấp phải phát triển.

Tin vào khả năng phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện ô tô, GS. Kobayashi – đại học Waseda khẳng định: “Chúng ta đang có năng lực sản xuất xe máy rất chuyên nghiệp và hùng hậu. Lực lượng này có thể sản xuất linh kiện ô tô. Đã có doanh nghiệp sản xuất động cơ xe máy thì đây cũng là khả năng cung cấp phụ tùng cho ô tô”. Vị này tin tưởng, doanh nghiệp sản xuất linh kiện xe máy của Việt Nam hoàn toàn có điều kiện phát triển và cung cấp linh kiện ô tô. Bởi vì ngành này có quá trình phát triển khá ổn định. GS. Kobayashi còn phân tích thêm về điều kiện đủ, năm 1986 – 1999 Việt Nam chỉ có 33 doanh nghiệp sản xuất linh kiện xe máy.

Thế nhưng giai đoạn 2000 – 2002, lượng xe máy Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp ồ ạt “đổ bộ” làm hỗn loạn thị trường và nhu cầu sử dụng xe máy của người dân tăng lên chóng mặt, cụ thể từ 5 triệu lên đến 15 triệu chiếc. Tại giai đoạn này Việt Nam có 22 doanh nghiệp tham gia thị trường. Giai đoạn 3, từ năm 2002 trở lại đây chủ yếu là dòng xe máy Honda sản xuất tại Việt Nam. Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa xe máy ở Việt Nam khoảng 70% hoặc có thể hơn tỷ lệ này với có 162 doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang tập trung vào xe máy với 50 doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện cho xe máy có năng lực kỹ thuật tích cực. Thời gian tới, nên xem lại nhằm tìm hướng phát huy thế mạnh này, đồng thời chuyển hướng sản xuất linh kiện ô tô.

Thanh Giang